Theo diễn biến vụ việc, khoảng 1h sáng ngày 12/5, tại khu vực bờ kè đường Phạm Văn Đồng (phường Bình Hưng, TP Phan Thiết), một người đàn ông điều khiển ô tô màu trắng hiệu Mercedes chạy nhiều vòng truy đuổi một số người trước quán nhậu Thuận Phát. Ô tô tông thẳng vào anh Hà Xuân H. (43 tuổi, trú TP Phan Thiết), khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. 

Sau khi gây ra vụ việc, người đàn ông điều khiển ô tô rời khỏi hiện trường.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: PLO

Một số người dân chứng kiến vụ việc cho hay, ô tô và xe máy (do anh Hà Xuân H. điều khiển) xảy ra va chạm. Hai tài xế xảy ra mâu thuẫn. 

Lúc này, tài xế ô tô đã tông vào xe máy của nhóm anh H. và lái xe lao lên lề, xoay vòng để truy đuổi rồi xảy ra việc cán chết anh H.

Sáng cùng ngày, tài xế xe ô tô đã tới cơ quan công an trình diện. Qua khai thác thông tin,  người này khai tên Phạm Văn Nam (43 tuổi, quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Trước vụ việc xảy ra, nhiều người cho rằng, tài xế Nam gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. 

Xung quanh câu hỏi, tinh thần của tài xế Nam có bị kích động hay không, P.V VietNamNet đã trao đổi với luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) về tình tiết pháp lý này.

Tài xế Phạm Văn Nam 

Theo luật sư Dũng phân tích, tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi. 

Tình trạng này được đề cập tới tại Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Theo đó, “Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người.

Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh”.

“Qua các diễn tiến mà video ghi lại, tôi cho rằng không thoả mãn tạo nên tình trạng tinh thần bị kích động mạnh cho tài xế Nam. Bởi không có các yếu tố như vô cớ xâm hại, có hành vi đê hèn, thái độ hống hách, coi thường người phạm tội… đồng thời việc vi phạm pháp luật của phía bị hại không thuộc trường hợp hành vi trái pháp luật nghiêm trọng.

Vì vậy, tôi cho rằng người tài xế trong clip có hành vi giết người chứ không thoã mãn trở thành hành vi giết người trong trạng tinh thần bị kích động mạnh. Đối với tình tiết phía bị hại ném chai, ghế vào xe được xem xét ở gốc độ lỗi một phần của bị hại để cân nhắc khi toà án lượng mức hình phạt”, luật sư Trần Đình Dũng nêu quan điểm. 

Thanh Phương