Luôn có mặt trong danh sách những nghề không cần bằng cấp mà lương cao chót vót nhưng tiếp viên hàng không có thật là “nghề trong mơ”? Hay như người ta vẫn nói “phải ở trong chăn mới biết chăn có rận”?
Sướng cũng nhiều
Luôn nằm trong top những nghề có lương cao nhất, nghề tiếp viên hàng không có mức thu nhập đáng mơ ước xấp xỉ 20 triệu/tháng – ngang bằng với nghề CEO ở nhiều công ty tầm trung tại Việt Nam. Đặc biệt hấp dẫn hơn khi nghề này lại không đòi hỏi cao về bằng cấp mà chỉ yêu cầu ngoại ngữ và ngoại hình đẹp.
Một điều nữa cũng khiến nghề tiếp viên hàng không hấp dẫn đó là làm nghề này, bạn có thể được du lịch miễn phí, xuất ngoại như “đi chợ”, kèm theo đó là vô vàn cơ hội kiếm thêm từ việc buôn hàng xách tay …
Rồi thì những hình ảnh tiếp viên xinh đẹp, trang điểm kĩ càng, áo dài đồng phục thướt tha, nở nụ cười trang nhã, làm công việc được xem là nhẹ nhàng “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu” lam lũ vất vả cũng khiến nhiều người ao ước.
Tiếp viên hàng không: Lương cao nhưng phải “coi rẻ” tính mạng? |
Mà khổ cũng lắm
Tuy nhiên dù có đang mơ ước tới đâu, nghề tiếp viên hàng không cũng không tránh được những nỗi niềm khó nói được với ai, bởi… lương cao thế còn kêu gì?! Nhưng nỗi khổ không phải không có.
Đầu tiên là yêu cầu hà khắc về ngoại hình và ngoại ngữ khiến tuổi thọ nghề tiếp viên không cao. Mỗi tiếp viên chỉ được “bay” tới một độ tuổi nhất định, khi nhan sắc nhuốm màu thời gian thì sẽ phải “hạ cánh” xuống làm việc tại “mặt đất” như khu vực sân bay. Rồi tiếp viên hàng không đặc biệt là nữ thì phải dành rất nhiều thời gian luyện tập ăn kiêng để giữ gìn vóc dáng, nhan sắc và học ngoại ngữ bởi kỳ thi sát hạch diễn ra liên tiếp
Tiếp theo là cuộc sống riêng tư của các tiếp viên hàng không cũng bị ảnh hưởng và rất cần gia đình thông cảm. Bởi guồng quay một ngày hoàn toàn phụ thuộc vào lịch bay. Có tiếp viên than thở khi thì lịch bay 2-3 giờ sáng, lúc lại bay vào buổi trưa, có khi lại bay vào 9-10h đêm. Thậm chí có tiếp viên hàng không còn tâm sự với PV rằng hỏi 2 – 3 ngày nữa có rảnh không cũng khó nắm chắc bởi có thể thay đổi lịch bay bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, khổ nhất đối với nghề này vẫn là sự nguy hiểm tính mạng. Hàng loạt tai nạn hàng không xảy ra liên tiếp chính là hồi chuông cảnh báo cho an toàn bay của phương tiện được xem là “một mình một đường”. Và đối với tiếp viên hàng không, một ngày có thể phải bay tới 4 chuyến thì nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hơn nữa đối với tai nạn hàng không, một khi đã xảy ra thì thiệt hại về người thường rất lớn.
Đặc biệt nguy hiểm hơn nữa là khi có dịch bệnh xảy ra như dịch Sars, H5N1 hay mới nhất là Ebola đang bao trùm nỗi lo lắng trên toàn thế giới. Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, các khu vực hàng không thường được liệt vào nhóm địa điểm nguy cơ phát tán bệnh cao nhất. Khi đó, hành khách có thể hủy/ dừng chuyến chờ dịch bệnh qua đi còn tiếp viên hàng không thì không. Thậm chí họ còn bị hạn chế đeo khẩu trang – phương pháp phòng bệnh sơ cấp nhất do sợ làm ảnh hưởng… hình ảnh hãng.
Một trong những bài học đầu tiên mà tiếp viên hàng không nào cũng phải thuộc làu đó là đặt tính mạng hành khách lên trên sự an toàn của bản thân. Dù được đào tạo bài bản về cách thoát hiểm khi máy bay có sự cố, nhưng nếu tình huống đó xảy ra thật thì việc của tiếp viên hàng không là “coi rẻ” tính mạng của mình để giúp hành khách an toàn trước.
Và còn rất nhiều nỗi niềm khác của nghề này như hành khách khó tính, thô lỗ, bị sàm sỡ, rồi thì phải nghe kêu ca, thậm chí bị hành hung mỗi khi trễ chuyến dù lỗi không phải do mình. Thế mới thấy nghề tiếp viên hàng không cũng có tới cả trăm cái… khổ và mức lương gần 20 triệu cũng chưa chắc là cao!
(Theo ĐSPL)