Những người “chèo đò” xa xứ

Bà giáo Nguyễn Thị Sương (71 tuổi) đang sinh sống ở thành phố Preah Sihanouk - thủ phủ tỉnh Preah Sihanouk đã dành tâm huyết, “gieo chữ” Việt đến nhiều thế hệ kiều bào. Lớp học của bà nằm trong khuôn viên của trụ sở Ban Chấp hành Hội Khmer - Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk.

Đến nay, lớp học của bà đã đi một chặng đường 18 năm. Vượt qua bao gian khó và thiếu thốn, hiện lớp thường xuyên duy trì sĩ số 20 em, đủ các độ tuổi. 

Sau thời gian theo lớp, học sinh của bà phần lớn đều đọc thông, viết thạo tiếng Việt và có hiểu biết về đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc để luôn hướng về quê hương, nguồn cội.

suong.jpg
Bà giáo Nguyễn Thị Sương trong sự kiện đón Xuân Quý Mão 2023.

Không chỉ vậy, bà còn dạy nhiều con em người Campuchia. Các cháu theo học lớp của bà đã đọc thông viết thạo tiếng Việt và làm việc ở vị trí chủ chốt tại một số doanh nghiệp của Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk, góp phần là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền và nhân dân sở tại.

Bà Nguyễn Thị Sương tự hào rằng mỗi học sinh của bà là một “hạt giống” để lan tỏa tình yêu Tổ quốc, yêu văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong các tiết học, bà thường đưa vào 5 điều Bác Hồ dạy, qua đó các em hiểu được: Yêu tiếng nói của dân tộc chính là yêu Tổ quốc. Yêu thương cha mẹ, cộng đồng chính là yêu đồng bào.

“Tôi dạy các cháu tiếng Việt để không quên cội nguồn và hiểu biết thêm kiến thức. Các cháu có tri thức sẽ thay đổi được cuộc sống khó khăn; đồng thời thể hiện được với người dân sở tại cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ và truyền thống quý báu của dân tộc ta”, bà tâm sự. 

Cô giáo Thạch Thị Lan, Hiệu trường Trường tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến, Phnom Penh chia sẻ, đối với con em người gốc Việt tại Campuchia, việc học tiếng Việt và tiếng Khmer đều rất quan trọng. Nếu học giỏi cả hai ngôn ngữ, các cháu sẽ hòa nhập được với xã hội Campuchia, đồng thời giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và có cơ hội được làm việc ở những doanh nghiệp lớn. Cô rất tự hào được truyền thụ ngôn ngữ mẹ đẻ cùng kiến thức cho con em cộng đồng,

Theo cô Thạch Thị Lan, tuy đời sống còn vất vả, lương giáo viên dạy con em cộng đồng còn thấp, sách giáo khoa chưa đầy đủ, nhưng tập thể gần 50 giáo viên trong hệ thống trường, lớp của người gốc Việt Nam tại Campuchia, cùng với những thầy, cô ở đâu đó trong thôn, bản xa xôi vẫn luôn nhận được sự động viên của phụ huynh, của Đại sứ quán, của Hội Khmer - Việt Nam và các cơ quan, đoàn thể, vẫn sớm chiều đứng trên bục giảng.

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào của Trường tiểu học Hữu nghị Khmer – Việt Nam, huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng là thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở Campuchia. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân và Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia, anh có cơ hội cắp sách đến trường, được trở lại Việt Nam học đại học, trở thành người có tri thức.

Với khát vọng đóng góp vào sự trường tồn của văn hóa Việt và tri ân những tấm lòng của bà con kiều bào, anh lựa chọn con đường trở thành giáo viên. Sau khi tốt nghiệp cử nhân sư phạm tại TP Hồ Chí Minh, dù có nhiều cơ hội tốt để phát triển nhưng anh đã lựa chọn quay lại Campuchia lập nghiệp.

Khi mới về trường công tác, cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo cụ không có, bà con kiều bào chưa thực sự quan tâm đến việc học hành của con em vì còn mải kiếm kế sinh nhai. Lúc đó, thầy đã cùng các giáo viên khác đi vận động từng gia đình, trích một phần tiền lương hỗ trợ các em mua sách, vở, đồ ăn… Học sinh nào bận theo gia đình đi làm thuê, thầy hỗ trợ dạy ngoài giờ đến khuya. 

Với quan điểm, tiếng Việt không chỉ để xác định danh tính dân tộc, mà ngôn ngữ đó còn thể hiện một bản sắc văn hóa, vì vậy, thầy Nguyễn Văn Hào luôn định hướng cho nhà trường coi tiếng Việt như sợi dây nối liền những người con xa xứ với quê cha, đất tổ. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn giảng dạy tiếng Khmer theo chương trình của Campuchia với mong muốn các em có điều kiện tốt hơn để hòa nhập cộng đồng.

“Tôi muốn giúp các em hiểu được nguồn cội, nguồn gốc, giữ được ngọn lửa dân tộc Việt Nam. Vì vậy, trong giáo án, tôi và các giáo viên lồng ghép những bài về phong tục tập quán của người Việt Nam, lịch sử Việt Nam với những nội dung nhẹ nhàng dễ hiểu”, thầy cho hay. 

Vì một cộng đồng phát triển

Chị Trần Thị Thanh Nhung sang làm việc tại Campuchia gần 10 năm. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, mang hương vị Việt Nam đến đất nước chùa tháp, người phụ nữ gốc Hà Nội còn có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

Là giám đốc marketing của công ty chuyên về thiết kế, chị Nhung cùng đồng nghiệp nhận trang trí nội thất cho nhiều công trình. Khi tuyển dụng, chị dành ưu tiên cho những lao động gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn, hầu hết sống trên các nhà bè dọc theo sông Sap và sông Mekong ở Phnom Penh và các tỉnh lân cận như Kandal, Prey Veng và Kampong Cham.

cmapuchia.jpg
Bà con kiều bào tại Campuchia trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Thông qua Đại sứ quán, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và các hội từ thiện, chị Nhung nhiều lần trích thu nhập cá nhân và vận động doanh nghiệp quyên góp tiền chuyển về Việt Nam ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt và người nghèo ở các địa phương. 

Tại Campuchia, doanh nghiệp của chị thường đóng góp tiền mặt, gạo, thuốc chữa bệnh, xe lăn, cũng như tham gia hỗ trợ các hoạt động khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho người nghèo Campuchia và bà con gốc Việt.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chị Nhung cùng ban lãnh đạo công ty quyết tâm duy trì việc làm và trả lương đầy đủ cho công nhân. Trong những ngày đó, chị ấp ủ dự định mở nhà hàng chuyên các món ăn của Hà Nội.

Hiện, ý tưởng của chị đã thành hiện thực, lao động trong các cơ sở nhà hàng thuần Việt của chị đa số là con em kiều bào. Họ đều sử dụng thông thạo 2 thứ tiếng Việt và Campuchia. Thông qua các hoạt động kinh doanh ẩm thực của nhà hàng, tiếng Việt và văn hóa Việt được bà con Campuchia biết và yêu thích nhiều hơn. 

Quỳnh Nga