- Với các kịch bản thay đổi cơ cấu giá điện của EVN, người dùng ít điện sẽ phải chịu tổng tiền điện nhiều hơn so với trước đây và ngược lại, người dùng nhiều điện mỗi tháng sẽ được giảm tiền điện so với trước.
Nhiều bậc thang quá phức tạp
Theo đề án cải tiến cơ cấu giá điện, trong 5 kịch bản giá điện bậc thang, EVN đang nghiêng về kịch bản thứ hai có 3 bậc thang hoặc thứ 5 có 4 bậc thang.
Phân tích thiệt hơn ở các kịch bản này, EVN cho biết, ở kịch bản thứ 2, giá điện chia làm 3 bậc, mỗi bậc cách nhau 100kWh.
Trong đó, số hộ sử dụng bậc 1 bình quân 2 năm chiếm 47,59% số hộ dân sử dụng điện, với mức tiêu thụ là 54 kWh/hộ/tháng. Đây là các hộ nghèo, tiết kiệm điện, khả năng chi trả thấp nên việc điều chỉnh giá điện cần được quan tâm xem xét.
Số hộ sử dụng điện ở bậc thứ 2 bình quân 2 năm qua chiếm 43,78%, tiêu thụ trung bình 167 kWh/hộ/tháng. Đây là các hộ sử dụng điện ở mức trung bình và việc chi trả tiền điện hàng tháng không khó khăn.
Số hộ sử dụng trên 300 kWh/tháng, từ bậc 3 trở lên bình quân 2 năm qua chiếm 8,63% số hộ với mức tiêu thụ 550 kWh/hộ/tháng. Đó là số hộ sử dụng nhiều thiết bị điện, có khả năng thanh toán theo nhu cầu sử dụng điện.
EVN tính toán, theo kịch bản 2 này, các hộ nghèo ở bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Hộ dân dùng 50kWh/tháng chỉ bị đội thêm 850 đồng, còn hộ dân dùng 100kWh/tháng thì được lợi thêm 750 đồng.
Các hộ sử dụng từ 107 kWh/tháng đến 233 kWh/tháng bị tăng tiền điện hàng tháng nhưng ngược lại, các hộ sử dụng từ 233,88 kWh/tháng trở lên lại được giảm tiền điện hàng tháng so với hiện hành. Dù vậy, mức tăng cũng khiêm tốn, như hộ dùng 150kWh/tháng chỉ bị tăng 5.300 đồng hay dùng 200kWh/tháng thì bị tăng 11.350 đồng. Còn ngược lại, dùng đến 300kWh/tháng thì sẽ được giảm tới 22.150 đồng.
Với kịch bản 5 có 4 bậc thang, EVN cũng khẳng định các hộ nghèo không bị tác động. Những hộ dùng từ 50kWh -100kWh/tháng thì bị tăng tiền điện nhưng ở mức nhỏ. Trong đó, hộ dùng 100kWh thì chỉ bị tăng 6.850 đồng/hộ.
Đặc biệt các hộ dùng từ 160-230kWh còn được lợi do giảm từ 110 đồng đến 4.750 đồng/tháng. Trong khi đó, các hộ dùng nhiều tới 300kWh cũng chỉ bị tăng 3.550 đồng và dùng đến 400kWh thì lại giảm được 14.250 đồng.
Đáng chú ý, dù theo các kịch bản trên, mức chênh lệch tổng giá trị tiền điện tăng hay giảm đều không đáng kể so với hiên hành và doanh thu bán điện của EVN năm 2015 vẫn đảm bảo đạt 71.919 tỷ đồng.
Lý do là bởi dù tính theo cách nào, EVN vẫn đảm bảo giá điện bình quân sinh hoạt ở mức 1.747 đồng/kWh.
Tuy nhiên, EVN cũng nhìn nhận, phương án giá bậc thang sẽ khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện nhưng ngược lại, các nhược điểm như biểu giá 6 bậc hiện nay vẫn sẽ còn hiện hữu. Công tác ghi chỉ số điện sẽ vẫn phức tạp.
EVN lấy ví dụ, theo biểu giá 6 bậc hiện nay, tháng trước khách hàng sử dụng 250 kWh, tiền điện phải thanh toán là 485.705 đồng nhưng tháng sau khách hàng đó sử dụng 350 kWh thì tiền điện sẽ phải thanh toán là 746.680 đồng. Khách hàng này sử dụng tăng 100 kWh/tháng tương ứng tỷ lệ tăng 40% nhưng tiền điện thanh toán tăng 260.975 đồng, tỷ lệ tăng là 53,7%.
Tương tự như vậy, nếu một hộ tháng trước sử dụng 200 kWh, tháng sau sử dụng 400 kWh thì lượng điện sử dụng tăng 100% nhưng tiền điện thanh toán tăng 144% là do 200 kWh tăng lên có giá ở bậc thang 4 và 5.
Với tình trạng tiền điện sẽ tăng cao hơn cả lượng điện tiêu thụ vào mùa nắng nóng như vậy thì người dân dễ hiểu lầm là ghi điện không chính xác, tạo dư luận xấu.
Đồng giá: Không khuyến khích tiết kiệm điện
EVN cho biết, phương án giá điện một giá sẽ khắc phục được những nhược điểm như trên. Dự kiến, giá điện chỉ còn duy nhất là 1.747 đồng/kWh bằng đúng giá điện bình quân sinh hoạt hiện nay.
Với các kịch bản thay đổi cơ cấu giá điện của EVN, người dùng ít điện sẽ phải chịu tổng tiền điện nhiều hơn so với trước đây và ngược lại. |
EVN cho rằng, cánh tính giá điện như vậy dễ dàng áp dụng, minh bạch rõ ràng, tạo điều kiện cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác ghi chỉ số công tơ.
Khi thực hiện đồng giá, một số nước ghi chỉ số tiêu thụ điện 1 lần theo quý để tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu tư. Việc này cũng chấm dứt tình trạng tách hộ để được hưởng giá bậc thang thấp ở bậc đầu.
Tuy nhiên, khi thực hiện đồng giá, nhóm các hộ dân sử dụng dưới 240 kWh/tháng sẽ bị tăng tiền điện phải trả hàng tháng. Trong đó, tác động cao nhất là hộ sử dụng 100 kWh/tháng, tăng thêm 23.850 đồng/kWh.
Các hộ sử dụng trên 240 kWh/tháng sẽ hưởng lợi vì mức giá điện này thấp hơn nhiều so với đơn giá điện hiện nay cho bậc thang từ 200kW trở lên.
Chẳng hạn như, hộ dùng 300kW/tháng sẽ được lợi 29.550 đồng/tháng, hộ dùng 400kWh/tháng được giảm 105.150 đồng và hộ dùng 500kWh/tháng sẽ giảm được 189.150 đồng.
Tuy nhiên, Tập đoàn này cũng e ngại, dù có nhiều ưu điểm như trên nhưng áp lực tiết kiệm điện ở phương pháp đồng giá không cao bằng phương pháp bậc thang luỹ tiến. Tầng lớp người nghèo, dùng ít điện sẽ bị ảnh hưởng nên phải tính toán kỹ. Hiện nay, tỷ trọng số các hộ dùng điện dưới 250kWh là 76,2%.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng, nếu tính giá điện đồng giá là quay trở lại cơ chế trước đây, rất bình đẳng trong việc sử dụng điện. Sử dụng ít hay nhiều đều phải trả như nhau.
Tuy nhiên, "Giá bậc thang có ý nghĩa là điều tiết tích cực, người giàu trợ giúp người nghèo, khó khăn, vùng nông thôn, vùng xa. Người nghèo dùng ít điện nên họ trả tiền ít hơn. Những hộ dùng quá nhiều điện thì cần hạn chế bằng việc trả tiền cao hơn nhiều để tiết kiệm điện", ông Long nói.
Ông Long cũng đề nghị, nếu giữ biểu giá 6 bậc như hiện nay là hơi nhiều quá, có thể giảm bớt đi 1 bậc thôi còn 5 bậc chứ không nên giảm hẳn còn 3-4 bậc.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, chia sẻ, trong dài hạn, EVN sẽ nghiên cứu cải tiến đồng bộ, toàn diện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt để phù hợp với các bước triển khai thị trường điện bán buôn cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh.
Phạm Huyền