Sự thay đổi lớn nhất của các mạng xã hội trong thập niên vừa qua đến vào tháng 3/2010, khi Facebook lặng lẽ cảnh báo các nhà quảng cáo rằng họ sẽ cập nhật ngôn ngữ trên một trong những tính năng nổi bật nhất của Facebook.
Nếu bạn là một thương hiệu, một doanh nghiệp, một nhân vật của công chúng hoặc bất kỳ ai khác điều hành một trang Facebook, bạn sẽ không còn "người hâm mộ". Thay vào đó, nút nhỏ mời mọi người trở thành fan hâm mộ của trang của bạn giờ đây sẽ sử dụng thuật ngữ đơn giản, thú vị hơn: ”like”
Bước đi quan trọng của Facebook
Đối với người dùng Facebook đã quen với việc cập nhật tính năng thường xuyên và chóng mặt, đó thực sự là một sự thay đổi đáng kinh ngạc. “Vậy bây giờ chúng ta gọi người hâm mộ Facebook là gì?” “Liker?” một blogger đặt câu hỏi.
CEO Facebook Mark Zuckerberg trong hội nghị nhà phát triển Facebook vào năm 2011. Ảnh: Getty. |
Nhưng sự thay đổi ngữ nghĩa này không phải là một ví dụ cho phương châm “đi nhanh và phá vỡ mọi thứ” của Facebook . Đó là một chiến lược có chủ ý để làm cho nút like của Facebook - được phát hành chỉ 13 tháng trước đó - trở thành trung tâm của những nỗ lực Facebook để tự điều chỉnh lại web của mình.
Chỉ một tháng sau, Mark Zuckerberg tuyên bố ra mắt một plugin cho phép mọi người có thể thêm nút like vào trang web của họ. Mục đích là gì ư? Để đưa 400 triệu người dùng của Facebook cùng nhau tập trung vào một trải nghiệm trực tuyến, trong đó nút like là chất keo kết dính tất cả lại với nhau.
Ngày nay, lượt thích là trung tâm của Facebook và mọi nền tảng mạng xã hội khác. Nó cho ta biết những gì nổi bật nhất, nơi đáng để tiêu tiền và những vụ "phốt" trên mạng. Nó cũng khuếch đại sự phẫn nộ, nhấn chìm sự bất đồng quan điểm và làm hỏng những cuộc tranh luận lành mạnh.
Ngày nay, lượt thích là trung tâm của Facebook và mọi nền tảng mạng xã hội khác
Biên tập viên Christopher Zara, Fast Company.
Nếu người Nga không nhắm tới những nội dung được "like" nhiều nhất, liệu họ có hack được cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 không? 259 người liệu có bỏ mạng nếu như họ không cố chụp những bức ảnh tự sướng một cách hoàn hảo để được like nhiều nhất?
Có lẽ Facebook đã không đặt bất kỳ một câu hỏi nào nói trên khi họ phát hành plugin cho nút like vào năm 2010. Trước đó, họ vẫn là một công ty trẻ tìm kiếm một mô hình kinh doanh khả thi. Sau cuộc đua xây dựng mạng xã hội đầu những năm 2000 và kết quả là sự cạnh tranh của Facebook, LinkedIn và Twitter, thì những năm 2010 là thời điểm các đế chế kỹ thuật số này kiếm tiền.
Nút like hứa hẹn trở thành hình thức thu hút sự chú ý của những người dùng mạng xã hội. Đối với Facebook, lúc đó vẫn còn chưa IPO, nút like còn là một cách chỉ ra cho nhà đầu tư rằng sứ mệnh xây dựng mạng xã hội của họ có thể chuyển thành một hình thức kiếm tiền với lợi nhuận khổng lồ.
“Những nút like cho phép Facebook theo dõi người dùng bất cứ khi nào họ lên mạng, và gửi những quảng cáo nhắm đến họ khi họ quay lại Facebook lần sau”, giáo sư Tim Wu của Đại học Columbia chỉ ra trong cuốn sách “The Attention Merchant” của mình.
Số lượt thích dần trở thành thước đo cho sự thành công của một trang web, tổ chức hay cá nhân. Ảnh: Getty. |
Ngày nay, ý tưởng về một mạng xã hội không có một số tính năng like dường như là điều không thể. Các mạng xã hội cố gắng đơn giản hóa tối đa hành động này để người dùng không ngần ngại thích hay thả tim. Năm 2011, trước khi được Facebook mua lại, Instagram đã khiến hành động "thả tim" trở nên cực kỳ dễ dàng chỉ bằng cách ấn hai lần vào ảnh trong ứng dụng. Đây có lẽ là bước phát triển quan trọng nhất trong lịch sử để đơn giản hóa sự tương tác trên mạng xã hội. Bạn lướt. Bạn nhấn. Bạn lan tỏa tình yêu. Bạn tiếp tục lướt.
Julian Gutman, trưởng nhóm phát triển sản phẩm tại Instagram, cho rằng thích hay thả tim cũng giống như cách mà bạn vỗ tay cho một nghệ sĩ biểu diễn trong phòng hòa nhạc, hay vẫy tay khi gặp bạn bè
"Một biểu tượng cảm xúc có thể bị hiểu sai, và một bình luận yêu cầu bạn phải chuẩn bị sẵn nhiều điều để nói. Like là một cử chỉ xã hội đơn giản và linh hoạt đã trở nên bền bỉ hơn với thời gian”, Gutman nhận xét.
Nút like đã biến chất như thế nào
Một thập kỷ sau khi nút like được giới thiệu, nhiều chuyên gia cho rằng nó có những ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý. Lượt thích bây giờ là chỉ số đo lường ảnh hưởng xã hội. Nói cách khác, toàn bộ thế hệ người dùng mạng xã hội đã quen đo lường giá trị bản thân của họ bằng số lượt like họ nhận được.
“Việc này sẽ trở nên không lành mạnh. Trẻ em có thể lo lắng về việc bạn bè của chúng có thích một bài đăng hay không, hoặc họ nhìn vào một bài đăng như thế nào. Chúng luôn tìm kiếm những phản hồi tích cực”, chuyên gia Pamela Hurst-Della Pietra, người sáng lập Children and Screens, một tổ chức phi lợi nhuận tìm cách nâng cao nhận thức về tác động của các thiết bị di động đối với việc phát triển trí tuệ nói.
Thứ tồn tại là một hệ thống phức tạp để theo dõi người dùng, ghi lại hành vi của họ, và nhắm đối tượng để quảng cáo.
Georg Petschnigg, chuyên gia công nghệ tại công ty WeTransfer.
Các nhà phê bình thích tin rằng không phải ngẫu nhiên sự gia tăng của phương tiện truyền thông xã hội và smartphone trùng hợp với sự gia tăng đáng lo ngại về tỷ lệ trầm cảm và tự tử của thanh thiếu niên. Trong khi có một số tranh cãi xung quanh việc áp dụng từ “nghiện” cho việc sử dụng điện thoại thông minh, thì không ít người đồng ý rằng việc rút điện thoại ra để kiểm tra bài đăng của mình trên mạng xã hội thực sự sản sinh dopamine, hormone khiến con người thư thái.
“Nút like là một trong những phần nguy hiểm nhất của thiết kế mạng xã hội. Nhìn bề ngoài, nó rất dễ thực hiện, thể hiện rõ bản chất tốt bụng của chúng ta”, Georg Petschnigg, chuyên gia công nghệ tại WeTransfer nhận xét.
Nút like đóng vai trò quan trọng biến Facebook thành một đế chế quảng cáo trong 10 năm qua. Ảnh: Reuters. |
Đó là lý do rất khó để tách bỏ lượt thích khỏi các mạng xã hội. Các công ty như Facebook và Twitter tạo nên đế chế khổng lồ bằng khả năng chạy quảng cáo nhắm mục tiêu chính xác. Họ kiếm tiền bằng cách theo dõi nơi ở, sở thích, thói quen của bạn và sử dụng thông tin đó để bán quảng cáo.
Lượt thích làm nền tảng cho toàn bộ hệ thống, mỗi lượt thích là một đèn hiệu nhỏ giúp các công ty xây dựng hồ sơ có giá trị về bạn. Loại bỏ lượt thích chẳng khác nào tự phá bỏ động cơ kiếm lợi nhuận khổng lồ của các công ty này.
Đã đến lúc tỉnh táo hơn
Năm 2019, các mạng xã hội bắt đầu tìm cách để giảm ảnh hưởng của nút like. Cả Instagram và Facebook đã bắt đầu thử nghiệm các cách để ẩn số lượt thích công khai từ người dùng. Trong trường hợp Instagram, thử nghiệm đã mở rộng cho người dùng trên toàn thế giới.
Trẻ em có thể lo lắng về việc bạn bè của chúng có thích một bài đăng hay không, hoặc họ nhìn vào một bài đăng như thế nào. Chúng luôn tìm kiếm những phản hồi tích cực.
Chuyên gia tâm lý Pamela Hurst-Della Pietra.
“Chúng tôi đang thử nghiệm tính năng này bởi chúng tôi muốn Instagram trở thành nơi mọi người cảm thấy thoải mái khi thể hiện bản thân. Phản hồi từ thử nghiệm ban đầu rất tích cực, đây là một thay đổi cơ bản đối với Instagram và vì vậy chúng tôi đã tiếp tục thử nghiệm và nghiên cứu để tìm hiểu thêm từ cộng đồng toàn cầu của mình”, Gutman, trưởng nhóm sản phẩm của Instagram nói.
Nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey cũng cho biết họ đang thực hiện nhiều nghiên cứu với hy vọng phát triển một "tiêu chuẩn phi tập trung" cho mạng xã hội.
“Các mạng xã hội hiện nay khuyến khích nội dung gây tranh cãi và phẫn nộ, thay vì những nội dung mang tính thông tin lành mạnh”, CEO Twitter nhận xét.
Nút like có thể sẽ "biến hình" thành những dạng mới trong tương lai, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ rất khó vượt qua được những cám dỗ về cảm xúc mà nó đã mang lại. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ thuyết phục các chuyên gia. "Đây không phải những bước đi triệt để dù đã đúng hướng", bà Hurst-Della Pietra nhận xét. Theo vị chuyên gia này, Instagram cần bỏ hẳn tính năng thích.
Tất nhiên, đó sẽ chỉ là một giấc mơ. Gutman cho rằng Instagram “chắc chắn không xem xét việc xóa lượt thích”.
Thật khó để hình dung nút like sẽ biến đổi như thế nào trong thập kỷ tiếp theo, hay thậm chí là sau nữa. Rất có thể chúng sẽ có những hình dạng khác, nhưng rất có khả năng con người sẽ tiếp tục mù quáng chạy theo những ngón tay like trong nhiều năm nữa.