Ngoài 36 cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông đang thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, hầu hết các sở, ngành, địa phương đều bố trí tối thiểu 1 cán bộ phụ trách kỹ thuật về công nghệ thông tin của đơn vị.

Các cán bộ này đều có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin, cơ bản đáp ứng trong việc tham mưu, vận hành hệ thống công nghệ thông tin tại đơn vị. Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số, hiện, 100% cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh có đào tạo về công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Mỗi năm, có hơn 800 sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp chuyên ngành liên quan đến chuyển đổi số. Cùng với đó là các lớp tập huấn phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân và doanh nghiệp. Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số

Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số.

Với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, chất lượng nguồn nhân lực số thời gian gần đây đã có sự cải thiện và từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong giai đoạn mới, nguồn nhân lực dành cho lĩnh vực này chưa tương xứng, còn thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, nhân lực công nghệ thông tin chủ yếu tập trung ở những đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của các sở, ngành. Nhiều vị trí vẫn chưa kịp bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số. Hầu hết cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ.

Đặc biệt, tỉnh đang thiếu nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, trong khi đó, việc tuyển dụng biên chế vào khu vực hành chính, sự nghiệp gặp nhiều khó khăn do chế độ đãi ngộ rất thấp so với khu vực ngoài Nhà nước.

Bà Phạm Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Bình Xuyên cho biết: Dù chuyển đổi số đã thực sự tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong toàn huyện, song đây là lĩnh vực còn mới mẻ, nhất là đối với các địa phương và người dân ở khu vực nông thôn. Bởi vậy, quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó, vấn đề nhân lực chuyển đối số đang là một bài toán khó.

Thực tế hiện nay, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin. Điều đáng nói, Phòng Văn hóa, thông tin là cơ quan thường trực tham mưu UBND huyện triển khai các công việc nhiệm vụ về chuyển đổi số nhưng lại đang thiếu cán bộ có trình độ về công nghệ thông tin.

Xác định chuyển đổi số trước hết phải tập trung vào yếu tố con người, thời gian tới, tỉnh tiếp tục dành nguồn lực và đề ra các giải pháp đồng bộ. Trong đó, trọng tâm là đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực số tại các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin để phục vụ tiến trình chuyển đổi số.

Để không chậm chân, lỗi nhịp trong công cuộc chuyển đổi số, chúng ta cần giải quyết triệt để những bất cập trong phát triển nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Bởi vậy, rất mong các cơ quan hữu quan sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

 Theo Phùng Hải (Cổng thông tin -Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc)