- Những hoạt động khảo cổ học diễn ra sôi nổi trong toàn quốc năm 2014 đã phát hiện ra nhiều vấn đề mới, trong đó nổi bật là quá trình khảo cổ lần nữa khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ngày 25/9, tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học đã mở Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 49 với 472 thông báo của các tác giả trong và ngoài nước với những nội dung phong phú. TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã báo cáo kết quả hoạt động Khảo cổ học năm 2014. Theo đó, những hoạt động khảo cổ học trong năm qua trên toàn quốc rất sôi nổi và phong phú, số lượng và nội dung các thông báo khảo cổ đã bám sát các chương trình nghiên cứu lớn; các cuộc khai quật, điều tra, thăm dò, thám sát, cùng với các phát hiện, nghiên cứu về di tích di vật đã bổ sung nhiều tư liệu mới cho ngành khảo cổ học, sử học, văn hóa... Từ đó, có những đóng góp hữu hiệu trong việc xây dựng hồ sơ, quy hoạch, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, di sản.
Trong lần khai quật vào tháng 6/2014, đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật tại các đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Phan Vinh và Sơn Ca.
Tại đảo Trường Sa Lớn, đoàn đã tiến hành khảo sát toàn bộ bề mặt đảo và mở một hố thám sát có diện tích 1m2. Kết quả, hiện vật thu lượm khi khảo sát bề mặt đảo gồm một mảnh bát thời Trần, hai mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và nhiều mảnh sành thuộc thế kỷ 18-19. Cùng với đó, hiện vật trong hố thám sát thu được gồm bốn mảnh gốm thô thời tiền sử.
Tại đảo Sơn Ca, đoàn khảo cổ cũng thu được một số mảnh sành từ thế kỷ 18 đến nay. Tại đảo Nam Yết, các nhà khảo cổ thu được một mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và một số mảnh sành có niên đại từ thế kỷ 18.
TS Bùi Văn Liêm cho biết, kết quả khai quật lần này thêm một bằng chứng nữa để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. “Kết quả thu được từ đợt khảo sát đã tiếp nối, bổ sung và củng cố thêm kết luật các đợt khảo sát trước được tổ chức trong các năm 1993, 1994, 1999. Đó là những bằng chứng khoa học khẳng định sự có mặt sớm, liên tục của người Việt và các hoạt động trên biển của cư dân tiền sử ở quần đảo Trường Sa”.
Hiện vật thu được khi khai quật ở Vân Đồn
Bên cạnh đó, theo TS Bùi Văn Liêm Khảo cổ học dưới nước tuy còn mới, song đã có những hoạt động khá sôi nổi như tiến hành khảo sát dấu vết thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh). Bà Đinh Thị Thanh Nga, Viện Khảo cổ học cho biết, lịch sử hình thành và phát triển của Vân Đồn kéo dài gần 700 năm liên tục với biết bao những biến động thăng trầm. Quá trình tiến hành khảo sát Vân Đồn, đoàn khảo sát đã phần nào có được những thông tin giá trị cho việc phục dựng lại một cách chân xác nhất diện mạo của thương cảng Vân Đồn trong lịch sử.
Cụ thể, tại đảo Cống Đông, đoàn khảo sát đã tiến hành khảo sát di tích Vụng Huyện và đã xuất lộ khá nhiều mảnh ngói mũi lá, đồ gốm, sành. Hiện vật chiếm chủ yếu thuộc thời Trần.
Tại đảo Cống Tây đoàn khảo sát cũng phát hiện những hiện vật chủ yếu thời Trần với nhiều đồ gốm với các dòng men trắng, men ngọc, men nâu, men trắng vẽ lam có niên đại thế kỷ 13-14.
Thêm nữa, Bảo tàng Nghệ An đã tiến hành khảo sát khảo cổ học tìm dấu vết con tàu đắm dưới sông Lam (Nghệ An). Những hoạt động khảo sát, nghiên cứu di sản văn hóa biển ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh đã làm tăng tính hấp dẫn của khảo cổ học dưới nước.
Trong ngày 26/9, hội nghị sẽ chia làm 4 tiểu ban: Khảo cổ học Thời đại đá; Khảo cổ Thời đại kim khí; Khảo cổ học Lịch sử và Khảo cổ học Chăm Pa – Óc eo để tiếp tục thảo luận và trao đổi.
T.Lê