Chợ “buồn” – cảnh tượng hiếm gặp
Tình trạng vắng vẻ "trăm năm khó gặp" xuất hiện ở khu chợ nổi tiếng bậc nhất TPHCM. Ảnh: Chân Phúc |
Được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1914, trải qua các thời kỳ, chợ Bến Thành vẫn luôn được xem là một trong những địa điểm thông thương, buôn bán sầm uất. Chợ Bến Thành không chỉ là nơi buôn bán thông thường mà trở thành một điểm du lịch, hàng năm thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước lui tới tham quan, mua sắm.
Các lối đi trong chợ vắng vẻ, ít người qua lại khiến tiểu thương buôn bán ở đây rơi vào tình cảnh khó khăn. Ảnh: Chân Phúc |
Thế nhưng, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, mọi thứ ở khu chợ nổi tiếng này gần như bị đảo lộn. Nếu trước đây, chợ không lúc nào ngớt người qua lại, nhộn nhịp mua bán thì nay trở nên vắng vẻ đến khó tin. Những ki ốt, từ chỗ luôn sáng đèn từ mờ sáng đến tận đêm thì nay không hẹn mà cùng nhau tắt đèn, đóng cửa. Trong chợ, những tờ thông báo sang nhượng sạp, cho thuê ki ốt xuất hiện nhan nhản trên các cánh cửa suốt thời gian dài mà không có ai “gỡ” xuống.
Anh Vương (chủ sạp 95 - 97) cho biết, trước đây anh bán thuê cho người khác ở chợ, đến năm 2017 anh quyết định ra thuê ốt, tự mình làm chủ. Năm đầu thì buôn bán khá tốt, nhưng sau 1 năm hết hợp đồng thì chủ sạp tăng giá thuê, thành ra anh ký hợp đồng mới thêm 3 năm. Thế nhưng, sau khi ký hợp đồng mới được thời gian ngắn thì dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, chợ vắng khách dần khiến việc buôn bán của anh theo đó mà khó khăn.
Thông báo đóng cửa, xuất hiện khá nhiều trong chợ. Ảnh: Chân Phúc |
Tiểu thương trả sạp, tính chuyện chạy xe ôm kiếm sống
“Trước đây, một ngày không nhớ nổi có biết bao nhiêu khách lui tới mua sắm. Các lối đi cửa chính, cửa phụ trong chợ lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Ấy thế mà đùng cái, dịch đến cuốn theo mọi thứ, giờ nhìn trước ngó sau cả ngày chả thấy khách đâu, chỉ toàn thấy bóng lưng của tiểu thương với nhau. Lần gần nhất tôi bán được đồ là chủ nhật tuần trước, đến nay đã là ngày thứ 5 rồi, nếu không có gì thay đổi, chắc vợ chồng gắng hết tháng này, sang tháng trả sạp, chịu mất tiền cọc rồi về kiếm việc khác làm, đến khi nào dịch qua, chợ ổn định thì ra thuê sạp bán lại. Chắc về chạy xe ôm quá!”, anh Vương tâm sự.
Một lối đi bên trong chợ Bến Thành. Ảnh: Chân Phúc |
Như tình cảnh của anh Vương, chúng tôi bắt gặp chị Nguyệt (chủ sạp 836) đang lướt lướt điện thoại. Nhìn thấy có bóng người tới, như một phản xạ có điều kiện, gương mặt với nụ cười tươi tắn, cùng lời mời “mua gì không em?”, nhưng sau dăm ba câu trao đổi, biết chúng tôi không phải đến mua hàng, gương mặt chị với vẻ có phần thất vọng.
Chị Nguyệt cho biết ngày nào may thì có thể bán được vài món đồ, không thì cả ngày không bán được gì. Tình trạng này diễn ra từ hồi tháng 3 đến giờ, đến nay cũng đã gần 6 tháng. “Đây là sạp nhà nên còn duy trì được, chứ xung quanh, những người thuê sạp kinh doanh thì đã trả gần hết. Biết mở ra sẽ mất thêm một số chi phí những giờ cứ ở nhà, đóng cửa thì cũng có giải quyết được vấn đề gì, mà thời gian trước thực hiện giãn cách ở nhà buồn và nhớ chợ lắm, thôi thì cứ cố mở, bán được gì thì bán, không bán được thì tiểu thương ngồi nói chuyện với nhau cho hết ngày. Nếu mà thấy không có khách đóng cửa thì có mà đóng cả chợ luôn”, chị Nguyệt nói.
(Theo Lao Động)