TP.HCM sẽ khoanh vùng ùn tắc giao thông, trước tiên ở khu vực trung tâm, để thu phí nhằm giảm ùn tắc. Loại phí này được cho là khác với phí sử dụng đường bộ mà các loại ô tô đã phải đóng trong nhiều năm qua.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch làm việc với các chuyên gia để hoàn thiện đề án thu phí sử dụng đường bộ ô tô lưu thông vào trung tâm TP.HCM nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông”. Ngày 8-4, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD), thông tin.
Tái khởi động
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông Sở GTVT TP.HCM, cho biết thời gian qua tình trạng ùn ứ ở khu vực trung tâm diễn ra khá thường xuyên. Theo đó, dù không rơi vào cao điểm song qua các dữ liệu từ các thiết bị giám sát hành trình được kết nối về cổng giao thông của TP cho thấy vận tốc của ô tô trên các tuyến đường khu vực trung tâm giảm nhiều. Ngoài ra, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy ô tô nối dài trên các đường Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur…
“Sắp tới, khi thi công nhà ga Bến Thành của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) thì khu vực trung tâm còn có khả năng gia tăng ùn tắc” - ông Đường nhận định.
Trong bối cảnh này, UBND TP đã chấp thuận cho Công ty ITD tiếp tục nghiên cứu dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm. “UBND TP đồng ý cho phép Công ty ITD tự cân đối kinh phí để tiếp tục nghiên cứu, lập đề xuất dự án theo đúng các quy định hiện hành về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Việc đề xuất loại hợp đồng dự án phải phù hợp và giảm tối đa sự tham gia từ ngân sách. Việc thu phí này là một trong nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng” - ông Đường nói thêm.
Cũng theo ông Đường, theo đề nghị của UBND TP, ITD lập và trình đề xuất dự án tối đa trong vòng ba tháng.
Ùn ứ khu vực trung tâm TP.HCM diễn ra thường xuyên. Trong ảnh: Cảnh ùn ứ trên đường Pasteur, quận 1, TP.HCM vào giờ cao điểm. |
Vướng mắc lớn nhất: Pháp lý
Cũng theo Sở GTVT TP, trước đây, từ năm 2009 TP.HCM đã có kế hoạch về việc thực hiện dự án này. Lúc đó ITD được giao nghiên cứu. Sau nhiều buổi hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và các đơn vị liên quan, tháng 7-2011 Sở GTVT đã có tờ trình kết quả nghiên cứu khả thi dự án cho UBND TP.
Tuy nhiên, dự án này bị chìm vào quên lãng trong nhiều năm. Do vậy, khi lập lại đề xuất thì ITD sẽ thực hiện lại công việc từ bước đầu như khảo sát, đo đếm lượng xe, xác định vùng hạn chế… và hiệu chỉnh lại các đề xuất cho phù hợp. Trong lần này, đề án thu phí sẽ xem xét tập trung nhiều vấn đề, trong đó có ba nhóm nội dung chính là công nghệ thu phí (ảnh hưởng trực tiếp đến tổng mức đầu tư, thời gian thu hồi vốn), vấn đề pháp lý (mức thu, hình thức chế tài các xe không đóng phí) và phương thức đầu tư dự án.
“Hiện nay công nghệ thu phí đã thay đổi nên các ô tô chỉ cần gắn một thẻ E-Tag (giá chỉ khoảng 50.000 đồng/thẻ, trong khi công nghệ cũ thì mỗi ô tô phải gắn thiết bị có giá vài triệu đồng/cái - PV) như việc thu phí tự động ở các trạm thu phí giao thông nên khá thuận lợi” - ông Đường nói.
Do vậy, theo ông Đường, về vấn đề kỹ thuật, việc triển khai thu phí sẽ không gặp khó khăn mà vấn đề quan trọng hàng đầu là pháp lý. “Đó là căn cứ thực hiện, mức thu phí, nguồn thu sử dụng cho mục đích gì, thậm chí là hình thức chế tài đối với người không đóng phí để tạo sự công bằng và nghiêm minh… Các vấn đề này sẽ được làm rõ, trong trường hợp thiếu các căn cứ triển khai thì phải xin ý kiến từ trung ương” - ông Đường chia sẻ.
Có chồng phí đường bộ?
Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc ITD, cho biết theo danh mục phí, lệ phí của Luật Phí và lệ phí thì đối với các tuyến đường thuộc trung ương quản lý (như các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc… - PV) Bộ Tài chính sẽ quy định mức thu phí sử dụng đường bộ. Riêng đối với các tuyến đường thuộc địa phương quản lý như các trục đường ở trung tâm TP.HCM hiện nay thì HĐND TP sẽ quyết định mức thu phí sử dụng đường bộ. “Vì vậy, việc khoanh vùng ùn ứ giao thông để tổ chức thu phí sử dụng đường bộ nhằm hạn chế kẹt xe là có căn cứ” - ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, cũng là việc thu phí sử dụng đường bộ nhưng ITD sẽ đề xuất thu theo lượt, khác với việc thu phí sử dụng đường bộ (qua đăng kiểm) thu theo kiểu thuê bao hằng tháng/quý hoặc năm. Việc thu phí theo lượt thực hiện khi có hành vi sử dụng đường bộ sẽ đảm bảo công bằng hơn.
“Chúng tôi cũng sẽ đề xuất khấu trừ phần phí mà các ô tô đã nộp cho quỹ bảo trì đường bộ để tránh việc thu phí chồng phí. Ví dụ, một ô tô con đóng phí sử dụng đường bộ (qua đăng kiểm) là 150.000 đồng/tháng và với mức thu phí vào trung tâm là 30.000 đồng/lượt thì mỗi tháng ô tô đó vào vùng thu phí dưới năm lượt thì sẽ không phải nộp phí. Khi xe đó vào vùng thu phí từ lần thứ sáu trở đi mới phải đóng phí, đóng cho từng lượt” - ông Quân giải thích thêm.
Các khu vực thuộc vùng thu phí Năm 2010, UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ô tô vào khu trung tâm. Hai năm sau, đề án chính thức được trình UBND TP nhưng sau đó bị ngưng. Theo đề án lúc đó, vùng thu phí được bao bọc bởi các tuyến đường bao quanh quận 1, quận 3 và vùng giáp ranh với quận 5, quận 10, gồm đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường Cách Mạng Tháng Tám) và đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trên các tuyến đường này sẽ có 36 cổng thu phí tự động sẽ được xây xung quanh khu vực trên các tuyến đường bao quanh quận 1, quận 3 và vùng giáp ranh với quận 5, quận 10. Tại cổng sẽ lắp các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe. Tổng mức đầu tư của toàn dự án khoảng 1.200 tỉ đồng, trong đó mua sắm thiết bị là hơn 1.000 tỉ đồng. Mức thu phí ô tô vào nội ô có thể được điều chỉnh linh hoạt tùy vào giờ cao điểm hay thấp điểm. Việc thu phí sẽ được thực hiện từ 6 giờ đến 20 giờ hằng ngày, trong vòng hai năm sẽ có thể hoàn vốn đầu tư. Cách thức thu phí Dự kiến ITD sẽ đề xuất lập một vành đai vào vùng thu phí và trên vành đai này sẽ có các biển quang báo điện tử. Các chủ ô tô phải tự trang bị thiết bị nộp phí (khoảng 50.000 đồng/cái). Thiết bị này tương thích với thiết bị thu phí tự động mà Bộ GTVT yêu cầu các ô tô gắn để qua các trạm thu phí không dừng trên các trạm thu phí. “Khi vào trung tâm, hệ thống thu phí sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản chủ xe hoặc trừ vào số tiền mà chủ xe đã nộp trong thiết bị. Nếu các xe không có thiết bị thu phí thì khi đến trạm hệ thống sẽ báo xe không qua được. Hoặc xe có thiết bị mà chủ xe không trả phí thì camera sẽ chụp lại biển số xe và CSGT sẽ căn cứ vào đó để phạt nguội” - ông Quân đề xuất. Về mức thu phí, trước đây ITD đề xuất 30.000 đồng/lượt cho ô tô con và taxi. Đối với xe tải và xe khách, mức phí đề nghị là 50.000 đồng/lượt (không thu phí xe buýt). Theo tính toán, khi áp dụng biện pháp này, lượng ô tô con sẽ giảm 56%-64%, còn xe máy tăng lên 13%. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)