1. Tỉnh nào trồng nhiều quế nhất Việt Nam?

  • Lào Cai
  • Bình Định
  • Quảng Nam
  • Yên Bái
Chính xác

Yên Bái là tỉnh trồng nhiều quế nhất Việt Nam với trên 81.000ha quế, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh. Quế ở Yên Bái tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Yên (chiếm 55% diện tích quế toàn tỉnh), Trấn Yên (23%), Văn Chấn (11%)...

Trung bình hàng năm, Yên Bái khai thác khoảng 18.000 tấn vỏ quế; 85.000 tấn cành, lá với sản lượng bình quân 600 tấn/năm và 200.000m3 gỗ quế phục vụ chế biến và xuất khẩu gỗ.

Ngoài Yên Bái, quế còn được trồng tập trung tại tỉnh Lào Cai (hơn 53.000ha), Quảng Nam (khoảng 15.000ha). Ba tỉnh này chiếm khoảng 70% tổng diện tích quế cả nước.

2. Tỉnh này có điểm du lịch nổi tiếng nào?

  • Xín Mần
  • Mèo Vạc
  • Mù Căng Chải
  • Pú Luông
Chính xác

Mù Cang Chải, một huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, là điểm thu hút khách du lịch với những ruộng bậc thang diện tích khoảng 2.300ha. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, H’Mông.

Năm 2019, danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Báo chí Mỹ từng ca ngợi ruộng bậc thang Mù Cang Chải “có vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất thế giới”.

Mù Cang Chải đẹp nhất trong năm vào hai dịp, khi những thửa ruộng vào mùa đổ nước (tháng 5-6) và mùa lúa chín (tháng 9-10). Bản Lìm Mông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình cũng là những điểm đến không thể thiếu trong chuyến du lịch thưởng ngoạn ruộng bậc thang ở Yên Bái.

3. Đèo nào ở Yên Bái nổi tiếng hiểm trở, được xếp vào “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam?

  • Đèo Pha Đin
  • Đèo Khau Phạ
  • Đèo Mã Pì Lèng
  • Đèo Ô Quy Hồ
Chính xác

Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co, hiểm trở, được xếp vào “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Đỉnh đèo có độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển và chiều dài của đèo hơn 30km, nằm ở khu vực giáp giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của Yên Bái.

Khau Phạ trong tiếng Thái có nghĩa là “sừng trời”, bởi đèo thường mịt mù sương phủ và đỉnh núi như một chiếc sừng hiên ngang, nhô cao vươn thẳng tới bầu trời. Còn người H'Mông gọi con đèo này là Đở Chua - nghĩa là đỉnh núi có nhiều gió.

4. Con sông nào không chảy qua tỉnh Yên Bái?

  • Sông Thao
  • Sông Chảy
  • Sông Lô
  • Sông Hồng
Chính xác

Yên Bái có 3 hệ thống sông suối lớn là sông Hồng, sông Chảy và suối Nậm Kim. Trong đó, đoạn chảy qua tỉnh Yên Bái của sông Hồng dài 100km, của sông Chảy là 95km.

Sông Thao là một đoạn của sông Hồng chảy từ Yên Bái về Việt Trì, Phú Thọ, trong đó sông Thao chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái với chiều dài 100km, bắt đầu từ Lang Thíp (Văn Yên) đến Văn Tiến (Trấn Yên).

Sông Lô không chảy qua Yên Bái. Con sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, vào địa phận Việt Nam ở tỉnh Hà Giang. Sông sau đó qua tỉnh Tuyên Quang rồi hợp lưu với sông Hồng ở ngã ba Hạc (Việt Trì, Phú Thọ).

5. Yên Bái nổi tiếng với vùng chè nào?

  • Chè Sìn Hồ
  • Chè Lục Yên
  • Chè Suối Giàng
  • Chè Cao Sơn
Chính xác

Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, Yên Bái nằm trên độ cao gần 1.400m. Đây là vùng đất nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Trong đó, 400 cây chè Shan Tuyết cổ thụ đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Đặc biệt là cây chè trên 300 năm tuổi, được xếp vào 1 trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới.

Cây chè Suối Giàng có lá to, dày và có màu xanh đậm, sẫm, búp chè to mập mạp, trên mặt lá có phủ một lớp lông tơ mỏng. Một năm chè Shan Tuyết được thu hoạch thành 3 vụ, trong đó vụ cuối thường vào tháng 8-9 Âm lịch.