AP đưa tin chính quyền Tổng thống Barack Obama đã cho phép không kích tại Iraq.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Các nhóm người Kurd tham gia triển khai an ninh chống lại các tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tại tỉnh Niveneh, Iraq, hôm 6/8. Ảnh: Reuters

Ông Obama đưa ra tuyên bố này vào đêm qua (giờ Mỹ), cho phép quân đội Mỹ không kích vào các mục tiêu lên kế hoạch trước nếu cần để bảo vệ người Mỹ khỏi các phiến quân Hồi giáo ở miền bắc Iraq. 

Quyết định này dấy lên khả năng quân đội Mỹ lại can thiệp trở lại vào Iraq, nơi có các cuộc chiến sắc tộc triền miên. 

Tổng thống Mỹ cho biết thêm là quân đội của ông đã thực hiện các đợt thả hàng cứu trợ nhân đạo tới các vùng dân tộc thiểu số đang bị lực lượng cực đoan phong tỏa.  

“Ngày hôm nay, nước Mỹ tới đây để giúp đỡ” – ông Obama nói tại Nhà Trắng.  

Các tuyên bố này phản ánh mức độ can dự của Mỹ vào Iraq sâu sắc nhất kể từ khi quân đội nước này rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011, sau một cuộc chiến kéo dài gần một thập kỷ.  

Tuy nhiên, ông Obama cũng nói thêm: “Trong vai trò Tổng tư lệnh, tôi không cho phép nước Mỹ bị lôi kéo vào một cuộc chiến khác tại Iraq”. 

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết hành động quân sự của quân đội Mỹ sẽ ‘rất giới hạn trong khuôn khổ’ và gắn liền với các cải cách chính trị tại Iraq. “Sẽ không có giải pháp quân sự của Mỹ cho các rắc rối ở Iraq” – ông Earnest nói. 

Trong khi đó, Reuters cho biết các tay súng cực đoan Hồi giáo đã chiếm được đập thủy điện lớn nhất tại Iraq. Bom nổ liên tục tại quốc gia này.  

Các tay súng dòng Hồi giáo Sunni đã chiếm được thị trấn Qaraqosh – nơi có p phần đông người Cơ đốc giáo sinh sống, khiến rất nhiều người dân phải bỏ chạy vì sợ hãi.  

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo được cho là lực lượng còn cực đoan hơn cả mạng lưới khủng bố Al Qaeda.  

Lực lượng này cũng là mối đe dọa lớn nhất tới sự toàn vẹn của Iraq kể từ sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003.  

Tổ chức này đã làm cho mối căng thẳng sắc tộc thêm trầm trọng, đẩy quốc gia Iraq trở lại những ngày đen tối của nội chiến vốn lên tới đỉnh điểm vào năm 2006-2007 dưới sự chiếm đóng của Mỹ.  

Các vụ đánh bom, bắt cóc và hành quyết xảy ra hàng ngày tại Iraq, một quốc gia của tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu lửa.

Lê Thu