Tổng thống Trump (phải) và Tim Cook trong chuyến thăm nhà máy Mac Pro. Ảnh: Internet |
Tim Cook đã dành nhiều năm để xây dựng quan hệ hữu hảo với Nhà Trắng: ăn tối cùng Tổng thống Trump, đưa Tổng thống đến thăm nhà máy, xuất hiện bên cạnh con gái Ivanka Trump để quảng bá sáng kiến giáo dục.
Dù vậy, điều đó không đồng nghĩa CEO Apple được Tổng thống ưu ái 100% bây giờ và sau này. Nên nhớ rằng, dân gian có câu “làm bạn với vua như chơi với hổ”.
Tuần này, Trump tham gia vào cuộc chiến giữa Bộ Tư pháp và Apple. “Táo khuyết” từ chối yêu cầu bẻ khóa iPhone của tay súng trong vụ tấn công cơ sở quân sự Mỹ từ Bộ Tư pháp. Hành động ấy khiến Trump không hài lòng và “vỗ mặt” Apple ngay trên Twitter.
Ngày 15/1, ông viết: “Chúng ta suốt ngày giúp Apple trong THƯƠNG MẠI và nhiều vấn đề khác, vậy mà họ từ chối mở khóa điện thoại của kẻ giết người, kẻ buôn bán ma túy và các tội phạm bạo lực khác. Họ phải hành đồng và giúp tổ quốc của chúng ta, NGAY BÂY GIỜ. HÃY LÀM NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI TRỞ LẠI”.
Khiển trách bất ngờ từ Tổng thống là lời cảnh tỉnh không chỉ dành cho Apple và còn với bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp nào muốn duy trì quan hệ đôi bên có lợi với Trump. Cook không chỉ là một trong những CEO có ảnh hưởng nhất thế giới mà còn được xem là thành công khi xây dựng quan hệ bền chặt với Tổng thống. Bản thân Trump còn khen ngợi Cook là “giám đốc tuyệt vời vì ông ấy điện thoại cho tôi còn người khác thì không”.
Song, xung đột mới nhất cho thấy kể cả Cook và công ty vẫn có thể bị ảnh hưởng như thường. Tổng thống hoàn toàn có khả năng “lật mặt” để tìm kiếm giá trị lớn hơn. Một nhà vận động hành lang giấu tên nhận xét: “Dù bạn có làm gì trong quá khứ, ông ấy chỉ muốn những gì bạn làm được hiện nay. Trump dường như đang thay đổi các quy tắc”.
Khi Trump tới thăm nhà máy lắp ráp Mac Pro hồi tháng 11/2019, công ty có nguy cơ bị đánh thuế iPhone, MacBook và thiết bị khác sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Trump nói vì những đầu tư của Cook cho Mỹ, chính quyền có thể tạm hoãn thi hành chính sách thuế với sản phẩm Apple. Cuối cùng, sản phẩm của hãng cũng may mắn thoát hiểm khi Mỹ - Trung đạt thỏa thuận đầu tiên.
Những khoản đầu tư của Apple dường như đã bị quên lãng khi Trump gọi tên Apple khi đối đầu với Bộ Tư pháp. Không rõ tweet của Trump có tác động lâu dài không nhưng ít nhất, cổ phiếu công ty đã giảm đi chút ít trước khi tăng trở lại.
Trước đây, Apple cũng từng từ chối giúp đỡ nhà hành pháp mở khóa iPhone trong vụ xả súng San Bernadino cuối năm 2015. Sau trận chiến pháp lý dài với Apple, các nhà điều tra cũng mở được iPhone mà không cần nhờ tới sự hỗ trợ của công ty. Những năm về sau, Apple cùng các hãng công nghệ khác ngày một tăng cường biện pháp mã hóa bảo vệ người dùng.
Apple cũng kiên quyết không xây “cửa hậu” đặc biệt cho nhà hành pháp để tránh làm suy yếu mã hóa, tranh luận rằng lỗ hổng có thể bị tội phạm khai thác. Công nghệ mã hóa không chỉ dùng để bảo vệ iPhone mà còn mạng lưới doanh nghiệp, email ứng dụng nhắn tin, dịch vụ tài chính, tổ chức chính phủ.
Căng thẳng với nhà hành pháp về mã hóa “sống lại” gần đây sau khi Bộ Tư pháp chỉ trích Apple. Hai iPhone của tay súng được thu về từ hiện trường nhưng nhân viên điều tra không thể phá khóa, khiến Bộ Tư pháp phải “cầu cứu” Apple.
Việc ông Trump tham gia vào cuộc đối đầu giữa Bộ và Apple làm vấn đề trầm trọng hơn. Theo cựu quan chức chính phủ, Apple có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh trong Nhà Trắng nhưng như thế là không đủ nếu Cook và Apple không có Trump ở cùng chiến tuyến.