Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và lợi ích của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử và luôn lồng ghép vấn đề trong khuôn khổ phát triển của đất nước. Việt Nam luôn nỗ lực tạo môi trường thuận lợi để người khuyết tật không chỉ thụ hưởng các ích lợi mà còn được tạo cơ hội tham gia quá trình quyết sách và đóng góp cho sự phát triển xã hội.

Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước CRPD và Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) số 159 về việc làm và đào tạo nghề cho người khuyết tật là sự khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm người lao động không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Việt Nam đã ban hành Chương trình quốc gia về người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Nhờ đó, hàng triệu người khuyết tật trong đó có trẻ em khuyết tật được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 100% người khuyết tật đặc biệt được bảo hiểm y tế, đã có 20 trung tâm giáo dục hỗ trợ hòa nhập, 107 trung tâm giáo dục đặc biệt cho trẻ em khuyết tật, 256 cơ sở đào tạo cho người khuyết tật và 400 doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ.

W-camket.png
Ảnh minh hoạ

Tại Hội nghị các nước công nghiệp phát triển (G7) về Hòa nhập và Người khuyết tật vừa diễn ra tại Italia, hồi giữa tháng 10, trong bài phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Văn Hồi chia sẻ, những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chương trình, chính sách nhằm bảo vệ, chăm lo, trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng như: chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình trợ giúp người khuyết tật, bảo đảm thực thi đầy đủ và toàn diện quyền con người và quyền của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, đặc biệt bảo đảm thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa, an sinh xã hội; bảo đảm trẻ em khuyết tật được đến trường, người khuyết tật được học nghề, việc làm, sinh kế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, y tế, tiếp cận thông tin, giao thông.

Việt Nam đã nâng cao chất lượng chính sách đối với người khuyết tật. Trên 1,6 triệu người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, 96% người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế, các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng; trẻ em khuyết tật được hỗ trợ học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục; đối với trẻ em không có khả năng học hòa nhập được hỗ trợ học tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Hiện nay, toàn bộ lực lượng lao động là người khuyết tật (gần 4 triệu người) được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, sinh kế hoặc được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tự giải quyết việc làm. Họ cũng được quan tâm, ưu đãi khi tham gia giao thông, vào các khu vui chơi giải trí, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được miễn, giảm giá vé.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệp của các nước G7 và các đối tác song phương, đa phương trong khu vực và trên thế giới, nhằm đạt được các mục tiêu bao trùm và hòa nhập đối với người khuyết tật; tăng cường trợ giúp về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật.

"Chúng tôi tiếp tục cụ thể hóa Công ước và các cam kết quốc tế vào pháp luật quốc gia lên tầm cao mới, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt với người khuyết tật" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh. Ông bày tỏ, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ các nước G7 trong việc thúc đẩy cuộc sống tốt đẹp hơn đối với người khuyết tật Việt Nam trong thời gian tới.