Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa báo cáo Chính phủ về tổng kết thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Phát huy hiệu quả tích cực trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, bộ máy Chính phủ đã có sự điều chỉnh theo hướng tinh gọn, từng bước khắc phục sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả.
Cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ ngày càng được hoàn thiện, phù hợp theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và từng bước thu gọn đầu mối bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Cụ thể, nhiệm kỳ Quốc hội khóa 10, Chính phủ có 48 đầu mối; khóa 11, Chính phủ có 38 đầu mối; từ khóa 12 đến nay, Chính phủ có 30 đầu mối trực thuộc.
Hiện, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định từ khóa 12 với 27 thành viên gồm: Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 30 cơ quan gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị, phục vụ việc xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa 16, nhiệm kỳ 2026-2031.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho hay, trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung, thống nhất thực hiện sắp xếp thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, khắc phục chồng chéo, giao thoa về quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Qua gần 10 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019) những điểm mới của luật đã phát huy hiệu quả tích cực trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ.
Với một Chính phủ năng động, đã có nhiều đổi mới, cả về tổ chức và hình thức, phương thức hoạt động, thể hiện mạnh mẽ tinh thần của một Chính phủ kiến tạo phát triển, góp phần quan trọng đảm bảo, thúc đẩy sự phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết, vẫn còn không ít vấn đề đang đặt ra cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước.
Trong đó, bộ máy Chính phủ dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa thật sự tinh gọn. Mô hình tổ chức Chính phủ gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ được xác định từ nhiệm kỳ 12 vẫn được duy trì ổn định qua 4 nhiệm kỳ đã và đang bộc lộ những điểm bất hợp lý trước yêu cầu phát triển và đổi mới.
Mô hình bộ đa ngành, đa lĩnh vực luôn được khẳng định, nhưng việc xác định lĩnh vực quản lý của các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn chưa thật hợp lý nên khó khắc phục sự chồng chéo và tương tác giữa các lĩnh vực được phân.
Cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành vẫn chưa thật sự gọn nhẹ. Tình trạng lẫn lộn chức năng hoạch định chính sách pháp luật và chức năng thực thi pháp luật trong bộ máy hành chính nhà nước khó khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”…
Thay đổi tư duy “quản lý theo quy trình” sang “quản lý theo kết quả”
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đang đòi hỏi một Chính phủ thật sự kiến tạo phát triển, rõ về nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền, tinh gọn về bộ máy, hiệu quả về hoạt động, năng động, sáng tạo, phản ứng chính sách một cách linh hoạt, kịp thời, chủ động nhằm tạo sức bật mới để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Hiện nay trên thế giới có nhiều học thuyết quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, Việt Nam cần nghiên cứu. Trong đó cần thay đổi tư duy quản lý từ cách tiếp cận “quản lý theo quy trình” sang “quản lý theo kết quả”.
Trong đó, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung vào quản lý vĩ mô như xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; hướng dẫn tổ chức triển khai; thanh tra, kiểm tra, giám sát; trao quyền tự chủ nhiều hơn cho chính quyền địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ.
Trong đó tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về phát huy hiệu quả mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện có lộ trình giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của bộ trưởng với tư cách thành viên phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách...
Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).