Đó là những thùng bia được đem trả lại. Những khoản tiền thơm thảo giúp đỡ anh tài xế nghèo được gửi đến anh. Những sáng kiến như kêu gọi đặt thùng quyên góp, mở tài khoản ngân hàng cho anh Hậu

Sau vụ hôi bia ở Đồng Nai hôm 4/12 làm công luận dậy sóng, mới đây, công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” để điều tra hành vi của hàng chục người liên quan đến vụ việc cướp trên 1000 thùng bia, gây thiệt hại tới 300 triệu đồng.


 Lương tri đã thức tỉnh

Ủng hộ cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ người bị nạn, đồng thời răn đe những hành vi sai trái của một bộ phận dân chúng song vẫn có nhiều ý kiến trái xung quanh cách ứng xử với vụ việc.

Nhiều độc giả cho rằng: “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại bao giờ” – nên chăng tìm những cách giải quyết nhân văn hơn….” hay “Sao không làm trước việc khơi gợi lòng tự trọng của những người đã lỡ tham gia "cướp bia" hôm ấy ý thức việc mình làm là sai trái bằng cách tự giác mang đến một cơ quan nào đó được lập ra để giao nộp lại số bia đã cướp (nếu còn) hoặc trả số tiền tương đương (nếu đã sử dụng).

{keywords} 
Vụ hôi bia kinh hoàng

 

Việc làm này có thể đánh thức lương tri của một số người đã lỡ tham gia và biết đâu khi gặp lại trường hợp như thế sẽ có chuyện người dân đứng ra nhặt phụ và bảo vệ tài sản cho người bị nạn”…

Quả thực, vụ “hôi bia” và những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận đã dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức con người trong xã hội. Hồi chuông ấy ít nhiều đã có những tác dụng.

Ngay sau khi báo chí, truyền thông và cộng đồng mạng lên tiếng về vụ việc, một làn sóng phẫn nộ đã được dấy lên. Người dân Đồng Nai nói chung và người dân cả nước nói riêng đã cùng lên tiếng.

{keywords}

Hình ảnh tấm băng rôn với dòng chữ: "Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã "cướp vài lon bia" ở đây trưa ngày 4/12" được treo đúng nơi xảy ra tai nạn đã nói hộ tâm tư, suy nghĩ bất bình của rất nhiều người dân. Một lời xin lỗi kịp thời, nhanh chóng lan truyền rộng rãi.

 

Người ta bày tỏ sự xấu hổ, tức giận về hành động tàn nhẫn “hôi của” người bị nạn. Người ta tìm đến người tài xế bất hạnh Hồ Kim Hậu để chia sẻ về những vất vả trong cuộc sống của anh. Rất nhiều ý kiến lập tức được đưa ra để giúp san sẻ với hoàn cảnh khốn khó của anh Hậu.  Những lời xin lỗi được đưa ra, bằng cách này hay cách khác. Trên những trang mạng xã hội, qua những bài báo, hay bằng hành động trực tiếp: Treo băng rôn gửi lời xin lỗi.

Suốt nhiều ngày qua dư luận vẫn “nóng” xoay quanh vụ hôi bia, khi mà nhắc đến nó, người ta biết rùng mình lo sợ trước thái độ sống vô cảm, trước cái xấu, cái ác điềm nhiên xung quanh mình. Nhưng cũng suốt nhiều ngày qua, người ta bắt đầu an lòng khi hồi chuông cảnh tỉnh, lời xin lỗi bắt đầu có tác dụng.

Đó là những thùng bia được đem trả lại. Những khoản tiền thơm thảo giúp đỡ anh tài xế nghèo được gửi đến anh. Những sáng kiến giúp khắc phục vụ việc như kêu gọi đặt thùng quyên góp, mở tài khoản ngân hàng cho anh Hậu, kêu gọi chính quyền và người dân cùng chung tay giúp đỡ anh tài xế … Những sáng kiến do chính người dân lên tiếng mang theo những nguyện vọng xa hơn việc đơn thuần là quyên đủ số tiền bia mà anh tài xế phải bồi thường hay hỗ trợ gia đình nghèo của anh qua cơn túng quẫn.

Đó là nguyện vọng để những người trót làm sai, trót xông vào hôi của được có cơ hội sửa lỗi, được “vớt vát lại phần nào danh dự” vì “có thể lúc hôi bia người ta không lường hết hậu quả mà tài xế phải gánh”. Đó là nguyện vọng những hành động đẹp sẽ trở thành tấm gương để người dân cải thiện thay đổi suy nghĩ, khơi gợi lòng tự trọng của con người, tạo nền tảng đạo đức cho thế hệ tương lai. Đó là nguyện vọng những việc làm tốt sẽ đánh thức lương tri, đánh thức xã hội đang bị bôi đen vì những cái xấu, cái ác ngày càng mặc nhiên xuất hiện.

Không biết có phải vì dư luận lên án kịp thời, vì những nghĩa cử đến kịp thời, vì những nguyện vọng nhân văn tốt lành cùng được sẻ chia, lan truyền, tiếp nối, mà chỉ vài ngày sau vụ “hôi” bia kinh hoàng ấy, đã có những “tin vui”: Cũng ở Đồng Nai hôm 7/12, hai ngày sau vụ tai nạn xe bia đã xảy ra vụ tai nạn xe mít. Điều đáng nói, dù xe bị lật, mịt đổ đầy đường, nhưng lần này, không một người dân nào nhảy vào hôi của. Trái lại, họ cùng chạy đến giúp thu gom mít chất thành đống cho tài xế.

Và hôm 9/12 ở Cẩm Phả, Quảng Ninh, trong một vụ tai nạn nghiêm trọng làm chiếc ô tổ chở hàng nghìn thùng sữa bị rơi vãi ra đường, cũng không một hành vi hôi của nào xảy ra.

Gửi bình luận trên trang PLXH, độc giả Duy Thái bày tỏ: “Rất mừng là việc cả xã hội lên án vụ cướp bia ở Đồng nai đã bắt đầu có tác dụng”. Phải thế chăng, cả xã hội cùng đồng lòng lên tiếng thực sự có tác dụng? Phải thế chăng, hành xử sao cho giúp người ta hiểu ra cái sai, được sửa sai và để những điều tốt lành được nhân rộng cũng cần thiết và hiệu quả không thua kém, thậm chí còn hơn việc thực thi pháp luật?

Minh Tâm