Thừa quyết tâm nhưng…
Sáng Chủ nhật hàng tuần, người dân Thủ đô lại bắt gặp các tốp sinh viên tình nguyện nhặt rác, làm sạch môi trường sống ở nhiều tuyến phố, khu dân cư của Thủ đô. Không những nhặt rác, các đội nhóm tình nguyện còn tham gia nạo vét kênh mương, nạo vét bùn, phế thải xây dựng ở những điểm nóng về môi trường tại Hà Nội. Trước bối cảnh một bộ phận không nhỏ giới trẻ chưa thật sự hiểu về “tình nguyện”, còn thờ ơ, vô cảm trước các vấn đề xã hội thì việc các đội nhóm tình nguyện chung tay bảo vệ môi trường đang nhận được nhiều thiện cảm của cộng đồng.
Là người nhiều năm trực tiếp tham gia công việc dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường của Thủ đô, Đỗ Tiến Huy thành viên của nhóm “Người Việt Nam không vứt rác bừa bãi” chia sẻ: “Tình nguyện” không chỉ dừng lại ở sự tự nguyện, tự giác mà nó còn thể hiện trách nhiệm xã hội của giới trẻ bằng việc cống hiến thời gian, công sức, tâm huyết, kỹ năng và hiểu biết của mình đem lại lợi ích chung cho mọi người, cho cả cộng đồng và toàn xã hội. Nhặt rác cũng chỉ là một trong rất nhiều hoạt động thiện nguyện giới trẻ cần, nên tham gia vì cộng đồng mà thôi.
Tuy nhiên, đúng như sự nghi ngại của nhiều người ngay một số thành viên khi tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng có sự hồ nghi về vai trò và hiệu quả của chính những việc mình đang làm. Theo Tiến Huy, nhiều thành viên của nhóm và phụ huynh các bạn ấy có nhiều người cho rằng, các hoạt động thiện nguyện chả khác nào “lao động công ích”. Thậm chí, có phụ huynh và những người dân khi thấy việc làm của sinh viên thì cho rằng hoạt động tình nguyện là việc làm dư thừa, mất thời gian, ảnh hưởng học tập, việc làm của những người rảnh rỗi, “ăn cơm nhà lo việc thiên hạ”, “cha chung không phải khóc”.
“Nhiều bạn sinh viên thừa sự nhiệt tình và thời gian để tham gia các hoạt động thiện nguyện. Bên cạnh đa phần tham gia với tinh thần “cho đi không mong nhận lại” thì cũng có một số bạn “đong đếm”, tính toán (những hoạt động nào có cộng điểm, bồi dưỡng có nhà tài trợ thì tham gia đông hơn hẳn và ngược lại), cho rằng bỏ công sức ra thì phải được trả công, phải có thù lao cho những việc đã làm; thậm chí đi tình nguyện chỉ để “lấy le” chụp hình đăng Facebook, lấy “điểm cộng” cho tiến trình xin vào đảng hay chỉ mong muốn có được những chuyến “du lịch giá rẻ miễn phí” mà quên đi ý nghĩa thực sự của việc mình làm”, Tiến Huy thẳng thắn.
Cũng theo Tiến Huy: “Hạnh phúc chỉ đơn giãn là giúp được người và mình được thoải mái. Thiện nguyện nói chung, nhặt rác hay vệ sinh môi trường nói riêng cũng vậy, nếu thoải mái thì làm còn không thì dừng lại, phải thấy được niềm vui ở chính công việc mình làm thì mới nghĩ tới được những chuyện xa xôi”.
Phải lôi cuốn để cả cộng đồng cùng vào cuộc
Đánh giá rất cao suy nghĩ tích cực và tiến bộ của Tiến Huy, chuyên gia môi trường Ngô Văn Khởi phân tích: Giới trẻ khi làm tình nguyện cũng cần “chuyên nghiệp” hơn như: Trang phục gọn gàng, phù hợp với từng công việc tham gia tránh gây phản cảm cho người nhìn, vì nếu đi tình nguyện mà trưng diện không đúng nơi, đúng chỗ, không thích hợp thì khác gì “làm màu”.
Về thái độ, lời nói, hành động khi tình nguyện cũng phải “chuẩn mực”, bởi tự nguyện không ai ép buộc nên khi tham gia phải hết mình, vui vẻ, hứng khởi. Không phát ngôn bừa bãi và phải hết sức chú ý khi tiếp xúc, giao tiếp với người dân. Đặc biệt, từ việc làm của mình phải lôi cuốn được người dân tham gia cùng, có như vậy hoạt động mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
“Ví dụ, hoạt động dọn rác ở các sân chơi khu chung cư, nếu có người dân tham gia họ sẽ có ý thức nhắc nhở người xung quanh không xả rác bừa bãi. Họ sẽ là những người giám sát vệ sinh và thậm chí tự tổ chức được các đội tình nguyện dọn dẹp vệ sinh nơi mình sống thay vì phải nhờ cậy các thanh niên tình nguyện từ nơi khác đến. Làm được như vậy thì sự lan tỏa những việc làm có ý nghĩa nói chung, dọn dẹp vệ sinh môi trường nói riêng sẽ trở thành phong trào tốt đẹp của toàn xã hội, là nền tảng cho tương lai…”, ông Khởi nói.