Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, ông Michael Croft cho biết, văn phòng đang gặp các hạn chế về nguồn lực nhân sự và ngân sách bố trí cho các mảng thông tin truyền thông cũng như khoa học tự nhiên và xã hội. Việc này gây khó khăn cho công tác chủ động tham gia các diễn đàn và triển khai dự án của UNESCO trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của UBQG UNESCO Việt Nam, các tiểu ban và cơ quan bộ, ban, ngành có liên quan của Việt Nam,văn phòng tại Hà Nội có thể vượt qua những khó khăn của mình.

{keywords}
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo đó, quan hệ hợp tác Việt Nam - UNESCO vẫn được tăng cường. Là năm cuối cùng Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành (HĐCH) trong nhiệm kỳ 2015-2019, Việt Nam đã tiếp tục tham gia đóng góp vào các vấn đề quan trọng của tổ chức. Qua đó, khẳng định vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm; đồng thời tiếp thu và nỗ lực thúc đẩy các chương trình, sáng kiến của UNESCO về khoa học tự nhiên, giáo dục và thông tin trong nước thông qua các hợp tác cụ thể.

Tại buổi họp, GS,TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam đánh giá về tính hiệu quả của tổ chức với các hoạt động trong năm 2019 như: Chủ động tham gia vào các vấn đề UNESCO và các nước thành viên quan tâm, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời bảo vệ lợi ích nước nhà; Đưa quan hệ Việt Nam - UNESCO vào chiều sâu, tận dụng sự hỗ trợ và nguồn tri thức của UNESCO trên các lĩnh vực ta có lợi ích và đang thúc đẩy. Trong đó, có các lĩnh vực chuyên môn như giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, thông tin truyền thông và khoa học xã hội.

{keywords}
Năm 2020, Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn của UNESCO.

Năm 2019, công tác xây dựng vào bảo vệ hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu đã đạt kết quả khích lệ, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam, quảng bá đất nước Việt Nam và làm giàu kho tàng di sản chung của nhân loại. Các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng quản lý hiệu quả các danh hiệu được UNESCO công nhận. Nhằm phát huy các giá trị di sản để phát triển bền vững và bảo tồn bản sắc dân tộc.

Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm và đánh giá những hoạt động năm vừa rồi, Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam xác định một số phương hướng hoạt động trong năm 2020: Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh tham gia, đóng góp tích cực vào việc cải cách và triển khai hoạt động thực tiễn của UNESCO, qua đó thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia; Đẩy mạnh vận động, ứng cử vào các cơ chế khác nhau của UNESCO như ứng cử vào HĐCH UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027…; Theo dõi và sẵn sàng tham gia đấu tranh bằng biện pháp phù hợp về dân chủ nhân quyền, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo; ngoài ra, tham mưu đối sách của UNESCO trong vấn đề chính trị với các nước, tiếp tục cũng cố và phát huy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và UNESCO,…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh việc cần phát huy hơn nữa vai trò của UBQG UNESCO trong việc nắm bắt các chiến lược, ưu tiên của tổ chức UNESCO, tranh thủ kết hợp phục vụ các ưu tiên, quan tâm của đất nước như: thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển, hoạt động của trung tâm dạng 2 của UNESCO về toán và vật lý; đảm bảo thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn di sản, danh hiệu; nghiên cứu các vấn đề về biến đổi xã hội để tham mưu các chính sách phát triển cho chính phủ; tuyên truyền quảng bá hơn nữa các thông điệp nhân văn của UNESCO như xã hội học tập, học tập suốt đời...

Tình Lê