Cách đây 2 năm, dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được triển khai thần tốc. Đây là hai dự án tầm cỡ quốc gia, chưa từng có tiền lệ với nhiều hạng mục công việc lớn, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, nguồn lực của các đơn vị, địa phương.
Dự án được thực hiện trên phạm vi rộng từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
Tại buổi hội thảo về ứng dụng dữ liệu dân cư chiều 7/8, Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06-Bộ Công an) thông tin: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quản lý hơn 104 triệu dữ liệu công dân trên toàn quốc đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống và được đồng bộ, liên thông với 15 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63 địa phương.
Từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chiến dịch sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chíp đã tạo nên những bước chuyển quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Những tiện ích của hai dự án trên đã tạo tiền đề cho hàng loạt các tiện ích phục vụ cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu về dân cư còn giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng ngân sách.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục C06 - Bộ Công an, ứng dụng dữ liệu dân cư đã lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương. Nổi bật trong số đó là lĩnh vực giáo dục, y tế và tài chính.
Ở lĩnh vực giáo dục, với dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, Bộ GD&ĐT cho thí sinh dự thi qua phần mềm quản lý riêng. Quá trình triển khai đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thành công. Cục C06 - Bộ Công an phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi thử, đánh giá sử dụng tích hợp xác thức CCCD gắn chíp. Khi triển khai rộng rãi, ứng dụng này cho phép quẹt thẻ CCCD gắn chíp sẽ giúp nhận diện thí sinh, tránh thi hộ và các hành vi gian lận.
Đối với dịch vụ công liên thông lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, qua khảo sát trực tiếp tình hình thực hiện thí điểm tại Hà Nội và tỉnh Hà Nam cho thấy, việc thực hiện thí điểm đã mang lại những kết quả khả quan. Việc sử dụng bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử phục vụ liên thông thủ tục hành chính đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ (không phải in, scan ký, đính kèm tệp để chuyển hồ sơ).
Về lĩnh vực đất đai, thủ tục đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Bộ TN&MT hoàn thành kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công toàn trình mức độ 4 đối với thủ tục nêu trên trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Các lĩnh vực khác như tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải (đặc biệt là hàng không) cũng ứng dụng thí điểm các tiện ích từ cơ sở dữ liệu dân cư và mang lại những hiệu quả thiết thực.
Theo đánh giá của Bộ Công an, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư bên cạnh đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính còn tiết kiệm hàng nghìn tỉ cho nhà nước.
Đơn cử là hệ thống Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác thực hơn 84 triệu thông tin nhân khẩu đã và đang tham gia bảo hiểm ý tế, bảo hiểm xã hội và hơn 73 triệu người tham gia BHXH, BHYT có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ 87%). Việc cập nhật nêu trên đã giúp tiết kiệm hơn 24 tỷ đồng tiền giấy in thẻ bảo hiểm.
Với tổng thể các bộ, ngành, lĩnh vực khi đồng bộ, kết nối và tạo lập giá trị, sẽ tiết kiệm thêm hàng nghìn tỷ đồng từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà, giấy tờ, công sức của người dân.
Theo Bộ Công an, việc vận hành hiệu quả hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân cùng với các giải pháp công nghệ đã và đang được triển khai mang lại kết quả quan trọng, không chỉ làm giàu thêm hệ sinh thái Chính phủ điện tử mà còn góp phần kiến tạo Chính phủ liêm chính, hành động, phát triển, phục vụ nhân dân, đảm bảo an ninh con người, đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số trong tương lai.