Bộ phim Glass Onion đã khám phá ra khía cạnh độc hại trong tình bạn của giới siêu giàu. Ảnh: John Wilson/Netflix.

"Glass Onion: A Knives Out Mystery" là bộ phim hài ăn khách của Netflix. Trong đó, khán giả bị thu hút với câu chuyện bí ẩn về giới siêu giàu.

Đạo diễn Rian Johnson lấy bối cảnh trên hòn đảo tư nhân xa hoa tại Hy Lạp, thuộc sở hữu của tỷ phú Miles Bron (nam diễn viên Edward Norton thủ vai). Những người bạn thân nhất của Miles cùng tụ tập để chơi một game giết người bí ẩn trong dịp cuối tuần, cùng thám tử vĩ đại Benoit Blanc (Daniel Craig thủ vai).

Nhiều người cho rằng đây là cốt truyện chỉ có trong tưởng tượng, song đối với Clay Cockrell, một người chuyên trị liệu tâm lý cho giới siêu giàu, câu chuyện ấy không quá xa rời thực tế.

Một trong những vấn đề Cockrell thường gặp khi lắng nghe thân chủ giàu có là nhu cầu ngày càng cao của họ với các sự kiện xã hội lớn và phức tạp hơn.

"Tại sao phải tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bình thường trong khi họ có thể thuê ban nhạc Rolling Stones và tổ chức một buổi hòa nhạc hoành tráng cùng bạn bè? Tại sao chỉ có một buổi gặp mặt Giáng sinh đơn giản khi có thể mời Michael Bublé đến hát những bản hit của anh ấy", vị chuyên gia nói về suy nghĩ của người giàu trong bài viết trên The Guardian.

Dần dần, họ cảm thấy không bao giờ là đủ. Càng giàu có, họ càng ít hài lòng hơn. "Hãy tưởng tượng việc bạn có mọi thứ nhưng chẳng thể tận hưởng nó", Cockrell nói.

the gioi nguoi giau anh 1

Tình bạn của người giàu bị chi phối bởi tiền bạc và quyền lực. Ảnh: Metro.

Theo chuyên gia, bộ phim cũng khéo léo khám phá "nỗi đau" đi kèm với sự giàu có: người giàu không thể tin tưởng bất cứ ai. Và mỗi lần cố gắng tin ai đó - và thực sự họ có làm như vậy - thì chính niềm tin đó lại khiến họ đau đớn. Tất cả mối quan hệ của họ đều bị vấy bẩn bởi động cơ quyền lực và sự giàu có.

Trong "Glass Onion", khi Miles thể hiện sự tự tin và vênh váo, anh ta thừa hiểu rằng những vị khách cuối tuần - người bạn lâu năm và thân thiết nhất từ trước khi anh trở nên giàu có - cũng chỉ đang ở đó vì quyền lực mà anh đặt lên họ.

Anh đầu tư vào dự án kinh doanh của những người ấy, kéo họ ra khỏi sự túng quẫn, nắm giữ các khoản nợ của họ - mỗi người đều có một mối ràng buộc. Những mối quan hệ này không dựa trên tình yêu đích thực hay sự trung thực và cởi mở, mà bằng động lực độc hại dẫn đến chứng hoang tưởng.

Cockrell kể: "Tôi từng chứng kiến một số khách hàng giàu có ngây thơ và hào phóng giúp đỡ người bạn nào đó thời trung học, hay giúp con cái họ vào đại học, để rồi đột nhiên nhận ra mối quan hệ này có chút vấn đề. Họ nhận thấy người bạn đó có vẻ do dự khi ở gần, hoặc quá háo hức để làm hài lòng họ".

Kết quả, động lực tình cảm đã thay đổi, giữa hai bên hình thành cảm giác về nghĩa vụ và nợ nần.

Điều này thậm chí xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Một trong số khách hàng của Cockrell được chị gái của cô mời đi ăn tối, nhưng bất ngờ khi tới nơi mới nhận ra bữa ăn đã được lên kế hoạch với một số nhà sản xuất muốn ký hợp đồng truyền hình.

Nếu ngay cả người nhà cũng muốn lợi dụng nhau, thì người giàu càng khó để tin bất kỳ ai khác ngoài kia. Mỗi khi có ai đó tới kết thân sẽ lập tức kích hoạt trạng thái nghi ngờ trong họ: "Người này muốn làm gì?", "Họ quan tâm tôi, hay chỉ vì tiền bạc và địa vị của tôi?".

Có một ranh giới mong manh giữa chứng hoang tưởng và thói quen nghi ngờ dựa trên trải nghiệm của họ.

Phải thận trọng với người mới và bị lợi dụng bởi những người bạn cũ đã khiến nhiều khách hàng của Cockrell tự cô lập bản thân, hoặc chỉ giao du với những người cùng tầng lớp giàu có.

Chúng ta thường không thấy người giàu có gì cần thương xót, song họ có những nỗi khổ riêng. Thế giới của họ rất phức tạp với đầy rẫy quy tắc và cạm bẫy riêng, nhiều người không thể sống sót trong đó.

Theo Zing