Giá như ai cũng "nhận thức" được như Nôbitô, cháu ba đời của Nôbita, biết "lo xa", biết tìm về quá khứ... để mà cải thiện, để đừng có "mắc nợ" dài lâu, để mà thịnh vượng!

Họa sĩ, nhà văn Fujiko Fujio với bộ truyện tranh để đời Đôrêmon làm say mê bao nhiêu trẻ em nhiều nước trên thế giới, trong đó tất nhiên là có trẻ em Việt Nam.

Nhân vật chính trong bộ truyện tranh hấp dẫn này là cậu học trò lớp 04 tên là Nôbita vô cùng hậu đậu, cậu bé luôn thất bại trong mọi công việc trong hiện tại. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến sau này tiếp tục thất bại trong công việc, trong cuộc sống, đẩy vợ con gia đình và cháu chắt vào cảnh nợ nần, túng thiếu, bần cùng.

Cũng vì thấy trước được điều này, cháu ba đời của Nôbita là Nôbitô quyết định gửi chú mèo máy Đôrêmon về quá khứ để giúp đỡ ông mình tiến bộ, hóa giải, cải thiện hoàn cảnh hiện tại, nhằm hướng đến những điều tốt đẹp hơn, hoàn mỹ hơn trong tương lai.

{keywords}
Những nhân vật này đã trở nên quen thuộc với trẻ em VN

Như bao trẻ thơ khác, Nôbita rất nhân hậu, ham chơi và có nhiều khát khao, mơ ước. Cậu ấy muốn trở thành người có ích, muốn trở thành siêu nhân. Nhưng nghịch lý thay, cậu ấy lại mang trong mình những "khuyết điểm" vô cùng lớn đó là lười biếng, học dốt và chơi thể thao thật tệ. So với các bạn cùng trường, cùng lớp thì cậu ấy là cá biệt.

Điều cá biệt của cậu bé Nôbita là sự "bất thường" trong tinh thần Nhật Bản. Một đất nước làm nên được những điều thần kỳ trong kinh tế, công nghệ và thể thao nhờ tinh thần tự lực tự cường, thận trọng, đoàn kết, kỷ luật, cần cù, tỉ mỉ. Nền văn hóa Nhật Bản được thế giới tôn trọng, và tính "bất thường" hợp lý trong bộ truyện tranh Đôrêmon làm nên biểu tượng văn hóa của đất nước này.

Khả năng thực tế là không thể, thế nhưng, khi Nôbita muốn "đi tắt đón đầu", muốn đạt được "thành tích cao", cậu bé thường "bám víu" vào các "bảo bối" của Đôrêmon lấy ra từ chiếc túi kỳ diệu ở trước bụng chú mèo máy mập ú dễ thương ấy. Và lợi bất cập hại cũng từ đó mà ra, khi sử dụng những sự trợ giúp không đúng cách, quá trớn quá đà, nó trở thành con dao hai lưỡi, phản tác dụng.

Trẻ em thế giới yêu thích truyện Đô rê mon vì những suy nghĩ và hành động dễ thương sinh động của các nhân vật trong câu chuyện. Bao thế hệ trẻ em Việt Nam gần đây cũng mê mẩn bộ sách ấy và đặt nó vào một vị trí trang trọng trong tủ sách của gia đình. Giá trị của "Đô rê mon" có lẽ còn mãi "tính thời sự" trong những thế hệ tiếp sau...

Trẻ em Việt Nam cũng yêu thích thể thao như trẻ em Nhật Bản, và có lẽ yêu thích nhất là bóng đá. Quay về lịch sử hơn nửa thế kỷ, người Nhật đã lưu niệm cho "cường quốc bóng đá" Việt Nam một chiếc giày cỏn con với ngụ ý về nền bóng đá xứ Phù Tang còn khiêm tốn, nhỏ bé lắm. Thế nhưng hiện tại đã khác hoàn toàn.

Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng thì Nhật Bản là cường quốc của châu lục và thế giới, còn Việt Nam vẫn loanh quanh trong chiếc "ao làng" Đông Nam Á mà không có cách nào thoát ra được. Nguyên nhân tại sao Việt Nam vẫn "dậm chân tại chỗ" như vậy thì rất nhiều... Và kinh tế Việt Nam vẫn còn nghèo lắm!

Những khuyết điểm "cá biệt" của Nôbita thì Việt Nam cũng có, không những ở trẻ em mà còn có cả người lớn. Và khi muốn "đi tắt đón đầu", khi muốn đạt được "thành tích cao" họ cũng trông cậy vào nhiều "bảo bối", trong đó có "bảo bối" là xin đăng cai tổ chức đại hội thể thao các cấp, cấp khu vực, cấp châu lục... Và công nhận, sau những lần đăng cai ấy, bản "thành tích" của đơn vị đăng cai được "cải thiện" đáng kể.

Những trẻ em Việt Nam ngồi xem truyền hình vỗ tay reo hò, vui mừng, phấn khởi vì những màn pháo hoa, ca múa, rước cờ của một biển người đầy màu sắc, đầy ánh đèn sân vận động trong những lần trực tiếp lễ khai mạc đại hội. Thế nhưng, chắc gì các em đã biết...

Câu chuyện của Nôbita và các bạn là chuyện của "những đứa trẻ" với nhau. Sự "bám víu" vào "bảo bối" của chú mèo máy Đôrêmon đến từ tương lai cuối cùng chỉ đọng lại những lời khuyên răn bổ ích cho "bọn trẻ". Đó chính là sự chừng mực, cố gắng tự lực tự cường từ chính bản thân mình, thận trọng tính toán kỹ lượng trước mọi hành động suy nghĩ, biết trân quý thiên nhiên, con người và nhân loại.

Giá như "những đứa trẻ" Việt Nam "nhận thức" được như Nôbitô, cháu ba đời của Nôbita, biết "lo xa", biết tìm về quá khứ... để mà cải thiện, để đừng có "mắc nợ" dài lâu, để mà thịnh vượng!

Minh Phước

Bài cùng tác giả:

Đừng để VN mang tiếng "quốc gia nhiều tiến sĩ"

Đừng để VN “mang tiếng” là một quốc gia nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại quá hiếm những công trình, sáng kiến tầm cỡ, chỉ giỏi “kiếm quyền, kiếm tiền”.

Sớm hay muộn, lá bài nào cũng phải lật ngửa!

Trong thời buổi CNTT phát triển như vũ bão hiện nay, trước sau gì "cặp đôi hoàn hảo" truyền thông và bạn đọc sẽ "lật ngửa" tất cả các con bài.

Đã làm quan thì phải... thật giàu

Bức xúc làm gì chứ, đã làm quan thì phải thật giàu... Quan mà nghèo thì còn tâm trí đâu mà lo việc dân việc nước.