Theo cảnh sát Duluth, họ nhận được báo cáo từ Ngân hàng Wells Fargo rằng, một phụ nữ giấu tên là nạn nhân của một vụ lừa đảo tình ái qua mạng và cần đến sự giúp đỡ.
Người phụ nữ nói rằng cô đã gặp người đàn ông tên là David Smart trên mạng hơn một năm trước đó và cả hai nảy sinh mối quan hệ tình cảm. David nhận anh ta là một vị tướng trong quân đội Mỹ và đang hoạt động ở Afghanistan. David đã liên lạc với cô vào tháng 3 năm 2021, yêu cầu gửi 9.000 USD để trả phí chuyển khoản ngân hàng cho một số tiền lớn mà anh ta đang cố gắng chuyển từ Philippines đến Thụy Sĩ. David cho biết anh ta sẽ chia lại cho cô một phần tiền.
Sau đó, nạn nhân cho biết cô bắt đầu nhận được tin nhắn từ những người khác tự nhận là thành viên gia đình của David gồm mẹ nuôi và con trai. Họ nói với cô ấy rằng David đang hôn mê và cần cô chuyển khoản 38.000 USD, họ sẽ gửi trả bằng séc, hứa rằng cô có thể sử dụng 4.000 USD một tháng. Cô ấy đã gửi gửi số tiền theo thông tin được cung cấp.
Cảnh sát đã tìm thấy số tiền được chuyển đến tài khoản của một phụ nữ sống ở Utah. Bất ngờ rằng người phụ nữ ở Utah hóa ra là một nạn nhân khác trong một chuỗi những người bị lừa đảo, cô cũng đã bị lừa mất 300.000 USD.
Người phụ nữ ở Utah biết rằng đây là chiêu trò lừa đảo nên đã cố gắng trợ giúp nạn nhân ở Duluth để lấy lại tiền. Số tiền này được ngân hàng Wells Fargo đóng băng trong tài khoản cho đến khi cảnh sát xác thực nguồn gốc. Vào tháng 11, nạn nhân gọi điện cho cảnh sát Duluth nói rằng cô đã nhận lại được 38.000 USD.
Dù cảnh sát đã vào cuộc, kẻ chủ mưu của vụ lừa đảo vẫn chưa bị bắt. Ted Sadowski, phát ngôn viên của cảnh sát Duluth cho biết: “Chúng tôi chưa điều tra ra người này là ai, có lẽ đây là một nhóm. Chúng lừa đảo rất nhiều người và sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng để chuyển tiền từ nạn nhân này sang nạn nhân khác, vì vậy rất khó để điều tra”.
Tuy nạn nhân đã nhận lại được số tiền bị lừa đảo, nhưng đây là số ít, không phải ai cũng may mắn như vậy. Do đó, để tránh những vụ lừa đảo tương tự, mọi người tuyệt đối cảnh giác, không bao giờ chuyển tiền cho những người lạ hoặc chưa từng gặp mặt. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng danh tính giả, lấy lý do đang làm việc ở nước ngoài hoặc trong quân đội để không phải gặp mặt và yêu cầu chuyển tiền với lý do như tình trạng y tế khẩn cấp, phí di chuyển, visa…
Những phụ nữ có tổn thương về mặt tình cảm hoặc những người lớn tuổi thường là mục tiêu của những kẻ lừa đảo. Theo Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FTC), các vụ lừa tình qua mạng đã gây thiệt hại ở mức kỷ lục 547 triệu USD vào năm 2021, tăng 80% so với năm trước. Những con số này có xu hướng tăng vọt trong bối cảnh đại dịch, tổng thiệt hại đã lên đến 1,3 tỷ USD trong vòng 5 năm qua.
Hương Dung (Theo 11Alive)