Từ Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đi theo tuyến quốc lộ 27 khoảng 10 km, du khách gặp ngôi chùa cổ nằm bên tay trái đường trong không gian xanh mát bên bờ sông Dinh.

Thiền Lâm có “tuổi đời” trên 200 năm được xem là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất tỉnh Ninh Thuận. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, tọa lạc ở thôn Đắc Nhơn (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận).

{keywords}
Tổ đình Sắc Tứ Thiền Lâm

Hơn 200 năm vật đổi sao dời, chùa đã qua nhiều lần trùng tu. Nhất là từ sau năm 1975 đến nay, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tự do tín ngưỡng, chùa Thiền Lâm được phật tử đóng góp công sức xây cất ngày càng khang trang. Toạ lạc trên diện tích khoảng 1 ha, chùa xây theo kiểu chồng diềm hai tầng tám mái uốn lượn theo hình đầu đao cong vút. Đỉnh mái chùa trang trí hoạ tiết rồng bay, phụng chầu tạo nên dáng vẻ trang nghiêm, cổ kính. Cấu trúc chùa gồm điện chính thờ phật, điện trung thờ tổ và các nhà ở dùng làm nơi sinh hoạt cho sư trụ trì, các sa di.

Trước sân chùa Thiền Lâm hiện còn hai cây bồ đề cổ thụ toả cành xanh rợp cổng tam quan. Theo những người cao tuổi ở thôn Đắc Nhơn cho biết cặp bồ đề đại thụ này đã lớn lên cùng với “tuổi tác” của ngôi chùa. Thiền Lâm- một ngôi chùa cổ thơ mộng đang mời gọi du khách gần xa về vãng cảnh, cúng Phật.

Năm Kỷ Dậu 1789, Hoà thượng Đức Tạng (hiệu Liễu Minh, đời thứ 37 thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông), quê ở Phú Yên, hành đạo ở Thuận Hoá, đã vượt đường xa vào đến Ma Nương thôn (Đắc Nhơn ngày nay), lập thảo am tu hành, hoá độ chúng sinh. Rồi dần dà chùa được hình thành với dáng vóc đơn sơ mộc mạc, được đặt tên là Thiền Lâm.

Theo dòng lịch sử truyền thừa cho thấy, sau Tổ khai sơn Liễu Minh, chùa đã đón nhận một bậc danh tăng là Thiền sư Hải Bình, hiệu Bảo Tạng, thuộc thế hệ 40 của dòng Thiền Lâm Tế. Tổ sư Hải Bình là vị tăng thứ 7 chính thức thừa kế ngôi vị trù trì, và cũng chính Ngài đã cho tái thiết đại trùng tu ngôi cổ tự này lần thứ nhất vào năm 1854. Ngoài việc trùng tu ra, Tổ Hải Bình còn khai sơn một số chùa ở các nơi như: chùa Linh Sơn ở núi Cà Đú – Ninh Thuận, chùa Trà Cang- Ninh Thuận, chùa Linh Sơn ở Vĩnh Hảo – Bình Thuận, chùa Cổ Thạch ở Tuy Phong – Bình Thuận, và ngay cả chùa Bửu Long, Châu Viên và Ngọc Tuyền trên núi Kỳ Vân ở phía Nam vùng biển Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu...

Ban đầu, chùa cất quay mặt về hướng đông, đến thời Tây Sơn, chùa được xây cất bằng gạch ngói quay mặt về hướng Nam cho tới ngày nay.

Vào những ngày đại lễ, tiếng đại hồng chung của chùa Thiền Lâm vang vọng đến các thôn xóm gần xa. Ít ai biết chiếc chuông đồng này được đúc từ năm thứ bảy đời vua Gia Long (1807) với đường kính 0,4 mét, cao gần 1 mét, nặng đến vài trăm ký. Tích xưa kể lại rằng vào triều vua Lê Chiêu Thống năm thứ ba (Kỷ Dậu- 1789) có Hoà thượng Đức Tạng (hiệu Liễu Minh) ở Thuận Hoá vượt đường thiên lý Bắc- Nam vân du vào đến Ma Nương thôn (Đắc Nhơn, Nhơn Sơn, Ninh Sơn ngày nay). Hoà thượng lập thảo am tu hành, hoá độ chúng sinh. Hoà thượng Đức Tạng đặt tên chùa là Thiền Lâm. Lúc đầu chùa cất quay mặt về hướng đông. Đến thời Tây Sơn, chùa được xây cất bằng gạch ngói quay mặt về hướng Nam cho tới ngày nay.

Trước sân chùa, hiện còn hai cây bồ đề cổ thụ, bóng râm tỏa mát cả một sân rộng lớn, có tuổi đời cũng xấp xỉ tuổi của chốn giá lam thanh tịnh này.

Về sau, Hòa thượng Thích Huyền Tân, được Thầy Tổ Thích Trí Thắng trịch cử về làm trụ trì, đã trùng kiến chùa vào năm 1959, và trùng tu nhiều lần khác.

Thầy Tổ Huyền Tân là bậc thức giả danh tiếng, giới đức thanh nghiêm, từng giữ chức vụ Giám viện Phật Học Liễu Quán từ năm 1968-1973. Các vị Hòa thượng Thích Đỗng Quán, Hòa thượng Tuyên Luật Sư Thích Đỗng Minh, Hoa thượng Thích Đỗng Hải... chính là những đệ tử xuất chúng của ngài Huyền Tân, đóng góp rất lớn vào công cuộc hoằng dương chánh pháp của Phật giáo nước nhà nói chung, và vùng đất Phan Rang- Ninh Thuận nói riêng…

Vị trụ trì hiện nay là Hòa thượng Thích Đỗng Hoằng đã cho trùng tu ngôi chùa từ nhiều năm qua, kiến thiết và bảo tồn song song với nhau, vẫn giữ được sự hài hòa của cổ kim mới cũ. Trong khuôn viên chùa còn có tháp của chư Tổ Liễu Minh Đức Tạng, và Thầy Tổ Huyền Tân...

Nghe kể, vào những năm 1970 của thế kỷ trước, kinh tế đất nước khó khăn, dân tình đói kém, Mẹ tôi đã từng theo các Ni Sư ở Nha Trang vào thăm chùa, yết kiến Hòa thượng Đỗng Hải (tự Hạnh Chí, húy Thị Đà, đời thứ 42, thừa kế Tổ đình từ năm 1979 đến năm 1982) nhiều lần. Hòa thượng rất sính thi văn, nên rất trọng văn nghệ sĩ. Và, Mẹ tôi đã được Hòa thượng dành riêng cho một góc thanh tịnh, ngồi nhìn ra cửa sổ để nữ sĩ làm... thơ Đạo. Đất của chùa rất rộng lớn, nhưng hồi đó xung quanh chỉ thấy trồng "cao lương" (bo bo) để chống đói. Nay thì đã khác nhiều rồi, những miếng đất trồng bo bo, ngô khoai, sắn chuối... bây giờ đã được thay thế bằng đài Quán Thế Âm, Miếu Tiêu Diện, khóm hoa chậu kiểng, tạo nên một cảnh giới trang nghiêm, ngập tràn hương sắc an lạc.

Đỗ Nga
Ảnh: Ngân Phương