Người nuôi tôm hùm bông đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc ngưng nhập sản phẩm này từ Việt Nam.

Theo quy định mới, với tôm hùm bông nuôi, Trung Quốc yêu cầu phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2).

Thị trường xuất khẩu thay đổi, hàng không thể xuất đi trong khi sức tiêu thụ trong nước đều giảm mạnh, khiến người nuôi tôm hùm bông ở Khánh Hòa lao đao

W-9-tom-hum-xuanngoc-2.jpg
Tôm hùm bông nuôi trên vịnh Vân Phong, Khánh Hòa bị tồn vì không xuất được.  

Yêu cầu nước nhập khẩu truy xuất nguồn gốc tôm hùm giống

Khánh Hòa được xem là “thủ phủ” tôm hùm với hai vùng nuôi lớn là vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong. Nguồn gốc tôm giống hiện chủ yếu nhập khẩu Indonesia và Malaysia.

Tôm giống này được nuôi trong môi trường mở, khó kiểm soát được mầm bệnh từ môi trường, thức ăn tự nhiên và dễ mắc nhiều loại bệnh khó kiểm soát, dẫn tới hao hụt.

W-2-img-6660-1.jpg

Trước vấn đề này, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa đưa ra giải pháp, người nuôi cần chủ động theo dõi, nắm tình hình thị trường tiêu thụ để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Điển hình là chủ lồng tôm hùm phải tuân thủ quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, người nuôi tôm hùm phải đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè theo quy định, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước. Ngành nông nghiệp khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

W-xn-img-6954-1.jpg
Anh Nguyễn Ngọc Đại (36 tuổi) còn tồn gần 2.400 tôm hùm bông thương phẩm nuôi trên vịnh Vân Phong. 

Còn ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND Khánh Hòa cũng thừa nhận, hoạt động nuôi biển chủ yếu gần bờ, quy mô nhỏ lẻ, không ổn định. Công tác quản lý con giống chưa hiệu quả, đặc biệt là con giống tôm hùm và giống nuôi biển nhập khẩu dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc tôm hùm…

Ông Nam cho rằng, cần phải có giải pháp quản lý kiểm soát tôm hùm giống, giống nuôi biển nhập khẩu…, để nuôi tôm hùm bền vững, truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nuôi thì mới tháo gỡ khó khăn, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.

Cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi tôm hùm

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, diện tích nuôi biển của Việt Nam ghi nhận năm 2022 là hơn 256.000 ha, đạt sản lượng gần 750.000 tấn. Còn năm 2023 sản lượng dự kiến đạt 800.000 tấn, riêng về tôm hùm khoảng 4.000 tấn. Còn Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam.

Tính đến tháng 9 năm nay, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022.

Người nuôi ở Khánh Hòa lo lắng khi tôm hùm bông không bán được.

Tại hội nghị thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam mới đây, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tôm hùm chính của Việt Nam, chiếm 98 - 99%; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 1-2%.

Theo ông Anh, để tôm hùm vào lại được thị trường “khó tính” này, cần đảm bảo các yêu cầu về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương và sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận (128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống).

Cạnh đó, cơ sở nuôi phải đảm bảo chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi… Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư; danh mục chứng thư hằng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu, xác nhận nguồn gốc thủy sản, khẩn trương xử lý vấn đề Trung Quốc ngưng nhập tôm hùm bông.

Đồng thời, các đơn vị này hướng dẫn người nuôi tuân thủ nghiêm quy định Luật Thủy sản; điều kiện về nuôi trồng thủy sản, xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi…