- Tiến sỹ Mark Ashwill - Giám đốc điều hành của Capstone Việt Nam vừa có bài viết gửi VietNamNet đưa một số chỉ dẫn để giúp học sinh sinh viên tiếp cận du học không qua “tư vấn trọn gói” lên đến 15.000 đô la.
Hoàng Minh Tuệ, học sinh Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, đã được nhận học bổng toàn phần trị giá 72.000 đô-la Mỹ/năm của Trường ĐH Duke (Duke University).
Đại học Duke đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất năm 2016 theo US News & World Report. Trường có tỷ lệ tiếp nhận học sinh là 11,4%, đồng nghĩa với việc có tới 9 trong số 10 học sinh nộp hồ sơ vào trường, trong đó có nhiều học sinh xuất sắc, đã bị từ chối.
Tuệ được nhận học bổng mang tên Karsh International Scholarship, được tài trợ bởi Ủy viên quản trị ĐH Duke – ngài Bruce Karsh và vợ của ông, bà Martha - người đã quyên góp 50 triệu đô-la Mỹ cho Duke vào năm 2011 để lập quỹ hỗ trợ tài chính thường xuyên cho các sinh viên ĐH đến từ Mỹ và các quốc gia khác.
Hình ảnh minh họa |
Nhóm đầu tiên nhận được học bổng Karsh International bao gồm 9 sinh viên đến từ 9 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngoài việc chi trả học phí, ăn ở, và những nhu cầu kèm theo, học bổng còn hỗ trợ lên tới 7.000 đô-la cho các hoạt động nghiên cứu/dịch vụ trong suốt 3 mùa hè trước khi tốt nghiệp.
Làm sao Tuệ có thể làm được điều này? Một điểm SAT tuyệt đối 2400, kết quả học tập xuất sắc, kinh nghiệm tích lũy được từ chuyến thăm Hoa Kỳ, hoạt động tình nguyện ý nghĩa, sự tập trung sắc bén, khát vọng, và một chút may mắn.
Điều đáng nói là Tuệ đã tự mình đạt được học bổng mà không cần sự hỗ trợ của các công ty tư vấn giáo dục trọn gói có thu phí dịch vụ có thể lên tới 15.000 đô-la.
Thay vì nhờ ai đó mách cho cách viết một bài luận để đạt được mục tiêu, Tuệ viết bài luận của riêng mình theo cách chân thành và thẳng thắn, ví dụ như tập trung và những đặc điểm cá nhân và cách cậu sẽ nắm bắt lợi thế từ những cơ hội mới khi được trường tiếp nhận.
Tuệ thừa nhận, “ở độ tuổi 17, em không có tiền và cũng chưa có cống hiến đặc biệt gì cho nhà trường và xã hội. Em chỉ có phẩm chất, ý tưởng, năng lượng và một định hướng rõ ràng.” Tuệ cũng có hoài bão, một ngày nào đó sẽ đứng ở vị trí có thể dùng tiền, kiến thức và kinh nghiệm để tạo cơ hội cho những người trẻ như em hiện tại.
“Và có thể chính những điều này khiến hồ sơ của em được hội đồng tuyển sinh để ý” – Tuệ chia sẻ.
Do vậy, lời khuyên dành cho các bạn HSSV, đặc biệt là những bạn đang học lớp 10, 11 và đang cân nhắc việc đi du học ở nước ngoài: “Các bạn nên chuẩn bị bản thân trước, chuẩn bị hồ sơ sau, chuẩn bị phẩm chất trước, chuẩn bị thành tích sau, chuẩn bị ước mơ trước, chuẩn bị bài tự giới thiệu bản thân sau. Ngoài ra, ngay cả khi còn trẻ, các bạn cũng luôn nên tìm cách để sử dụng thời gian và khả năng của mình một cách hiệu quả nhất, chung tay giúp đỡ nhiều người nhất có thể.”
“Tự làm theo cách của mình” cũng đảm bảo hồ sơ xin học của học sinh trung thực và có bản sắc riêng - đây là những giá trị mà hội đồng tuyển sinh thường đánh giá rất cao” – Tuệ chia sẻ.
Vậy học sinh nào nên dùng đến dịch vụ của các trung tâm tư vấn du học? Các học sinh cần sự hướng dẫn và lời khuyên để có định hướng rõ ràng hơn khi mới tìm hiểu về hệ thống giáo dục phức tạp ở các nước khác, như Mỹ chẳng hạn.
Với tất cả các dịch vụ và hàng hóa mà bạn sử dụng, luôn thực hiện theo nguyên tắc: “người tiêu dùng thông thái” bằng cách kiểm tra danh tiếng của công ty, loại trường đối tác mà công ty có quan hệ.. ví dụ trường thuộc cấp kiểm định nào, công ty này có hoạt động chân chính bằng cách tuyệt đối nói không với việc làm giấy tờ giả, làm hồ sơ giả hay không, công ty này tư vấn cho học sinh thế nào, ví dụ như sẵn sàng định hướng cho học sinh vào những trường chưa thực sự phù hợp, thậm chí không chất lượng chỉ nhằm mục đích gửi được học sinh đi để thu phí dịch vụ và hoa hồng từ trường đối tác; hay trong việc chuẩn bị cho học sinh phỏng vấn visa, thay vì hướng dẫn học sinh trả lời theo ý của mình một cách trung thực thì lại hướng dẫn học sinh trả lời theo kịch bản có sẵn (nói dối - điều tối kỵ khi phỏng vấn).
Hãy cẩn trọng trong lựa chọn vì các đơn vị tư vấn chất lượng và chân chính ở Việt Nam thực sự không nhiều. Quan trọng nhất là, công ty mà bạn làm việc với có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm không, họ coi trọng lợi ích của khách hàng hơn, hay chỉ coi trọng số tiền mà họ sẽ kiếm được.
Tiến sỹ Mark Ashwill là giám đốc điều hành của Capstone Việt Nam, một công ty phát triển nguồn nhân lực, cung cấp các giải pháp giáo dục và đào tạo với 2 văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM. Tiến sỹ Ashwill từng là giám đốc của Viện Giáo dục quốc tế IIE ở Việt Nam từ 2005-2009… |
- Tiến sỹ Mark Ashwill