Ngày 16/1, khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), thông tin bệnh nhi là P.T.M (12 tuổi) được chẩn đoán suy đa tạng sau ngừng tuần hoàn do gặp tai nạn khi đang chơi bóng đá.

Anh Phạm Minh C. (bố của bệnh nhi) cho biết chiều ngày 20/12, M. chơi đá bóng với các bạn cùng trường với vị trí thủ môn. Khi thấy quả bóng từ chân một học sinh lớp 9 đá với lực rất mạnh, M. chỉ có thể che mặt và đầu.

Không may quả bóng đã đập vào giữa ngực, ngay lập tức bé trai bị ngã gục xuống đất. Sau tình huống này, các bạn tưởng M. đùa nên phải mất một khoảng thời gian không thấy em đứng dậy các bạn mới gọi cô giáo, đưa nam sinh này vào phòng bảo vệ để sơ cứu.

Vào thời điểm đó, một lái xe vận chuyển cấp cứu đang trên đường về đúng gần đến nơi xảy ra vụ tai nạn. Chứng kiến M. đã tím tái, ngừng thở, không bắt được mạch, anh đã tiến hành ép tim cho bệnh nhi theo mỗi chu kỳ 15 lần ép tim và thổi ngạt 2 lần. Người đàn ông này liên tục ép tim và thổi ngạt cho M. trên xe cấp cứu tới bệnh viện huyện cách nơi xảy ra vụ việc trong vòng 5 phút.

Bệnh nhi vào phòng cấp cứu trong tình trạng không bắt được mạch và vô mạch trên điện tim, đồng tử giãn, được đặt nội khí quản và tiếp tục ép tim, bóp bóng, sử dụng adrenaline theo phác đồ. 

Sau gần một giờ đồng hồ cấp cứu liên tục, M. hồng hào trở lại, mạch rõ hơn. Bệnh nhi tiếp tục được các bác sĩ duy trì thuốc trợ tim, hỗ trợ hô hấp và chuyển lên tuyến tỉnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, sau khi ổn định được các dấu hiệu sinh tồn, các bác sĩ đã khuyên gia đình nên đưa con lên tuyến trên. Sau đó, M. được đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bác sĩ Bùi Thị Tho - khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết M. được chẩn đoán suy đa tạng sau ngừng tuần hoàn kéo dài. 

Trẻ tiếp tục được hỗ trợ tích cực chức năng các cơ quan bằng thở máy, sử dụng các thuốc trợ tim mạch, lọc máu liên tục, áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động, giữ thân nhiệt trong trạng thái 34 độ C trong vòng 48 giờ để bảo vệ não, kiểm soát chặt chẽ áp lực nội sọ, phòng tránh các biến chứng thứ phát. 

Sau một tuần điều trị, M. đã tỉnh lại và không có các dấu hiệu di chứng về tinh thần vận động. Bác sĩ Bùi Thị Tho cho biết thêm trường hợp của nam sinh này chứng tỏ việc cấp cứu ngừng tim đúng và kịp thời tại hiện trường, tại các tuyến y tế cơ sở, góp phần không nhỏ trong việc điều trị thành công cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện.

Kỹ thuật này không khó thực hiện tại cộng đồng nhưng nhiều người dân còn chưa biết và bỏ qua thời gian vàng để mang sự sống trở lại cho bệnh nhân. 

Thực tế, nhiều trường hợp bị đuối nước gây ngừng tim nhưng thay bằng được cấp cứu ép tim - thổi ngạt ngay, người bị nạn vẫn được vác dốc đầu chạy vòng quanh theo cách cấp cứu dân gian, hay những tình huống xoa huyệt nhân trung khi nhìn thấy người bị ngất… 

Những hành động này đều kéo dài thời gian thiếu oxy não dẫn đến hậu quả tăng nguy cơ tử vong và di chứng não. Vì vậy, người dân nên trang bị kiến thức, kỹ năng cấp cứu ngừng tim để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp các tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.