Tiên Yên, vùng đất cửa ngõ miền Đông của tỉnh bao đời nay là nơi cư trú và phát triển của các dân tộc anh em Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ… Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 52,14%,

Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, nhờ sự quan tâm chỉ đạo hướng dẫn từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự phối hợp của những nghệ nhân am hiểu, lưu giữ vốn di sản văn hóa các dân tộc, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tiên Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Những lễ hội truyền thống của dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu đã được phục dựng thành công. Một số CLB nghệ thuật dân gian, dân tộc được duy trì và phát huy hiệu quả. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm bảo tồn và gìn giữ.

Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã thực hiện trang trí hơn 1.800 băng rôn, 350 phướn lớn, các cụm loa truyền thanh cơ sở phát trên 15.000 lượt bài tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của huyện. 10 năm qua, Tiên Yên đã tổ chức được 5 hội nghị tập huấn bảo tồn di sản văn hóa cho gần 500 học viên là cán bộ các phòng chuyên môn của huyện, lãnh đạo và công chức văn hóa các xã, thị trấn, trưởng các thôn, bản, khu phố và những người trông coi, bảo vệ di tích, nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở trong việc nhận biết các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

anhminhhgoa.png
Ảnh minh hoạ

Hằng năm, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc ở Tiên Yên được diễn ra, làm náo nức bao người. Có thể nhắc đến như lễ hội đua thuyền trên sông Tiên Yên; lễ hội dân tộc Sán Chỉ gắn với mùa lúa vàng ruộng bậc thang; lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Dao gắn với chợ phiên Hà Lâu; lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Tày gắn với tục xuống đồng, với đình Đồng Đình; lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Sán Dìu gắn với di tích đền Đức Ông Hoàng Cần và điểm du lịch hồ Khe Cát...

Ngay cả trong sinh hoạt hàng này, dễ dàng bắt gặp các chàng trai, cô gái Sán Dìu say sưa hát soọng cô; người Tày hát then và đàn tính; hát soóng cọ là của người dân tộc Sán Chỉ; hát đám cưới và hát đối của người Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán.

Từ nhận thức rất rõ tiềm năng, thế mạnh này, huyện Tiên Yên luôn chủ động phát huy giá trị văn hóa các dân tộc anh em, khơi gợi niềm tự hào về vốn văn hóa của mình trong mỗi người dân. Huyện cũng vận động cán bộ công chức, học sinh mặc trang phục dân tộc tại công sở, trường học; khuyến khích 100% xã, thị trấn trên địa bàn thành lập các CLB văn nghệ dân gian; chăm lo cho các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số; mở các lớp tiếng nói, chữ viết, phục dựng một số kỹ năng may, thêu, nấu ăn của các dân tộc thiểu số cho lớp người trẻ tuổi…

Đặc biệt, gần đây huyện Tiên Yên dành sự ưu tiên, quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó đã và đang triển khai hàng loạt đề án hình thành các làng văn hóa dân tộc. Hiện nay huyện đã phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện đề án Làng văn hóa dân tộc Tày xã Phong Dụ, đã được bố trí quỹ đất, tạo mặt bằng, đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; phát huy lễ hội xuống đồng; đang tiếp tục phục dựng đình và lễ hội đình Đồng Đình.

Giai đoạn tới huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ tiếp tục xây dựng địa phương trở thành trung tâm văn hóa, là nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc.

3 đề án làng văn hóa còn lại là Làng văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Hải Lạng, Làng văn hóa dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực - Đại Thành, Làng văn hóa dân tộc Dao xã Yên Than - Hà Lâu đã hoàn thành khâu tư vấn, khảo sát, báo cáo lần 2, hiện đang chờ UBND huyện phê duyệt để triển khai đầu tư.

Đặc biệt, đề án Làng văn hóa dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực - Đại Thành được đánh giá thuận lợi để triển khai và cơ hội thành công lớn, bởi đến thời điểm này người Sán Chỉ trên địa bàn 2 xã này vẫn giữ được đặc thù sinh sống tập trung và tính gắn kết cộng đồng cao, lưu giữ nhiều nét văn hóa cổ xưa đặc sắc.

Hồng Lê