Hội nghị toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 6/12.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe 4 chuyên đề: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chuyên đề thứ 3 "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trình bày vào sáng 6/12.
5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện
Chia sẻ trên trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương về quan điểm, mục tiêu của Đảng ta về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước được thể hiện trong Nghị quyết mới ban hành, ông Trần Tuấn Anh cho hay: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đề ra hệ thống 5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện, với một số nội dung cốt lõi sau:
Quan điểm thứ nhất, làm rõ nội hàm/nhận thức về công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Quan điểm này được hình thành từ kế thừa và phát triển những tri thức nhân loại về quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các quốc gia đi sau đang trong quá trình phát triển lên trình độ chung của thời đại. Điểm mới của Nghị quyết là nhận thức rõ quá trình CNH, HĐH là quá trình bao trùm tất cả các ngành, các lĩnh vực hoạt động của một quốc gia và phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của quá trình CNH, HĐH đất nước.
Đồng thời, thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự phát triển kinh tế - xã hội, coi “là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”. Một trong những điểm mới trong quan điểm lần này, đó là gắn quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với xây dựng nền kinh tế, quốc gia độc lập tự chủ, dựa trên nội lực của đất nước. Quan điểm này thể hiện rõ tư duy, nhận thức của Đảng đã thay đổi từ chỗ xuất phát coi công nghiệp hóa là mục tiêu phát triển, thì nay đã chuyển sang coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước là tất yếu khách quan trong tình hình mới.
Quan điểm thứ hai, nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng luôn lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cho đẩy mạnh CNH, HĐH: “đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể”. Luôn đặt CNH, HĐH trong tổng thế chiến lược phát triển đất nước để có cách tiếp cận toàn diện, gắn CNH, HĐH với phát triển bền vững và chú trọng giải quyết hài hoà các mối quan hệ lớn trong quá trình CNH, HĐH đất nước, đó là “bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động”.
Quan điểm thứ ba, xác định rõ nội dung và yêu cầu then chốt trong thực hiện CNH, HĐH đất nước: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của nền kinh tế đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang chế tạo, chế biến, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi trọng phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.
Quan điểm thứ tư, nhấn mạnh lộ trình, bước đi trong thực hiện CNH, HĐH đất nước và xác định các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển đặt trong mối quan hệ tổng thể với yêu cầu tập trung về nguồn lực thực hiện. Theo đó, xác định: “Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát trển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng”.
Bổ sung, hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về chủ thể và nguồn lực thực hiện CNH, HĐH đất nước, coi CNH, HĐH là sự nghiệp toàn dân với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế cũng như các chủ thể khác nhau trong xã hội: “lấy nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là chủ đạo; doanh nghiệp FDI là động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Quan điểm thứ năm, nhấn mạnh yêu cầu trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, "phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa cả truyền thống và hiện đại, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam và giai cấp công nhân hiện đại; vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ tri thức và doanh nhân Việt Nam".
Về mục tiêu và tầm nhìn, bám sát các quan điểm chỉ đạo như đã được trình bày ở trên, đồng thời căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được đưa ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp thu các cách đánh giá, phân loại các nước theo thông lệ quốc tế, được các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và hầu hết các nước trên thế giới sử dụng; trên cơ sở tiếp cận các tiêu chí của nước đang phát triển, nước phát triển; nước có thu nhập trung bình cao, nước có thu nhập cao và tiêu chí của nước công nghiệp, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: “Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng cao; xây dựng được nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ và có khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến; các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao rõ rệt, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao”.
Nghị quyết cũng đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2045: “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á”.
4 nhóm chỉ tiêu chính
Để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Nghị quyết đã đề ra 4 nhóm chỉ tiêu chính đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, đạt các tiêu chí của nước công nghiệp. Cụ thể là:
(i) Nhóm chỉ tiêu tổng hợp gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân; GDP bình quân đầu người; GNI bình quân đầu người; Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu;
(ii) Nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế, ngành, lĩnh vực: Năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP); Tỉ trọng công nghiệp chiếm trong GDP; Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trong GDP; Tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; Giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người; Tỉ trọng của khu vực dịch vụ chiếm trong GDP; Tỉ trọng kinh tế số chiếm trong GDP; Tỉ lệ đô thị hoá; Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp; Xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại…
(iii) Nhóm chỉ tiêu về phát triển xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI); Tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội; Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; Tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; Tỉ lệ sinh viên trên một vạn dân.
(iv) Nhóm chỉ tiêu về bảo vệ môi trường: Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI); Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN.
Các nhóm chỉ tiêu cụ thể này là sự cụ thể hoá các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã được Ban Kinh tế Trung ương thảo luận, thống nhất với các cơ quan liên quan, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.
Như Sỹ, Kiều Oanh, Công Sáng