Mở đầu cho tin giả, người đăng xác nhận thông tin từ một nguồn "rất đáng tin cậy" .
"Tin vui rạng sáng, mình copy từ nguồn rất đáng tin cậy. Trận Việt Nam – Nhật Bản sẽ đá lại bà con nhé", nội dung được tài khoản Hùng Trần chia sẻ.
Trong phần nội dung, chủ bài viết đề cập có quen một phóng viên thể thao đang tác nghiệp bên Dubai. Người này nhắn về thông tin từ AFC, trận Việt Nam – Nhật Bản ở vòng tứ kết ASIAN CUP sẽ thi đấu lại.
Tin tức này được rất nhiều tài khoản Facebook chia sẻ lại bất chấp độ chính xác của thông tin. Một số fanpage giả mạo Bùi Tiến Dũng cũng lan truyền thông tin này để câu view. |
"Sau khi dư luận thế giới nổi sóng phản đối tình huống VAR dẫn đến bàn thua của Việt Nam, AFC đã phải họp bàn. Hơn hai chục người từ FIFA, Liên đoàn Trọng tài Thế giới, VAR Tech đã làm việc liên tục trong 3 giờ đồng hồ. Họ xem đi xem lại tình huống Bùi Tiến Dũng phạm lỗi với Ritsu Doan của Nhật Bản. Họ phân tích. Họ tranh luận. Họ mổ xẻ", tin giả đề cập.
Thậm chí, tin giả này còn trích dẫn lời của "một quan chức Liên đoàn trọng tài thế giới. "VAR không nên được dùng trong tình huống này. Nó chỉ nên được áp dụng ở những quyết định sai hoàn toàn của trọng tài chính. Nếu nó được dùng để sửa mọi sai lầm của trọng tài, trận đấu sẽ liên tục bị gián đoạn. Khi đó, sự chi li sẽ lấn át cảm xúc bóng tròn" – một quan chức của Liên đoàn trọng tài thế giới cho hay", người này viết.
Cuối bài viết là kết luận của "AFC": “Tổ VAR ở trận này gồm tổ trưởng Christopher Beath (Australia), cùng hai trợ lý Mohamed Taqi (Singapore) và Valeri (Italy) đã làm việc sai nguyên tắc, cảm tính. Trận tứ kết 1 Việt Nam – Nhật Bản trong khuôn khổ ASIAN CUP 2019 sẽ được tổ chức lại vào 18h 29/02/2019 trên sân AI Maktoum vì sai sót do công nghệ VAR” – AFC vừa thông báo chính thức trên trang web của họ.
Thực tế, AFC chưa có bất kỳ thông báo nào về việc sẽ cho hai đội Việt Nam và Nhật Bản thi đấu lại.
Một số trang tin có giao diện như báo điện tử (thực chất là trang tin giả mạo) còn đăng thông báo Việt - Nhật sẽ thi đấu lại trận chung kết vào ngày 28/1. |
Tin giả này nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dùng Facebook. Một số trang giả mạo cầu thủ đăng lại bài viết và nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Hiện nguồn gốc của tin giả này vẫn chưa được tìm ra.
Thực chất, tin giả này chỉ là trò đùa, bởi tháng 2/2019 không có ngày 29. Tuy vậy, rất nhiều bình luận bên dưới các bài viết cho rằng đây là sự thật. Nhiều người dùng không đọc kỹ cũng chia sẻ theo, tiếp tay cho việc lan truyền tin giả.
Thậm chí, một số trang tin tức còn đăng tin giả này nhưng ngày diễn ra trận đấu được đổi sang 28/1.
Theo Facebook, để không phải là nạn nhân và tiếp tay cho những trò đùa và tin giả, người dùng mạng xã hội cần kiểm tra kỹ nguồn tin trước khi quyết định chia sẻ.
"Nên xem xét câu chuyện có phải là một trò đùa hay không. Đôi khi, khó có thể phân biệt các thông tin sai lệch với các trò đùa hay sự châm biếm. Hãy kiểm tra giọng điệu của câu chuyện và các chi tiết liên quan. Một số câu chuyện bị cố tình đưa sai lệch. Hãy suy nghĩ kỹ lưỡng về những câu chuyện bạn đọc và chỉ chia sẻ những thông tin mà bạn biết là đáng tin cậy", Facebook cho biết.
Theo một phân tích gần đây từ Đại học New York và Princeton, những người cao tuổi (từ 65 tuổi) thường tích cực chia sẻ tin tức giả mạo (fake news) trên Facebook hơn so với các nhóm người dùng trẻ tuổi.