Sau 4 năm hoãn vì dịch Covid-19, cuộc thi Tiếng hát người làm báo mở rộng năm 2023 chính thức được phát động từ tháng 11/2022. Cuộc thi là cơ hội gặp gỡ, giao lưu học hỏi và thể hiện tài năng âm nhạc, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ người làm báo Việt Nam.
Theo ban tổ chức, cuộc thi lần này có nhiều điểm mới. Thành phần tham gia được mở rộng hơn mọi năm bao gồm không chỉ những nhà báo, cán bộ nhân viên đang công tác tại các cơ quan báo chí mà còn là những sinh viên ngành báo chí, phát thanh truyền hình khắp cả nước.
Vòng sơ tuyển sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thời hạn đăng ký tiết mục dự thi và gửi sản phẩm tham gia vòng tuyển chọn trước ngày 30/11/2022.
Lo ngại về việc có thể các tác phẩm dự thi sẽ bị chỉnh sửa, nhạc sĩ Đức Trịnh khẳng định, ông cùng những thành viên hội đồng ban giám khảo, ban tổ chức không khó khăn trong việc nhìn ra những gian lận nếu có.
Ban giám khảo sẽ chọn ra 15 tiết mục để tham dự vòng chung kết. Những thí sinh tham dự cũng được huấn luyện trước khi tham gia đêm cuối. Đây là điểm mới chưa từng có trong những lần tổ chức trước.
Các tiết mục được quy định dự thi gồm: Đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca và hợp xướng (khuyến khích các tiết mục có sự đầu tư dàn dựng công phu, hát bè và múa minh hoạ). Chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu con người, tình yêu quê hương, đất nước và truyền thống hào hùng của dân tộc ta, trong đó có truyền thống hào hùng do đội ngũ những người làm báo cách mạng tạo dựng.
Nhấn mạnh về cuộc thi, ông Nguyễn Đức Lợi - Trưởng ban tổ chức nhắc nhở, đây là cuộc thi mang ý nghĩa về tinh thần với những người làm báo. Vì vậy, ban tổ chức cùng các thí sinh dự thi phải vô cùng cẩn thận trong việc lựa chọn trang phục, tránh phản cảm, gây tranh cãi. Về phần nội dung các tác phẩm dự thi cũng là một điểm cần lưu tâm trước khi xét duyệt đưa ra trình diễn.
Đêm chung kết cuộc thi dự kiến được tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023 (diễn ra vào trung tuần tháng 3/2023) tại Hà Nội.