Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm đưa đất nước bứt phá, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chuyển đổi số góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội ứng phó kịp thời với những thách thức mới. Với tính tất yếu của tiến trình chuyển đổi số hiện nay, đòi hỏi toàn quân cần quyết tâm, nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này theo tiến trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Quân đội hiện đại.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số”1 là một trong ba đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số là một trong những nội dung trọng tâm nhằm tạo ra những động lực mạnh mẽ để phát triển đất nước trong tình hình mới.

Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã bám sát thực tiễn, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bước đầu đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện. Bộ Quốc phòng đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin2; thành lập Bộ Tư lệnh 86 và hệ thống ngành dọc toàn quân đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển về tổ chức; xây dựng, ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành3, từng bước hình thành thói quen xử lý thông tin trên môi trường mạng cho cán bộ, nhân viên; nghiên cứu, xây dựng thành công các hệ thống tự động hóa chỉ huy đưa vào ứng dụng phát huy hiệu quả trong thực tế giúp từng bước chuyển đổi số trong công tác sẵn sàng chiến đấu. Công tác đảm bảo an toàn thông tin được chú trọng, đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các phần mềm độc hại, các loại mã độc trên các hệ thống mạng máy tính của Bộ Quốc phòng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin được đổi mới và cập nhật thường xuyên; hệ thống mạng truyền số liệu quân sự từng bước được nâng cấp, mở rộng,... góp phần tích cực vào tiến trình hiện đại hóa Quân đội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhận thức về lợi ích, hiệu quả chuyển đổi số của cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ; tổ chức lực lượng chuyên trách về chuyển đổi số còn mỏng; hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đồng bộ, một số thiết bị đã lạc hậu; các phần mềm ứng dụng phần lớn chưa có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu; các cơ sở dữ liệu nền tảng chưa đồng bộ, liên thông, chưa được thường xuyên cập nhật; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ này tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa tốt, hành động chưa quyết liệt; một bộ phận cán bộ, nhân viên chưa sẵn sàng thay đổi thói quen làm việc từ phương pháp truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin; còn tâm lý lo ngại mất an toàn thông tin khi sử dụng mạng máy tính; tổ chức, biên chế ngành và việc đầu tư cho nhiệm vụ này còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển, v.v.

Hiện nay và thời gian tới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng; nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, ngày càng thông minh, hiện đại ra đời, làm thay đổi phương thức tác chiến và xuất hiện các hình thái tác chiến mới. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi số, ra quyết định trên dữ liệu số đã, đang là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia và quân đội các nước, nhằm bảo đảm cho lực lượng vũ trang tác chiến theo hướng nhanh hơn, cơ động hơn, chính xác hơn.

Đối với Quân đội ta, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thiết thực đòi hỏi Bộ Quốc phòng cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số theo lộ trình của Chính phủ, đảm bảo tính liền mạch, đồng bộ khi trao đổi thông tin với các bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh tiến trình chuyển đổi số quốc gia đang được thực hiện quyết liệt. Đồng thời, tạo nền tảng, động lực quan trọng để xây dựng Quân đội hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hội nghị Ban soạn thảo Đề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Bộ Quốc phòng

Kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được, phát huy các thế mạnh của Bộ Quốc phòng về tổ chức và năng lực nghiên cứu, sản xuất, để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, toàn quân, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo bước đột phá quan trọng trong công tác chuyển đổi số; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho công tác phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong Quân đội phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả thiết thực. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, chủ trương của Quân ủy Trung ương, các Kế hoạch của Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ quan trọng này, đặc biệt là Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 20304. Trên cơ sở đó, từng cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của cấp mình theo từng năm, giai đoạn, bảo đảm tính toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm và tính khả thi cao. Trước hết, cần có nhiều biện pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các phần mềm dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường số; củng cố phát triển hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành; tập huấn, đào tạo về kỹ năng công nghệ thông tin, v.v. Quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy với phát huy vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Gắn kết quả chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử của cơ quan, đơn vị với đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ các cấp. Lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị cần tiên phong, gương mẫu, làm gương về chuyển đổi số trong điều hành công việc; tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có các sáng kiến, thành tích, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử tại cơ quan, đơn vị.

Hai là, thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số được Chính phủ giao. Chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề mới, cấp thiết, mang tính cách mạng và rất phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng, cách làm, bước đi phù hợp; đặc biệt, phải thực hiện tốt các nhiệm vụ theo tiến trình chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử trong Quân đội được thực hiện vững chắc và thành công. Để làm được điều đó, trước mắt, cần tập trung duy trì hiệu quả Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa Bộ Quốc phòng, thực hiện tái cấu trúc, phân cấp giải quyết theo hướng đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với Bộ Quốc phòng. Tiếp tục phát huy hiệu quả Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử về các thủ tục xuất nhập cảnh tại Hệ thống cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Bổ sung các nền tảng số, duy trì hệ thống các trang, cổng thông tin của các cơ quan, đơn vị trên mạng Internet phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm là phối hợp với các cơ quan chủ quản thực hiện kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác quân sự, quốc phòng; nghiên cứu thực hiện các thủ tục hành chính (nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh quân sự,...) trên cơ sở ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ba là, xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, cơ động trong Bộ Quốc phòng trên cơ sở ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là vấn đề cơ bản và quan trọng nhất trong thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Vì thế, các cơ quan, đơn vị cần tập trung xây dựng hạ tầng số đồng bộ, vững chắc, theo hướng hiện đại, trọng tâm là tổ chức phát triển hệ thống mạng máy tính quân sự đến các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, khắc phục triệt để tình trạng cơ quan, đơn vị chưa kết nối mạng máy tính quân sự. Phát triển các trung tâm dữ liệu tập trung, nghiên cứu các công nghệ mới để xây dựng hạ tầng mềm, các nền tảng số dùng chung theo hướng cung cấp dịch vụ tập trung đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị và xu thế phát triển. Tổ chức các chương trình nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ tiên tiến trong hoạt động quân sự, ưu tiên các công nghệ: mô phỏng, di động, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, mã nguồn mở, chuỗi khối, tính toán lượng tử. Nghiên cứu xây dựng nền tảng lưu trữ dữ liệu lớn và các công cụ phân tích, xử lý dữ liệu ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tự động hóa chỉ huy, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Xây dựng các môi trường thử nghiệm cho các ứng dụng mới, công nghệ mới, các phương án huấn luyện, tác chiến có ứng dụng công nghệ thông tin, làm cơ sở để đánh giá, hoàn thiện trước khi đề xuất triển khai tại các cơ quan, đơn vị.

Bốn là, phát triển dữ liệu số liền mạch, tập trung, có giá trị phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, các cơ quan, đơn vị tiếp tục củng cố, cập nhật, bổ sung các cơ sở dữ liệu hiện có; đồng thời, tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu mới, đảm bảo quản lý đầy đủ, toàn diện, kịp thời thông tin về tiềm lực trong Bộ Quốc phòng qua hệ thống mã định danh thống nhất và thông tin phục vụ các nghiệp vụ đặc thù trong công tác quân sự. Trong củng cố, xây dựng các cơ sở dữ liệu mới phải đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa, đồng bộ, có tính mở, đủ điều kiện tích hợp, chia sẻ an toàn giữa các hệ thống thông tin. Ưu tiên tập trung củng cố, xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng, như: Cơ sở dữ liệu về quân nhân, về vũ khí, trang bị kỹ thuật để làm cơ sở tạo lập các cơ sở dữ liệu khác (cán bộ, tài chính - ngân sách, bảo hiểm, quân y, quân trang, đầu tư - mua sắm, bảo đảm kỹ thuật,...) từng bước hình thành hạ tầng dữ liệu số trong Bộ Quốc phòng. Quá trình tổ chức thực hiện, cần gắn kết chặt chẽ giữa xây và sử dụng dữ liệu số vào phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan, đơn vị, nhằm phát huy sức mạnh của dữ liệu số.

Năm là, làm tốt công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số. Đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành chuyển đổi số thành công và bền vững, được thực hiện xuyên suốt, không tách rời tiến trình chuyển đổi số. Theo đó, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thông tin, an ninh mạng cho mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin, v.v. Đồng thời, tổ chức triển khai đồng bộ các hệ thống giám sát, phần mềm phòng chống mã độc, phần mềm diệt virus,... nhằm bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin trong Bộ Quốc phòng, tạo lập niềm tin cho người sử dụng trên môi trường số. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ truyền tải trao đổi thông tin giữa các hệ thống mạng một cách liền mạch, an toàn, bảo mật. Triển khai, tích hợp các công cụ bảo mật thông tin, ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số phục vụ giao dịch trên môi trường mạng và lưu trữ tài liệu điện tử theo hướng thuận tiện cho người sử dụng.

Cùng với các nội dung giải pháp trên, toàn quân cần coi trọng phát triển lực lượng và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, gồm: nghiên cứu, đề xuất phát triển lực lượng ngành công nghệ thông tin, tác chiến không gian mạng toàn quân đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Xây dựng các chính sách có tính đột phá để thu hút, phát huy vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số trong Quân đội. Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo dài hạn cho lực lượng chuyên trách; cập nhật nội dung đào tạo về chuyển đổi số tại các học viện, nhà trường Quân đội để học viên khi ra trường có đủ năng lực sử dụng công nghệ số. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng công nghệ thông tin, lực lượng các ngành thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn với nội dung phù hợp cho từng loại hình đối tượng để phổ cập về chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị.

Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng là tất yếu khách quan; là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và từng quân nhân. Nhiệm vụ này cần phải được tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, có tính hệ thống hơn nữa từ Bộ Quốc phòng đến các cấp trong toàn quân. Mỗi cơ quan, đơn vị, quân nhân phải xác định là một mắt xích quan trọng để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, góp phần chuyển đổi số thành công trong Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng, TS. LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
_______________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII, Tập 1, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 222.

2 - Thông tư số 161/2017/TT-BQP, ngày 07/7/2017 quy định về quản lý, khai thác sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin quân sự trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư số 56/2020/TT-BQP, ngày 05/5/2020 quy định quản lý và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong Bộ Quốc phòng; Thông tư số 11/2022/TT-BQP, ngày 24/01/2022 quy định về xây dựng và quản lý, khai thác sử dụng phần mềm, cơ sở dữ liệu số trong Bộ Quốc phòng.

3 - Phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc có ứng dụng chữ ký số, phần mềm Hệ thông tin Chỉ đạo điều hành, phần mềm Thư điện tử quân sự được triển khai, sử dụng đến 100% đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng.

4 - Kế hoạch số 4396/KH-BQP, ngày 04/11/2021 của Bộ Quốc phòng về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 63/KH-BQP, ngày 09/01/2023 của Bộ Quốc phòng về phát triển Chính phủ hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng năm 2023.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân