- Nhiều bậc cha mẹ tin rằng, tạo cho con cuộc sống vật chất đầy đủ là quan tâm đến con, là yêu thương con.. Họ biết với đứa trẻ đang bước vào đời, bao nhiêu yêu thương của bố mẹ không bao giờ là thừa.
Cha mẹ nên biết cách gửi đến con thông điệp: “Dù có chuyện gì đi chăng nữa, cha mẹ vẫn là người yêu thương con nhất, sẵn sàng tha thứ, bảo vệ và giúp đỡ con” |
Mất con vì hành xử thô bạo
Những bi kịch liên tiếp liên quan tới hiện tượng tự tử tuổi vị thành niên cho thấy những tiếng kêu cứu của các em đã không được người lớn lắng nghe, giúp đỡ. Những câu hỏi day dứt đặt ra sau những cái chết tức tưởi ấy là bố mẹ, thầy cô, người thân đã ở đâu vào thời điểm các em lạc lõng, bơ vơ, yếu đuối nhất?
Vẫn biết tuổi dậy thì phức tạp, tâm lý biển đổi khó lường, nhưng nếu có một nguồn yêu thương luôn sát cánh bên các em, thì hẳn các em đã không dễ dàng buông xuôi đến thế.
Nhiều năm làm tư vấn tâm lý trẻ em, hôn nhân, gia đình, TS Nguyễn Thị Kim Quý nhìn nhận, một phần lối lớn cho những tấn bi kịch này là sự vô tâm của cha mẹ. Miệt mài gây dựng tổ ấm của mình, họ đã quá chăm chú chạy theo thành quả về vật chất, quên mất cái hơi ấm cần có trong gia đình. Chỉ khi bi kịch xảy ra, con cái gặp “chuyện’, cha mẹ mới hốt hoảng thì nhiều khi không kịp nữa.
Cách đây không lâu, có trường hợp một cháu gái ở Hà Nội được đưa tới tư vấn sau 2 lần tự tử không thành.
Cô bé ngồi trước bà, dù chỉ 15, 16 tuổi đã tỏ ra khá “lì”, từ gương mặt tới cách trò chuyện, nói năng. Tay cháu vẫn còn vết thương và vết sẹo, dấu tích của hai lần rạch tay chết hụt: Một lần, cháu đã rạch tay doạ chết trước đó. Còn lần thứ 2, cô bé tự tử vì đòi mua một chiếc xe đạp điện, bị bố từ chối.
Quá trình tư vấn, bà mới biết, thực chất gia đình cô bé không “hoàn hảo” như họ tỏ ra bên ngoài. Bố mẹ cô đã không còn yêu thương gì nhau, lâu nay người cha có tình nhân và vô tình con gái biết chuyện.
Chán chường, bất cần, nó dựa vào “bí mật ai cũng biết” đó để đòi hỏi bố hết cái này đến cái khác. “Cô bé tự tử vì nó bị khủng hoảng niềm tin, gia đình đổ vỡ và sự giả tạo của cha mẹ làm nó thất vọng, mất phương hướng. Lý do chiếc xe đạp hay lời mắng mỏ của bố mẹ chỉ là giọt nước làm tràn ly” – TS Kim Quý phân tích.
Ở trường hợp khác, một nam sinh bị bố mẹ cấm yêu, hành xử thô bạo: Biết con yêu sớm, bố mẹ cậu bé đã nhốt con lại để con “suy nghĩ” và quản thúc con suốt nhiều ngày sau đó. Những lời mắng mỏ kiểu chụp mũ, động vào nhân cách, tự ái của đứa trẻ như “đồ hư hỏng, mất dạy…” càng kích thích mạnh mẽ tâm lý phản kháng của trẻ. Cậu học trò ấy tự tử ngay trong căn phòng bố mẹ nhốt cháu.
Thất bại của tình yêu thương, thất bại của giáo dục
Trong những lớp học dành cho các bậc cha mẹ do văn phòng tham vấn Gia đình và trẻ em Vala, TS Kim Quý đã nhận được vô số những thắc mắc, chia sẻ của những đấng sinh thành. Yêu con, thương con, nhưng đôi khi họ thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng làm bạn cùng con. Do đó, càng lớn đứa trẻ càng xa cách với bố mẹ, đến lứa tuổi nhạy cảm, người cha, người mẹ lại hoang mang lo lắng bỗng cảm thấy thật khó mở lời, thật khó để tiếp cận con. Hiện tượng trẻ tự tử khiến nhiều bậc phụ huynh sững sờ, thậm chí không dám tin khi nó xảy ra trong gia đình mình cũng xuất phát từ điều này.
Bà tư vấn: “Để con tránh không nghĩ tới cái chết như một giải pháp, cha mẹ phải biết cách sớm gửi đến con thông điệp: “Dù có chuyện gì đi chăng nữa, cha mẹ vẫn là người yêu thương con nhất, sẵn sàng tha thứ, bảo vệ và giúp đỡ con”. Thông điệp này cần được chuyển tải một cách tế nhị, thông qua một quá trình lâu dài chứ không một sớm một chiều, bằng một lời nói suông mà được”.
Là nhà tư vấn, đồng thời là một nhà giáo, bà thẳng thắn cho rằng tình trạng học sinh tự tử không chỉ bởi cha mẹ thiếu quan tâm, thiếu kiến thức và kĩ năng hiểu con, mà điều này còn cho thấy phần nào sự thất bại của nền giáo dục đang sẵn có những căn bệnh “khó chữa”.
“HS đến trường phải học rất nhiều kiến thức sách vở nhưng kiến thức kỹ năng mềm thì thiếu hụt. Các hoạt động thể chất ít, chưa hấp dẫn. Môn Giáo dục công dân nhằm trang bị nền tảng đạo đức, ứng xử trong cuộc sống thì bị coi nhẹ. Mô hình tư vấn tâm lý học đường dù được triển khai nhưng chưa hiệu quả, hoặc không áp dụng được rộng rãi, phát huy tác dụng vì thiếu kinh phí. Với những thiếu hụt ấy, trẻ em vô tình phải tự “bơi” qua khủng hoảng. Trẻ không biết phải bấu víu vào đâu, nên nhiều em chọn cách giải quyết tự tử - tuy đau lòng nhưng không hề khó hiểu.
- Quỳnh Anh