Những vệt đen trong “bức tranh” xuất khẩu 

“Gần đây, chúng tôi ký kết hợp đồng mua bán gỗ với doanh nghiệp Trung Quốc, theo phương châm chữ tín và niềm tin, vậy mà họ giao hàng cho chúng tôi toàn gỗ mủn rồi không liên hệ được nữa. Có cơ chế nào để chúng tôi tránh được các tình huống như vậy trong tương lai hay không”; “Mỗi khi dự định xuất khẩu, chúng tôi đều rất lo lắng, không cẩn thận sẽ mất trắng”...

Nỗi lòng của một doanh nghiệp cho thấy, hành trình đưa hàng Việt ra thế giới còn không ít âu lo.

Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt, bà Quách Thúy An, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Headway Việt Nam chứng kiến khá nhiều trường hợp doanh nghiệp bị lừa đảo, dù đã ký hợp đồng vận chuyển, L/C (thư tín dụng), nhưng khi sản phẩm tới nước nhập khẩu, người nhận hàng đánh giá không đạt chất lượng, không đạt chuẩn tiêu thụ, yêu cầu phải giảm giá, thậm chí chỉ trả nửa giá. 

“Nếu không nắm vững quy định pháp luật, điều luật tranh chấp, doanh nghiệp Việt có thể bị người mua từ chối nhận lô hàng tại cảng đến, chịu rất nhiều thiệt thòi, có khi vừa phải chịu chi phí phát sinh vừa bị mất hàng”, bà An cảnh báo.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng chia sẻ hiện trạng: “Dù đã có hợp đồng, làm ăn với nhau một thời gian, nhưng vẫn hoàn toàn có thể xảy ra tranh cãi khi có sự cố về bao bì, chất lượng…, doanh nghiệp Việt bị bên mua ép giá với những lý do không báo trước. Chuyện này xảy ra như cơm bữa”.

VINATEX 2.jpg
(Ảnh: VINATEX)

Cùng với đó, ông Nam quan ngại về nạn lừa đảo trong thương mại quốc tế: Nhiều trường hợp mở L/C, doanh nghiệp Việt có hàng xuất khẩu chưa nhận được tiền, bên nhận hàng ở nước ngoài vẫn lấy được hàng.

Bởi trong “mớ bòng bong” hồ sơ L/C đã cài một dòng rất nhỏ: “Có thể lấy hồ sơ để đi kiểm hàng” với những hàng hóa phải kiểm để làm điều kiện nhập khẩu. Nhiều đối tượng lừa đảo dạng này tạo niềm tin rằng mình đến từ những nước G7, nhưng ngân hàng đề xuất trong giao dịch lại nằm ở quốc gia khác.

“Năm ngoái có vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý bị lừa đảo, nguy cơ mất hàng. Sau đấy, nhờ nỗ lực của các cơ quan ngoại giao nên khắc phục được thiệt hại. Chúng tôi đã tổ chức hội thảo, rút ra bài học từ những vụ như thế. Thế nhưng rủi ro vẫn xảy ra. Tôi từng đọc hợp đồng trị giá vài triệu USD mà chỉ khoảng 3 trang giấy. Liệu có trục trặc do tư duy kinh doanh của chính doanh nghiệp Việt: Không quen sử dụng các dịch vụ pháp lý. Những hợp đồng mua bán nhập khẩu hầu như do người mua ở nước ngoài cung cấp, doanh nghiệp Việt chỉ đọc qua rồi chấp nhận luôn”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gợi mở vấn đề.

Điều kiện tiên quyết để tránh phần thiệt

Các chuyên gia cho rằng hợp đồng là điều kiện tiên quyết để bảo vệ doanh nghiệp Việt xuất khẩu. Bởi mọi tranh chấp phát sinh đều được xử lý dựa trên hợp đồng thương mại. Nếu hợp đồng thương mại không vững, điều kiện bảo vệ người xuất khẩu không đủ, thì đương nhiên phần thiệt sẽ thuộc về người xuất khẩu.

Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp Việt vẫn kinh doanh dựa trên niềm tin, làm hợp đồng khá sơ sài. 

“Doanh nghiệp Việt thường xây dựng quan hệ lâu dài với khách hàng, đối tác theo kiểu lấy chữ tín làm đầu, hợp đồng chỉ để ý 2 – 3 dòng chính, không ký những điều khoản ràng buộc giúp dễ phân xử khi có vấn đề phát sinh. Trên thực tế, có những vấn đề bất khả kháng, ví dụ khách hàng phá sản. Nếu ký hợp đồng chặt chẽ, rủi ro và mức độ thiệt hại sẽ giảm đi. Theo tôi, tin tưởng là tốt nhưng hợp đồng chặt chẽ còn tốt hơn”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ.

Liên quan tới rủi ro bất khả kháng, bà An thông tin thêm: Thời gian gần đây, trên thế giới, rất nhiều doanh nghiệp phá sản, có cả những doanh nghiệp lớn tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Năm vừa rồi, có doanh nghiệp lớn xuất nhập khẩu đồ nội thất được phá sản theo sự bảo hộ của pháp luật Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi trong việc thu công nợ bởi tài sản của doanh nghiệp phá sản được xử lý theo quy định, quá trình thanh toán công nợ chậm và nhỏ giọt.

Mặt khác, do một số biến động về chính trị - kinh tế thế giới, lộ trình vận chuyển hàng xuất khẩu bị thay đổi, kéo dài thời gian, ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa. Đây cũng sẽ là lý do dẫn đến việc khách hàng có thể bỏ hàng. 

“Hợp đồng thương mại phải ghi rõ lịch trình, thời gian giao hàng, chất lượng hàng hóa… Đặc biệt, khi thương thảo hợp đồng, doanh nghiệp Việt xuất khẩu cần phải tìm hiểu rõ xem nếu có tranh chấp thì sẽ giải quyết ở đâu (tòa án hay trọng tài thương mại của quốc gia nào), có phù hợp với khả năng của mình hay không, bởi mỗi quốc gia sẽ có những quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp khác nhau”, bà An đưa ra lời khuyên.

Cũng theo bà An, doanh nghiệp Việt phải có cán bộ nắm chắc quy định của nước nhập khẩu để đảm bảo hàng xuất đi đúng, đủ quy trình, thông quan an toàn; Phải tham gia các tổ chức uy tín trong và ngoài nước để được kịp thời cập nhật những quy định mới cũng như sự thay đổi trong hoạt động xuất nhập khẩu của thế giới. Nếu không có được nhân lực đáp ứng yêu cầu, hãy nhờ các tổ chức/đối tác tư vấn xuất khẩu chuyên nghiệp nhằm duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, bền vững.

“Rất mong các doanh nghiệp Việt tham gia “sân chơi” toàn cầu hết sức lưu ý chuyện hoàn thiện hợp đồng để nếu có tranh chấp xảy ra thì các bên thứ ba như trọng tài, tòa án có sở cứ phân định, giúp chúng ta tránh bất lợi. Nhất là doanh nghiệp làm ngành hàng kinh doanh có điều kiện, gắn với các điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm môi trường… - rất dễ gặp trục trặc”, Phó Tổng Thư ký VASEP bày tỏ.

Nhiều “hàng rào” mới được dựng lên

Mô tả “bức tranh xuất khẩu không phải luôn màu hồng”, ông Đậu Anh Tuấn phản ánh thực tế, nhiều quy định “hàng rào” tiêu chuẩn đang được các quốc gia dựng lên, làm khó doanh nghiệp Việt.

Đơn cử câu chuyện xanh hóa, giảm phát thải. “Vấn đề giảm phát thải, sản xuất xanh là “tấm vé” để vào những thị trường quan trọng. Song không phải doanh nghiệp nào tại Việt Nam cũng thuận lợi trong việc có được tiêu chí này. Tôi nói chuyện với một số doanh nghiệp tại Việt Nam thì thấy đang có mối lo, càng gia hạn hợp đồng, các nhà cung cấp Việt Nam càng đối mặt “bài toán” phải cung cấp chứng chỉ về giảm phát thải, trong khi cơ chế hình thành chứng chỉ giảm phát thải để doanh nghiệp Việt cung cấp cho các đối tác quan trọng như ở châu Âu hiện vẫn đang trong tiến trình hoàn thiện”, ông Tuấn kể.

Trong ngành dệt may, Phó Chủ tịch VITAS cho hay, thời gian qua đã nhiều lần khuyến cáo doanh nghiệp về các đạo luật mới liên quan tới các quy định, tiêu chuẩn về lao động, môi trường… 

“Ngành dệt may có nhiều hình thức xuất khẩu như gia công, mua đứt bán đoạn… Nếu chỉ gia công xuất khẩu, khách hàng chỉ định nguyên vật liệu, mình không phải lo chuyện nguồn gốc xuất xứ ở đâu, nhưng nếu mua đứt bán đoạn phải điều tra rõ nguồn gốc. Ngành dệt may trên 50% nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc. Mới đây, châu Âu đưa ra đạo luật chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, liên quan nhiều tới vấn đề này. Nếu chúng ta không cẩn trọng khi nhập nguyên vật liệu sẽ dễ bị hệ lụy vì vi phạm luật. Nên chăng, khi làm việc với đối tác, phải đưa ra hợp đồng hết sức chặt chẽ. Chẳng hạn, anh cung cấp nguyên vật liệu cho tôi thì anh phải chịu trách nhiệm về xuất xứ hàng hóa thì mới tránh được rủi ro”, ông Cẩm dẫn chứng.

Một trong những cách phòng ngừa rủi ro hiệu quả, theo ông Cẩm, là đa dạng hóa thị trường.

“Trước đây, ngành dệt may chỉ có 4 – 5 thị trường chính chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu. Nếu chỉ dựa vào một vài khách hàng/thị trường, khi có rủi ro, doanh nghiệp Việt sẽ chịu thiệt thòi lớn. Năm 2023, dù tình hình hết sức khó khăn nhưng các doanh nghiệp dệt may đã mở rộng tới 104 thị trường. Đa dạng hóa thị trường đồng nghĩa rủi ro ít hơn”, Phó Chủ tịch VITAS phân tích.

VASEP.jpeg
(Ảnh: VASEP).

Với ngành thủy sản, cảnh báo thẻ vàng châu Âu diễn ra từ tháng 10/2017. Ủy ban châu Âu (EC) đã 4 lần sang Việt Nam thanh tra thực tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nếu vi phạm tiếp diễn, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ có thể ngừng nhập khẩu những mặt hàng có nguồn gốc từ biển của các doanh nghiệp Việt.

“Trước những yêu cầu của phía châu Âu, chúng ta bắt buộc phải điều chỉnh rất nhiều. Từ chuyện cấm khai thác hải sản bằng thuốc nổ, cân bằng lượng cá trong biển với năng lực khai thác của quốc gia, tới chuyện phải kiểm soát tàu cá (nhận diện tàu nào được khai thác vùng khơi, vùng lộng, vùng bờ…), không đi ra vùng biển của nước khác để khai thác. 

Hàng thủy sản Việt Nam sang châu Âu sẽ bị kiểm tra theo từng lô. Tuy nhiên, nghề cá của chúng ta là nghề cá nhân dân. 1 tấn cá về bờ nhiều khi có nguồn gốc từ 10 tàu cá, khó xác định cá từ tàu nào, trong khi yêu cầu của châu Âu là phải rạch ròi trong hồ sơ xuất khẩu, con cá được khai thác từ tàu số hiệu nào, khai thác ở tọa độ nào, do thuyền trưởng nào ký tên xác nhận. Nhiều đơn hàng không đủ điều kiện xuất khẩu vì không làm được hồ sơ đáp ứng yêu cầu. Để xuất 1 lô hàng có nguồn gốc khai thác biển Việt Nam sang châu Âu, doanh nghiệp phải tham vấn rất nhiều bên. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”, Phó Tổng Thư ký VASEP thẳng thắn nhìn nhận.

Lưu ý thêm các quy định chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng đang là “rào cản” lớn khiến doanh nghiệp Việt khó duy trì thị phần tại các thị trường lớn, ông Cẩm nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng Việt cần tăng cường năng lực, chủ động đáp ứng quy định trong “sân chơi” toàn cầu. Không có con đường nào khác”.