- Thảo luận về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, các ĐBQH chuyên trách “phê” cách tiếp nhận và xử lý các ý kiến trái chiều thời gian qua. Việc phản ứng thái quá với một thiểu số ý kiến đòi bỏ điều 4 Hiến pháp đã gây cho người dân tâm lý hoài nghi cho rằng Nhà nước chưa tin dân.
Làm rõ sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Trưởng đoàn ĐBQH Thái Bình Phạm Xuân Thường phàn nàn, đi tiếp xúc cử tri và triển khai lấy ý kiến dân về Hiến pháp sửa đổi, ông nhận thấy rất ít nơi đề xuất bỏ điều 4 Hiến pháp. Thế nhưng có một nghịch lý là các cơ quan thông tấn tuyên truyền chính thống suốt thời gian qua đã hơi “đi quá” khi liên tục phát thanh, truyền hình về sự cần thiết phải giữ điều 4, vô hình trung đã tạo ra một sự nhìn nhận không bình thường.
Theo ông Thường, không nên vì xuất hiện một vài ý kiến, quan điểm trái chiều mà sau đó làm cả một đợt tuyên truyền để khẳng định quan điểm phải giữ điều 4.
“Dân sẽ cho là chúng ta không tin dân, dân sẽ hoài nghi về điều này”, ông Thường phân tích.
Trưởng đoàn ĐBQH Thái Bình
Phạm Xuân Thường: Không nên vì
xuất hiện một vài ý kiến trái chiều mà sau đó làm cả một đợt tuyên
truyền để khẳng định quan điểm phải giữ điều 4 |
Cũng theo ĐB Thường, cách tốt nhất là nên giữ nguyên nội dung điều 4 như Hiến pháp hiện hành bởi nếu không thêm bớt gì thì vai trò, vị trí của điều 4 vẫn tồn tại một cách đương nhiên như lâu nay. Trong khi đó, việc bổ sung một số nội dung được cho là mới mẻ thực chất lại gây ra những tranh cãi không đáng có và tự nhiên làm cho mọi chuyện thành “có vấn đề”.
Ông Thường dẫn ví dụ, dự thảo mới bổ sung nội dung “chịu sự giám sát của nhân dân” song lại không nêu rõ cách thức giám sát, nên trong hầu hết các cuộc thảo luận, người dân đều xoáy vào chất vấn về vấn đề này.
Bổ sung mới về việc “đảng viên phải thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật”, theo ông Thường cũng tạo ra sự phân biệt giữa người đảng viên với các công cân khác.
“Vậy nên tôi đề nghị giữ nguyên như hiện hành, chứ ta càng thêm bao nhiêu càng thiếu bấy nhiêu”, ông Thường nói.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết, cần rút kinh nghiệm về việc tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân. Bởi gần đây, nhiều phương tiện thông tin truyền thông dành khá nhiều thời lượng để xoáy vào sự cần thiết của điều 4 Hiến pháp.
“Dân người ta hoang mang cho rằng chả lẽ lực lượng chống đối nhiều thế. Như quan sát của tôi thì các ý kiến của dân đòi bỏ điều 4 thì ít mà đa số là sự khẳng định”, ông Thuyền nói.
Các ĐBQH chuyên trách cũng cho rằng, quan trọng không phải bỏ hay giữ điều 4 mà là thảo luận để làm sáng rõ sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới.
Như Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị Phạm Đức Châu phân tích, suốt quá trình lấy ý kiến dân, mọi quan điểm khác nhau là bình thường. “Như những người dân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc thì hầu như họ không quan tâm đến các luồng ý kiến khác nhau đang tranh cãi. Họ chỉ quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bản thân họ mà thôi”, ông Châu cho biết.
Còn Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Nam nhận định, cách tiếp nhận ý kiến như vậy vô tình đã biến điều bình thường trở thành “bất bình thường”.
Chủ tịch nước đứng đầu Hội đồng bảo vệ Hiến pháp?
Liên quan đến thiết chế về Hội đồng Hiến pháp, mặc dù ban biên tập dự thảo sửa đổi vẫn tiếp tục bảo lưu sự hợp lý của mô hình này song đa số ĐBQH đều tỏ ra e ngại về hiệu lực thực tiễn.
Chẳng hạn theo ông Phạm Xuân Thường, không cần thiết lập ra mô hình này bởi với chức năng kiến nghị thuần túy thì cơ quan này không phát huy được vai trò gì. Ông Thường đề xuất nên giao cho ngành kiểm sát thực hiện luôn chức năng kiểm soát chung thay vì lập ra một hội đồng, rồi sẽ nảy sinh thêm cơ quan giúp việc cho một hội đồng chỉ có chức năng tham mưu.
Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị Phạm Đức Châu: Quan điểm khác nhau là bình thường |
Chia sẻ với ĐB Thường, ông Phạm Đức Châu bổ sung thêm, nếu chỉ có chức năng như vậy thì không cần bổ sung thiết chế Hội đồng bảo hiến làm gì. Bởi các nước lập tòa bảo hiến hay hội đồng bầu cử để giải quyết, xử lý tranh chấp giữa các đảng phái.
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Huỳnh Thành Lập cũng e ngại cơ quan này sẽ xung đột với các thiết chế hiện hành. Mà chỉ với chức năng yêu cầu, đề nghị thì sẽ không khác gì các ủy ban của QH hiện nay.
Một số ĐB cho rằng, nếu cần thiết vẫn phải đưa thiết chế này vào, thì nên chăng phải đặt tên Hội đồng bảo vệ Hiến pháp cho đúng chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, phải quy định “cứng” luôn là Chủ tịch nước phải là Chủ tịch của hội đồng này.
Cũng có một số ý kiến đề xuất, chí ít, Hội đồng Hiến pháp phải được phép trình bày, tranh luận lại với các cơ quan ban hành văn bản vi hiến và có quyền yêu cầu QH xem xét, bãi bỏ.
Để dân phúc quyết, Hiến pháp sẽ đi vào lịch sử Theo ủy viên thường trực UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh, vừa qua, bà đã phát phiếu hỏi ý kiến một số cán bộ, nhân dân về những nội dung cụ thể trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Kết quả phiếu thu về cho thấy người dân đã trả lời nghiêm túc các nội dung được hỏi. “Tôi trân trọng đề nghị QH, UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp và cơ quan hữu quan hãy tin tưởng vào sự lựa chọn, phúc quyết của nhân dân. Nếu được như vậy thì bản Hiến pháp này sẽ đi vào lịch sử”, bà Khánh tha thiết. |
Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng