1. Tỉnh nào có 2 di tích được công nhận là di sản thế giới?
- Thừa Thiên – Huế
- Quảng Nam
- Quảng Ngãi
- Khánh Hòa
Tỉnh Quảng Nam có đến hai địa điểm được công nhận là di sản thế giới, bao gồm khu di tích Mỹ Sơn (Thánh địa Mỹ Sơn) và phố cổ Hội An.
Trong đó, khu di tích Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa Thế giới vào ngày 1/12/1999. Phố cổ Hội An hay Đô thị cổ Hội An được công nhận vào ngày 4/12/1999.
2. Khu di tích Mỹ Sơn do đồng bào dân tộc nào xây dựng?
- Người H’Mông
- Người Chăm
- Người Bana
- Người Ê-đê
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng gần 70km.
Thánh địa Mỹ Sơn do đồng bào dân tộc Chăm xây dựng, bao gồm nhiều tòa tháp đặc trưng theo kiến trúc Chăm, quần tụ tại một thung lũng đường kính 2km. Được bao quanh bởi núi đồi, Thánh địa Mỹ Sơn vốn là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm-pa xưa kia.
Ngoài ra, Thánh địa Mỹ Sơn còn là nơi tập trung nhiều đền đài Ấn Độ giáo bậc nhất Đông Nam Á. Các nhà nghiên cứu thường so sánh Thánh địa Mỹ Sơn với các tổ hợp đền đài khác như Angkor Wat (Campuchia), Wat Phou (Lào), Prasat Hin Phimai (Thái Lan).
3. Đô thị cổ Hội An được xây dựng từ thời đại nào?
- Nhà Trần
- Nhà Lê
- Nhà Nguyễn
- Nhà Tây Sơn
Hội An được hình thành vào nửa cuối thế kỷ XVI, dưới thời nhà Lê. Bấy giờ, quyền lực của chúa Trịnh quá lớn. Để tránh việc tranh đấu diễn ra trong triều đình, Nguyễn Hoàng xin vua Lê cho trấn thủ đất Thuận Hóa (từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế ngày nay) và được vua chấp nhận.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng cùng gia quyến và tướng lĩnh di chuyển vào Nam. Ông cho dân khai hoang mở đất, đào đắp thành lũy, ra sức phát triển kinh tế. Cuối cùng, Nguyễn Hoàng xây dựng nên cơ ngơi đồ sộ ở Đàng Trong, cân bằng quyền lực với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Đô thị cổ Hội An cũng được hình thành trong giai đoạn này.
4. Sông Hoài chảy qua phố cổ Hội An là một nhánh của con sông nào?
- Sông Thu Bồn
- Sông Hàn
- Sông Hương
- Sông Tam Kỳ
Trước khi đổ vào biển Đông, hạ lưu sông Thu Bồn chia ra nhiều nhánh. Trong đó, nhánh đi qua phố cổ Hội An có tên là sông Hoài.
Nhờ hệ thống sông ngòi này, người Hội An xưa đã phát triển nền tảng thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới.
Có thời điểm, Hội An trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa nhộn nhịp bậc nhất Đông Nam Á, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho vùng đất Đàng Trong của chúa Nguyễn.
5. Việt Nam hiện có bao nhiêu di sản thế giới?
- 6
- 7
- 8
- 9
Theo Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm: Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên – Huế); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).