- "Xung quanh vấn đề về hay ở của các bạn du học sinh nói chung và các bạn đề án 322 nói riêng, bạn đọc Dennis Tran có một vài điểm chia sẻ. VietNamNet đăng tải ý kiến của bạn đọc Dennis Tran.
Tôi xin chỉ phân tích ở hai vấn đề sau: Đối với du học sinh Việt Nam sau khi hoàn thành việc học ở nước ngoài, nên về hay nên ở?
Để mở đầu cho những lập luận của mình, tôi xin lấy dẫn chứng từ bài học lịch sử ngày xưa với một nhân vật lịch sử, đó chính là quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàng kính yêu của dân tộc ta. Trước hoàn cảnh nước nhà lầm than, đô hộ, Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911, trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài, Người đã từng bước tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Bắt đầu phải kể đến sự kiện Cách mạng tháng 10 năm 1917, thời điểm ấy Người đã nhận ra chân lí đúng đắn của phong trào cách mạng vô sản. Cũng có thể coi đây là bước ngoặc thành công cho quá trình tìm đường cướu nước của Nguyễn Ái Quốc. Thế nhưng Người không dừng lại ở đó… để rồi Người tiếp tục tìm tòi nghiên cứu sâu hơn, không chỉ ở một quốc gia mà còn ở nhiều đất nước khác. Sự kiện thứ hai phải nói đến đó là Người chủ trương thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, đó là một dấu mốc rất quan trọng cho lịch sử Cách Mạng Việt Nam. Thế nhưng thời điểm đó, Người vẫn còn ở nước ngoài…Và phải mất hơn 10 năm sau, Người mới quyết định về Việt Nam (1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tôi tự hỏi, nếu Nguyễn Ái Quốc mang những gì ông tiếp thu được từ những năm 1917, 1920 hay muộn lắm là 1930 về Việt Nam áp dụng ngay… thì liệu Cách mạng Việt Nam có được thành công hay không ? Và Nguyễn Ái Quốc có thể trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta được hay không ? Câu hỏi này tôi xin giành cho các nhà sử học phân tích, vì chắc chắn nó còn bao hàm nhiều điều kiện khác. Nhưng ở câu chuyện này, tôi học được cái cách đánh giá thời cơ và cơ hội từ Bác.
Rõ ràng với quá trình hoạt động của mình, những luận cương, tác phầm mà Người đã viết thì đến những năm 1930, đường lối Cách mạng của Hồ Chí Minh đã thực sự rõ ràng, đúng đắn. Thế nhưng nếu Bác về nước lúc ấy, đem áp dụng vào thời điểm ấy cho Việt Nam thì chưa chắc đã mang lại thành công. Bởi vì thời cơ, cơ hội ở Việt Nam lúc ấy không cho phép. Chính vì thế Người đã tiếp tục con đường bôn ba của mình và xây dựng cơ sở Cách mạng trong nước từ xa.
Quay lại với câu chuyện của các du học sinh chúng ta. Sau bao tháng ngày nghiên cứu học tập ở nước ngoài, họ cũng thu được những kết quả, những công trình nghiên cứu, cả những văn bằng. Thế nhưng liệu nó có áp dụng được ở Việt Nam hay không ? Nếu họ về họ có thể phát triển tiếp được nó hay không ? Điều đó chính họ phải suy nghĩ chứ không phải là một ông Nhà nước hay một ông cán bộ nào quyết định được.
Mười năm, hai mươi năm vẫn chưa thấy muộn, vì sự học, sự nghiên cứu, quá trình cống hiến là cả một đời người. Nếu họ có ý thức, có tinh thần dân tộc thì họ sẽ biết quay về cống hiến cho quê hương đất nước, hoặc dù ở bất cứ nơi đâu. Như một bạn đọc chia sẻ với tư cách là « những người trong cuộc », khi bạn đã gắn bó cả tuổi trẻ ở quê hương như thế, dù đi đâu bạn cũng sẽ nhớ về nó và bạn cũng sẽ tha thiết được cống hiến. Điều kiện trong nước chưa cho phép, thì chúng ta có thể đóng góp, thúc đẩy từ bên ngoài.
Vì vậy tôi nghĩ đối với các bạn học sinh, chuyện về hay ở phải phù hợp với điều kiện phát triển và cơ hội của mình. Kiến thức và kinh nghiệm là vô cùng quý giá. Một ông tiến sĩ có kinh nghiệm làm việc và đã thành công ở nước ngoài khi về nước có giá trị đóng góp to lớn hơn nhiều. (Hãy nhìn những khoa học gia như Ngô Bảo Châu, Trịnh Xuân Thuận… cũng thấy rõ).
Du học sinh 322, có nên ràng buộc chặt quá?
Tôi cũng là một sinh viên học bổng, nhưng không phải của 322 mà là của một tổ chức khác. Để đạt được học bổng, chúng tôi cũng phải được xét duyệt kĩ càng, và chẳng có một điều kiện gì ràng buộc cả. Đơn giản đó là phần thưởng cho những học sinh xuất sắc.
Tôi nghĩ chẳng có gì là không công bằng cả, bạn đã trải qua một quá trình phấn đấu suốt một thời gian dài, cố gắng rất nhiều, thì đương nhiên bạn phải đạt được cái gì đó, thế mời là công bằng chứ. Tôi luôn nghĩ rằng Học bổng nên hiểu đúng nghĩa là "phần thưởng" để khuyến khích và phát triển nhân tài. Do đó Học bổng 322 cũng nên như vậy, chứ nếu không thì Bộ GD sẽ đổi tên thành "Hợp đồng đào tạo cán bộ tại cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước", vì như thế sẽ rõ ràng hơn. Giống như người tuyển dụng kí hợp đồng làm việc vậy, nhận lương và phải có điều kiện ràng buộc (làm việc ở vị trí này, công tác nọ), nếu không hoàn thành hợp đồng sẽ chịu trách nhiệm pháp lí, bắt bồi thường…
Ngày xưa khi tôi đi học, tụi bạn bè du học theo hình thức tự túc cũng bảo tôi là "sung sướng". Nhưng tôi thấy chẳng có gì là sung sướng cả, cuộc sống sinh viên ở nước ngoài cũng có trăm ngàn nỗi lo, nếu anh tự túc phải nặng gánh "gạo, tiền" thì anh học bổng lại phải áp lực về "kết quả học tập"… Các bạn tự túc cứ than là "tôi phải đi làm cực khổ, vừa học vừa làm…" thế thì tại sao trước khi đi du học, các bạn không tìm một học bổng để "được sướng".
Tôi phải nói thẳng là họ không có khả năng, vì quãng thời gian trước họ không chuyên tâm học tập, để có kết quả tốt đế có thể xin học bổng… Đó là chưa kể, trào lưu đi du học bây giờ cũng ồ ạt, nhiều khi sang học thì ít, mà sang phá tiền cha mẹ thì nhiều. Các nước tiên tiến bây giờ đã biết "kinh doanh tri thức" rồi, bạn sang nước nó du học cũng góp phần làm giàu cho nó trên nhiều khía cạnh đấy chứ. Cái gì cũng có quy luật, cũng có nguyên nhân, kết quả của nó. Đừng phân biệt và đánh giá bằng những gì trước mắt, bằng "tiền bạc"… mà hãy nghĩ đến kết quả lâu dài. Tâm lí đại đa số trong chúng ta là thế, rất hay "so sánh" phiến diện và thiếu thấu đáo, đừng theo kiểu "con gà ghét nhau tiếng gáy", nó không làm phát triển cộng đồng được đâu.
Tôi không thấy việc Nhà nước buộc du học sinh 322 phải về nước ngay khi kết thúc khóa học đã là hay. Vì như tôi phân tích ở trên, môi trường, thời cơ là yếu tố khá quan trọng, nó cũng phải đi liền với hoàn cảnh của mỗi người. Nếu giả sử có ép buộc, thì cũng chẳng có tác dụng. Bác Hồ cũng đã dạy: "Người có tài mà không có đức thì vô dụng". Nếu thật sự họ không muốn cống hiến cho nơi làm việc ấy, thì đâm ra họ chỉ có "tài" mà không có "tâm", không dốc lòng phụng sự, như vậy cũng chỉ vô dụng mà thôi. Và cơ quan lại cứ phải trả lương cho họ thì cũng thật là lãng phí.
Còn nếu Nhà nước có sợ họ chạy mất, hoặc sợ lãng phí tiền, thì hãy làm tốt công tác quản lí lực lượng sau khi tốt nghiệp. Nếu muốn ở lại thì phải gia hạn, báo cáo rõ ràng, lí do, làm gì, ra sao… Phối hợp chặt chẽ với Sứ quán sở tại, nếu có cơ hội cũng nên tạo điều kiện cho họ làm việc cộng tác từ xa, trong khi chưa về nước được.
Chung quy lại, đứng trên quan niệm nhân văn và những gì tôi học được trong những ngày xa Tổ Quốc đó là tinh thần dân tộc, ý chí và nguyên vọng đóng góp cho quê hương. Bây giờ tôi có thể nói chuyện rành rọt với người bản xứ, cộng tác với họ, xin quốc tịch… Nhưng chung quy lại tôi vẫn là người Việt Nam. Tôi nghĩ các bạn sinh viên 322 cũng thế. Họ cũng đều là những người hiểu biết, họ cũng hiểu họ còn nợ quê hương, nhân dân nhiều lắm. Cũng sẽ có một ngày họ đền đáp khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nói đi cũng phải nói lại, cũng sẽ có những người không mang tư tưởng ấy, nhưng tôi tin thành phần đó là rất nhỏ, không sớm thì muộn (có thể lâu hơn) họ cũng sẽ nhận ra cái đích của cuộc đời mình.
Tôi thấy chính phủ Việt Nam bây giờ cũng đã có nhiều sự thay đổi lắm. Mong rằng các bác lãnh đạo hãy lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ "chính những người trong cuộc", những người hiểu rõ vấn đề.
- Bạn đọc Dennis Tran