Chợ đầu mối Bình Tây (quận 6, TP.HCM) đón nhiều khách nước ngoài... Tiểu thương ở đây đã thích ứng rất nhanh, giúp nhau học và “chém” tiếng Anh như gió.
4 giờ chiều 4-4, Hammad Rayes (24 tuổi) và Faheem (30 tuổi) đến từ Ấn Độ, bước vào cổng chợ Bình Tây. Anh Dũng xe ôm ngay cổng chợ giơ tay chào: “Hello, where you want to go?” (Xin chào, mấy anh muốn đi đâu?). Hai chàng trai Ấn Độ chỉ tay vào trong chợ cười cười, ý nói họ đến chợ để mua sắm.
Faheem muốn mua quần áo, túi xách và thức ăn. Nếu hàng hóa có giá tốt, anh sẽ mua nhiều. Anh dừng lại ở kiốt số 329 để chọn mua một chiếc túi. Faheem ngắm nghía chiếc túi nhỏ có giá 120.000 đồng, sau đó trả lại để xem chiếc túi lớn hơn giá 180.000 đồng. Anh trả giá. Chị Hồng Phát, chủ tiệm, giải thích chị không thể bớt được: “No, it’s bigger” (nó lớn hơn cái kia). Sau đó chị “giải thích” thêm bằng tay là cái túi có thể vừa xách vừa đeo. Bạn của Faheem thì lấy điện thoại ra để quy đổi số tiền trên ra USD. Hai chàng trai nói với tôi: “Ở Trung Quốc rẻ hơn”. Chủ tiệm lại cố gắng giải thích thêm một hồi vừa bằng tay vừa bằng những câu tiếng Anh... phi ngữ pháp. Faheem phải bật cười và quyết định mua chiếc túi!
“One more đi nha”
Bán xong, chị Phát quệt mồ hôi, cho biết: “Có nhiều khách nước ngoài tới chỉ để đọ giá. Khách tới đây chịu mua là vui rồi”. Về vốn liếng tiếng Anh, chị cho biết trước đây học trong trường chỉ nói được bập bõm. Sau này ra chợ buôn bán, gặp nhiều người nước ngoài, chị chỉ bấm số tiền vào máy tính rồi đưa cho họ. Sau đó thấy bất tiện nên chị cố tự học thêm vài từ. Khi chị chưa đủ từ tiếng Anh để nói thì sạp bên cạnh qua… nói giùm. Rồi chị lại qua nói giùm cho sạp khác chưa biết tiếng Anh.
Sau một hồi mặc cả bằng tiếng Anh và “múa tay”, chị Liễu đã bán được cho Hammad năm chiếc khăn. |
Hammad đứng ngắm khá lâu ở tiệm vải của chị Liễu, kiốt số 1058. Sạp của chị bán nhiều khăn rất đẹp. Hammad trả giá một chiếc khăn rực rỡ từ 120.000 đồng xuống còn 80.000 đồng. Chị Liễu thuyết phục khách rằng chị không thể bán giá đó, Hammad thuyết phục lại anh sẽ mua nhiều. Cuối cùng chị Liễu đồng ý bán nếu anh mua từ năm chiếc trở lên. Anh bảo xuống chỉ mua bốn chiếc. Chị liến thoắng nói tiếng Anh pha tiếng Việt rất ngộ nghĩnh: “No, you buy four à. Five đi, là twenty đó. One more đi nha” (Không được, bạn mua có bốn à. Năm cái đi, là 20 đô đó. Thêm cái nữa nha). Cuối cùng Hammad cũng đồng ý mua năm chiếc khăn cho cô chủ sạp quá lanh lợi. Sau cuộc trả giá đầy kịch tính, cả khách mua lẫn người bán đều cười tươi với nhau.
Chị Liễu cho biết thời gian qua có nhiều khách nước ngoài từ Ấn Độ, Malaysia đến tìm nguồn hàng. Chị đã tự học tiếng Anh để nói chuyện với khách. Ban đầu là tiếng Anh, sau chị học thêm tiếng Malaysia, tiếng Pháp. Chị khoe: “Khách nào chị cũng nói được hết. Hôm rồi ban quản lý (BQL) chợ có kêu học tiếng Campuchia nhưng chị không học vì khách Campuchia còn rất ít. Nhưng nếu khách qua đây nhiều, chị sẽ học tiếng Campuchia luôn. Thời buổi kinh tế hội nhập, khách nào mình cũng phải chiều mới bán được”.
Giúp nhau và tự học
Chị Liễu cũng cho biết vừa qua BQL chợ mở lớp tiếng Anh cho nhân viên, bảo vệ và các tiểu thương đến học. Chị cũng được mời đi học nhưng vì buôn bán quá bận rộn nên ít tham gia được, chị chỉ tự học trên mạng là chủ yếu, rồi sau đó các tiểu thương dạy qua lại lẫn nhau. Nay thì hầu hết những tiểu thương cùng dãy với chị đã nói được tiếng Anh đủ để giao tiếp bán hàng.
Theo chị Tuyết, bán dép ở kiốt 206, từ khi chợ Bình Tây bị dời qua khu chợ tạm để sửa chữa, khách nước ngoài đi theo tour tham quan vào mua đã giảm rất nhiều vì chợ tạm hiện quá nóng và chật hẹp. Chỉ có khách nước ngoài tới lấy hàng vẫn gắn bó với chợ. Để giữ chân khách, chị tự học và nói được tiếng Anh. Chị nói: “Mình nói tiếng bồi thôi à em ơi nhưng người ta hiểu. Mấy đứa nhỏ nó học nhanh lắm, rồi chỉ qua lại lẫn nhau”.
Có vài khách đến từ Malaysia tìm mua vải và khăn trùm đầu cho phụ nữ Hồi, các tiểu thương chỉ cho họ đến khu chợ vải. Chakela (đến từ Malaysia) cẩn thận xem vải, hỏi giá. Cô cho biết muốn đi tham quan và hỏi giá trước, chưa có ý định mua ngay. Ông Dũng bán ở sạp 1058 không phiền mà còn vui vẻ chỉ cho họ đến các sạp khác để lựa tiếp, không quên giơ tay chào: “See you again” (Hẹn gặp lại).
Mở lớp học tiếng Anh miễn phí cho tiểu thương Vừa qua BQL chợ đã mở lớp tiếng Anh miễn phí cho tiểu thương, nhân viên BQL và bảo vệ chợ để thuận tiện giao tiếp với người nước ngoài. Người dạy cũng là một tiểu thương trong chợ nhưng nay cô này đã được một trường mời đi dạy tiếng Anh nên không còn buôn bán trong chợ nữa. Cô rảnh lúc nào dạy lúc đó, thường là buổi trưa. Lớp học mở trong sáu tháng, dạy giao tiếp cơ bản ngay tại trụ sở BQL. Nhiều tiểu thương và bảo vệ chợ đã nói được với khách nước ngoài. Thời buổi này biết tiếng Anh mới buôn bán dễ dàng. Anh LÊ HỒNG MINH, BQL chợ Bình Tây |
(Theo Pháp luật TP.HCM)