Phát biểu kết luận hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật - Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” diễn ra ngày 30/11, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiều định hướng quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lấy dân làm gốc

Theo Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một hệ thống các quan điểm sâu sắc, toàn diện và tiến bộ về nhà nước, pháp luật, làm nền tảng, kim chỉ nam cho thực tiễn vận dụng ở Việt Nam. Một trong những điểm xuất phát trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật chính là tư tưởng lấy dân làm gốc.

{keywords}
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Ảnh: TTXVN

Về bộ máy Nhà nước, với lòng yêu nước thương dân vô hạn cùng trí tuệ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thiết kế mô hình tổ chức bộ máy nhà nước rất đặc sắc thể hiện trong nội dung các bản Hiến pháp và các sắc lệnh, đạo luật lúc Người còn sinh thời.

Về vấn đề pháp luật và thực hiện pháp luật, với tinh thần thượng tôn pháp luật, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi nghiêm minh pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sau hội thảo này sớm công bố các kết quả nghiên cứu của Hội thảo để các tầng lớp cán bộ, nhân dân được tiếp cận một cách đầy đủ.

Đồng thời, xây dựng báo cáo kết quả Hội thảo gửi các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật, tham gia hoàn thiện dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại hội XIII của Đảng.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chủ động nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ, hoàn thiện theo đúng tư tưởng và ý nguyện của Người.

Phát biểu khai mạc hội thảo trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nhận thấy đó là tư tưởng về Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với “thần linh pháp quyền” trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và các đạo luật.

Đó là tư tưởng về xây dựng hệ thống pháp luật chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa, vì nhân dân lao động và vì con người, được thực thi nghiêm minh. Đó là tư tưởng về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức trong cầm quyền.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN cùng hệ thống pháp luật phát triển toàn diện, dựa trên nền tảng Hiến pháp và các đạo luật.

Bối cảnh ngày nay, đòi hỏi công tác xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng cần có những bước phát triển vững chắc hơn.

Bối cảnh đó đã và đang đặt ra những nhu cầu cấp thiết tiếp tục nghiên cứu, nhận diện sâu sắc hơn nữa di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước về pháp luật cũng như đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn vận dụng tư tưởng của Người.

Kiểm soát quyền lực nhà nước là một bộ phận quan trọng

GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cũng nêu lên 5 đặc trưng của nhà nước và pháp luật Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân, có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản với tư cách là Đảng cầm quyền duy nhất.

Hai là, nhà nước và pháp luật Việt Nam là hình thức tổ chức và điều kiện đảm bảo cho nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

{keywords}
Các lãnh đạo và các đại biểu dự hội thảo

Ba là, thực thi vai trò sứ mệnh quản lý, nhà nước phải thực hiện trách nhiệm quản lý toàn diện ứng với nội dung toàn diện của dân chủ và dân chủ hóa ở nước ta. Trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bốn là, nhà nước pháp quyền dân chủ trong lô gích tư tưởng và tổ chức hoạt động của nó trước hết phải là nhà nước của dân.

Năm là, nếu dân chủ là linh hồn của nhà nước, pháp luật tạo sinh khí của nhà nước thì công chức là người thể hiện, thi hành công vụ nhà nước mà mệnh lệnh tối cao là của dân, do dân kiểm soát.

Đội ngũ công chức trong các tổ chức, cơ quan công quyền phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy mẫn cán với công việc, chức phận để làm tròn trách nhiệm, phục vụ dân.

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, trong kho tàng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước, tư tưởng về kiểm soát quyền lực nhà nước là một bộ phận quan trọng, tiêu biểu và đặc sắc nhất.

Kinh nghiệm xây dựng Nhà nước kiểu mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo cùng thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hơn 30 năm qua chỉ ra rằng, phải không ngừng chăm lo xây dựng một chính quyền thuộc về nhân dân và nhân dân cũng như nhà nước kiểm soát được quyền lực nhà nước của mình.

Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước. Trong đó, sớm xây dựng một đạo luật về tổ chức, hoạt động giám sát, phản biện Nhà nước của nhân dân; phát huy mạnh mẽ vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước; quy định trách nhiệm giải trình của các quan chức đứng đầu tổ chức Đảng, đứng đầu Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, chính quyền cấp xã, phường...

Thu Hằng 

Thủ tướng: Tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong xây dựng pháp luật

Thủ tướng: Tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong xây dựng pháp luật

 Nhấn mạnh đến tinh thần thượng tôn pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở: "“Ít ông bộ trưởng nào đến thăm vụ pháp chế của bộ, ít vụ trưởng pháp chế  lên được thứ trưởng”.