Ngày 10/4, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết số 1035 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15. Nghị quyết này do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành.
Không được ép buộc mua bảo hiểm dưới mọi hình thức
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Với lĩnh vực tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm; đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ của bảo hiểm, đặc biệt là đối tượng khách hàng có thu nhập thấp.
Đi cùng đó là công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm.
Đặc biệt, Thường vụ Quốc hội lưu ý, không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm với những sản phẩm của ngân hàng. Đồng thời tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập; hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng.
Chậm nhất là năm 2025, Chính phủ hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06 ngày 24/1/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; từng bước tái cơ cấu thị trường xổ số theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, nguồn thu từ xổ số và trò chơi có thưởng phải dùng để “đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các chương trình, dự án trọng điểm liên vùng, dự án quan trọng quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chủ động phân tích, dự báo giá cả thị trường để xây dựng và cập nhật các kịch bản điều hành để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra.
Các mặt thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải... phải có phương án bảo đảm cân đối cung - cầu; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Việc tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành, nhất là lĩnh vực hải quan và giá cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý. Đi cùng đó là thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện thủ tục hành chính và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.
Không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong triển khai bảo hộ công dân
Với lĩnh vực ngoại giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; kịp thời cảnh báo các rủi ro, các rào cản kỹ thuật, nguy cơ tranh chấp thương mại để kiến nghị điều chỉnh chính sách phù hợp; hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Trong đó, gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ chủ động đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với một số nước trên cơ sở có đi có lại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc phải triển khai toàn diện, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong triển khai việc bảo hộ công dân.
Đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng, thu hút nhân tài.