Diane (tên đầy đủ Diane Nemerov) sinh ra vào năm 1923 tại thành phố New York trong một gia đình người Do Thái di cư từ Nga. Gia đình của cô khá giả, sở hữu một cửa hàng tại Phố 5 mang tên Russeks, nhờ vậy mà họ không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ.
Là một 'quý cô' trong một gia đình giàu có, Diane được nuôi lớn bởi các cô hầu, khiến cô xa cách với những thành viên khác của gia đình. Mặc dù không trực tiếp nuôi nấng, nhưng gia đình cũng có một tầm ảnh hưởng gián tiếp đến cuộc đời của cô. Sau khi bố cô nghỉ hưu, ông trở thành một họa sĩ. Người chị gái của cô cũng là một nhà thiết kế và tạc tượng, anh cô thì là nhà thơ đã từng đạt giải Pulitzer danh giá. Diane cũng từng tập vẽ, nhưng ngừng sau khi cô ra khỏi trường cấp 3.
Diane Arbus lấy chồng từ năm 18 tuổi, chồng cô tên là Allan Arbus. 2 người đều là nhiếp ảnh gia thương mại trong thời gian từ 1946 đến 1956. Cuộc hôn nhân của họ gặp nhiều trắc trở và kết thúc vào năm 1969, người chồng của cô sau đó trở thành diễn viên - có một vai diễn nổi tiếng là Sidney Freedman trong phim M*A*S*H.
Đó là vài dòng về cuộc sống cá nhân của Diane, nhưng điều thú vị đối với các nhiếp ảnh gia chắc chắn là sự nghiệp trong ngành ảnh của cô.
Cô Arbus nhận được chiếc máy ảnh đầu tiên lúc 18 tuổi, một chiếc Graflex ngay sau khi lấy chồng. Chồng cô đã từng là một nhiếp ảnh gia trong Đội tín hiệu Quân đội Mỹ ở Thế chiến thứ 2. Cô bắt đầu theo học Berenice Abbot, một nhiếp ảnh gia nữ khác nổi tiếng trong ngành chụp chân dung.
Nhiếp ảnh gia Diane Arbus
Vào 1946, Diane cùng chồng thành lập công ty nhiếp ảnh thương mại Diane & Allan Arbus. Cô đảm nhiệm nhiệm vụ lên ý tưởng và thuê người mẫu, nhưng được cho là không cảm thấy thỏa mãn với vị trí này. Mặc dù cả Diane và người chồng Allan đều không có niềm đam mê nhiếp ảnh thương mại nhưng cả 2 cũng có một sự nghiệp thành công, tạo ra được nhiều bức hình cho Vogue, Glamour và Seventeen. Một bức hình của bộ đôi này còn được trưng bày tại Viện bảo tàng Mỹ thuật vào 1955.
Trong thời gian đầu của sự nghiệp, cô rất thích những hạt grain của ảnh film và chụp với một máy ảnh Nikon 35mm. Vào khoảng năm 1962, cô chuyển sang máy ảnh medium format Rolleiflex để có chất lượng ảnh cao hơn. Để giải thích cho sự chuyển đổi này, cô nói:
"Khi bắt đầu chụp hình, tôi rất thích hạt grain, chúng như biến một ảnh thành những bức họa có các chi tiết nhỏ trên giấy vậy. Nhưng sau một thời gian chụp hình, tôi cảm thấy chán chúng và muốn đi tìm một thứ mới. Tôi bắt đầu đi tìm kiếm sự chi tiết."
Diane Arbus sau đó chuyển hẳn sang nhiếp ảnh đường phố, và bắt đầu tìm thấy thành công trong mảng này. Một trong những người thầy của cô là Lisette Model, một nhiếp ảnh gia nữ cũng hoạt động trong mảng nhiếp ảnh đường phố. Arbus từng nói với Model: "Tôi muốn chụp lại những điều kỳ dị, những thứ mà mọi người được dạy là nên ngoảnh mặt làm ngơ."
Những bức hình của cô thường được cắt thành hình vuông, và sử dụng đèn kể cả trong điều kiện trời sáng để làm nổi bật được chủ thể. Cô cho rằng, ánh sáng đèn làm lộ ra những thứ mà ta thường không nhìn thấy ở một con người. Arbus thường cho chủ thể nhìn thẳng vào ống kính, nhưng ở một số ảnh thì lại không làm vậy để tạo sự tự nhiên.
'Đứa trẻ cùng quả lựu đạn tại Công viên Trung tâm (N.Y.C. 1962)' là một trong những bức hình nổi tiếng nhất của cô. Đây là một bức hình kỳ lạ và cũng thật ám ảnh. Đứa trẻ nhìn mặt thật giận dữ, đang nghiến răng và một tay cầm quả lựu đạn. Cậu ta còn đứng rất xa mọi người, tạo sự cách biệt hoàn toàn.
Đây được coi là một trong những bức hình có tầm ảnh hưởng nhất của Thế kỷ 20. Và khi nhìn vào những bức hình khác trong cuộn phim chụp cậu bé này, cô Arbus có rất nhiều ảnh 'bình thường' lúc cậu ta cười nói, chơi đùa nhưng cuối cùng bức hình được chọn lại kỳ dị, đáng sợ hơn vậy. Cậu bé trong hình mang tên Colin Wood, đã có những lời giải thích:
"Cô ấy bắt gặp tôi vào thời điểm cuộc đời tôi gặp nhiều sóng gió. Trong lúc đó, tôi cảm thấy rất cô đơn vì bố mẹ tôi vừa li dị, tôi cảm thấy như mình bị bỏ rơi. Cô ấy có khả năng chụp được sự cô đơn của tất mọi người, ở những người cảm thấy cô đơn nhưng không biết kết nối với những người xung quanh. Có lẽ cô ấy cũng cảm thấy vậy, và việc thể hiện được những suy tư đó trên những bức hình giúp cô ấy có thể vượt lên chính mình."
Điều đặc biệt ở Diane Arbus đó là cô không chỉ chụp hình những 'người lạ' trên phố, cô còn muốn làm quen và hiểu được cuộc sống của họ. Chính vì vậy mà phong cách của cô rất khác biệt so với những nhiếp ảnh gia bấy giờ, tạo ra sự độc đáo.
'Đứa bé, N.Y.C. 1968' là bức hình chụp lại Anderson Cooper, phóng viên của CNN và là con của Gloria Vanderbilt. Đây là một ảnh mà cô Arbus chụp cho tạp chí Bazaar năm 1968. Cô quen cả 2 phụ huynh của Cooper, vì vậy cô dành thời gian tới nhà của họ để chụp đứa con mới chào đời. Cô tới nhà họ nhiều lần, chụp rất nhiều ảnh trước khi chọn được một bức ưng ý nhất để gửi cho tòa soạn. Gia đình Cooper không hề thấy điều này là phiền, và những bức cô chụp còn được lưu giữ tại nhà của họ.
'Người Do Thái khổng lồ cùng với bộ mẹ của mình, NY, 1970' là bức hình chụp lại Eddie Carmel. Mặc dù có chiều cao bình thường lúc còn trẻ, nhưng khi lớn lên Eddie Carmel cao một cách bất thường, đạt 2.7m. Bức hình này giống như họ đang chuẩn bị cho một cuộc chụp hình gia đình vậy.
Điều đáng tiếc là anh đã ra đi ở tuổi 36, 2 năm sau khi Arbus chụp lại tấm hình này. Cô cho rằng bức hình đã ghi lại được 'ác mộng của người mẹ anh ấy'. "Ác mộng của bất cứ người mẹ nào đó là đẻ ra một đứa con, sau đó nó trở thành một con quái vật. Đó là những gì xảy ra trong bức hình này, với nét mặt ngạc nhiên của mẹ Eddie Carmel."
Bức hình của Arbus mà tôi thấy thích nhất là 'Cô gái trong trang phục xiếc, Md. 1970'. Cô gái này nhìn thật là giống với Wonderwoman từ những cuốn truyện tranh DC, và thể hiện được rất rõ không khí của Mỹ ở những năm 70.
Chủ thể trong những bức hình của Diane Arbus là những người có cuộc sống khó khăn, những người ở đáy của xã hội, không được người khác tôn trọng. Cô thường có lòng thương với những con người xấu số này, vì cuộc đời của họ khác hẳn với cô - một cuộc sống đầy đủ, được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu có. Cô chụp những vũ công khỏa thân, diễn viên xiếc, cộng đồng LGBT, người chuyển giới hay những người có bệnh về thần kinh. Cô cho rằng những người mà cô chụp có tầm quan trọng với cô hơn là những bức hình chụp được.
Nhiếp ảnh gia Edmund Shea chia sẻ: "Nhiều người cho rằng Arbus là một người có cái nhìn xấu về cuộc sống, nhưng điều đó là sai hoàn toàn. Cô là một người giàu lòng đồng cảm, rất mạnh mẽ và thẳng thắn."
Có lẽ điều quan trọng nhất với cô không phải là những bức hình, mà là hành trình đến gặp những con người 'kì dị', quá trình tìm hiểu họ. Cô đi tìm những thứ chân thật ở con người, cái khoảng cách giữa thứ mà ta muốn mọi người nhìn thấy và bản chất thật của mỗi chúng ta. Để biết được tầm ảnh hưởng của Arbus, ta tìm đến những lời bình của Robert Hughes: "Những tác phẩm của Arbus đã thay đổi hoàn toàn mảng nhiếp ảnh mà cô tham gia, khiến ta khó có thể nhớ được rằng nó ban đầu như thế nào."
Cô nhận được học bổng Guggenheim tới 2 lần, một lần vào năm 1963 cho album ảnh 'Nghi thức, phong tục và tập quán Mỹ', và lần thứ 2 vào năm 1966. Vào những năm 60 của Thế kỷ trước, cô Arbus làm việc cho các tòa soạn để nhận tiền nhuận, vì tiền bán những bức hình của cô không đủ để trang trải cho cuộc sống. Mặc dù là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, những bức hình của cô chỉ được bán với giá dưới 100 USD. Sau khi trở nên nổi tiếng hơn, cô ngừng việc cộng tác với báo để chuyển qua nghề giáo viên dạy nhiếp ảnh tại thành phố New York và Đảo Rhode. Cô là nhiếp ảnh gia đầu tiên xuất hiện tại Artforum, một tạp chí về nghệ thuật đương đại.
Buổi triển lãm lớn đầu tiên có ảnh của cô diễn ra vào 1967, được tổ chức bởi nhiếp ảnh gia John Szarkowski. 2 phần 3 các bức hình của cô được chọn để đại diện cho kiểu chụp hình đương đại. 2 nhiếp ảnh gia khác cũng được trưng bày ảnh tại buổi triển lãm này là Garry Winogrand và Lee Friedlander, đều là những nhiếp ảnh gia vô cùng nổi tiếng nhưng vẫn chưa được công chúng công nhận lúc bấy giờ.
Điều đáng tiếc là cô mắc chứng trầm cảm và viêm gan giống người mẹ của mình. Theo người chồng cũ của Arbus, cô liên tục thay đổi tâm trạng một cách nhanh chóng, ngay sau khi vui đã có thể trở nên buồn bã. Vào 1971, cô tự tử ở tuổi 48.
Trở lại với hiện tại, những bức hình của cô được trưng bày tại bảo tàng Metropolitan tại New York, bảo tàng Quốc gia tại Washington D.C, bảo tàng hạt thành phố Los Angeles, cùng với rất nhiều những bảo tàng khác trên khắp đất Mỹ.
Về tác giả: Martin Kaninsky là một nhiếp ảnh gia, reviewer và Youtuber tại Prague, Cộng hòa Séc. Bài viết là chia sẻ của tác giả tại Petapixel.