Bật lên tiếng kêu đau khi bị thương tổn là một bản năng tự nhiên và không thể ngăn cản được của con người. Hiện các nhà khoa học đã tìm ra tác dụng tuyệt vời những tiếng kêu đó.


{keywords}

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Singapore phát hiện, việc chúng ta bật ra tiếng kêu "Á/ối, đau quá" khi bị thương tích hoặc bị làm đau đã cản trở việc cơ thể truyền các thông điệp về cơn đau tới bộ não.

Trước đây, các nhà sinh vật học từng cho rằng, loài người đã tiến hóa để có hành động tự phát trên nhằm cảnh báo cho những cá thể cùng loài khác về nguy hiểm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Singapore khám phá ra rằng, chúng ta thực tế làm điều này nhằm làm bản thân sao lãng cảm giác đau, giúp chống chịu cơn đau tốt hơn.

Các nhà nghiên cứu đến từ Khoa Tâm lý và sinh học thần kinh thuộc Đại học quốc gia Singapore, viết: "Điểm chung là âm thanh được tạo ra khi miệng để mở đơn giản, lưỡi nằm thẳng và đôi môi vẫn không uốn tròn. Đây là âm thanh đơn giản đòi hỏi đôi chút kiểm soát việc phát âm, trong khi tối đa hóa âm lượng phát ra".

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra xem những người tình nguyện có thể nhúng bàn tay của họ trong nước lạnh buốt khoảng bao lâu. Tất cả họ được phép la lên "ối/á đau" khi cảm thấy đau buốt, và sau đó thử nghiệm được lặp lại 4 lần nữa với yêu cầu họ phải giữ im lặng.

Cụ thể là, trong thử nghiệm thứ hai, những người tình nguyện có thể ấn một cái nút khi họ cảm thấy đau, trong thử nghiệm thứ 3, họ được cho nghe một đoạn ghi âm bản thân kêu "á/ối đau". Đối với thử nghiệm thứ 4, tất cả được nghe ghi âm một người khác kêu đau và ở thử nghiệm cuối cùng, họ chỉ ngồi im thụ động cho tới khi không thể chịu đựng được cơn đau nữa.

Kết quả cho thấy, những người tình nguyện có thể chống chịu cơn đau lâu nhất khi họ được phép la to. Nghe các băng ghi âm tiếng kêu la không có tác dụng làm tăng thời gian họ có thể chống chịu được cơn đau, ám chỉ rằng, "việc bật lên tiếng kêu đau không nhằm mục đích giao tiếp".

Dù vẫn chưa rõ chính xác cơ chế hoạt động của việc phát ra tiếng kêu đau, nhưng nhóm nghiên cứu nhận định, các thông điệp tự động truyền tới vùng phát âm của bộ não đã làm nhiễu loạn các thông điệp về cơn đau. Họ lí giải, xét về các quá trình vận động cảm giác, các hành động vận động gắn kết cả hai phần của hệ thống thần kinh ngoại biên. Các thay đổi về cơ phản hồi tới bộ não do đó ganh đua với các quá trình liên quan đến cơn đau.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)