Hội tụ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương
Nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Bắc, Phú Thọ có vị trí địa lý mang ý nghĩa là trung tâm tiểu vùng Tây – Đông – Bắc; cách trung tâm Hà Nội khoảng 80 km về phía Bắc, cách sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 60 km.
Với vị trí “ngã ba sông” – điểm giao nhau của sông Hồng, sông Đà và sông Lô, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Trung Quốc.
Nằm trong vành đai của các tuyến trục giao thông quan trọng: đường bộ có Quốc lộ 2, Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, đường sắt có tuyến đường xuyên Á, đường sông chạy từ Trung Quốc qua các tỉnh phía Tây vùng Đông Bắc đều quy tụ về Phú Thọ rồi mới tỏa đi Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực khác.
Với vị trí địa lý này, Phú Thọ hội tụ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 20212025; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các quy hoạch vùng huyện Tam Nông, Thanh Ba. Kết cấu hạ tầng trọng điểm tiếp tục được quan tâm đầu tư, 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm được triển khai nhanh, vượt tiến độ, trong đó có 7/20 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành; dần hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ liên vùng, kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ.
Việc đầu tư các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp được triển khai nhanh; hoàn thành giải phóng mặt bằng 78 ha đất khu công nghiệp, trong đó, hoàn thành 50ha khu công nghiệp Phú Hà (giai đoạn 1), 28 ha khu công nghiệp Cẩm Khê; hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp Vạn Xuân, Bắc Lâm Thao, thị trấn Sông Thao… với tổng diện tích 265 ha.
Chương trình OCOP góp phần tích cực phát triển các sản phẩm đặc sản
Từ đầu năm đến nay có 920 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký đạt 19,2 nghìn tỷ đồng. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả quan trọng, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ ba sao trở lên (tăng thêm 110 sản phẩm, trong đó một sản phẩm đạt năm sao, vượt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025); các sản phẩm sau khi được công nhận đã cải thiện về chất lượng, mẫu mã, nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường, hình thành nhiều chuỗi sản phẩm có sản lượng lớn, giá trị cao như chè đinh cao cấp Hoài Trung, thịt chua Thanh Sơn, mì gạo Hùng Lô, gà cựa Tân Sơn...
Chương trình OCOP tại tỉnh Phú Thọ đã góp phần tích cực phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống của tỉnh, từng bước thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất, liên kết cộng đồng, phát triển và xây dựng sản phẩm của các chủ thể.
Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia đánh giá bước đầu đã được các chủ thể đầu tư vùng nguyên liệu, một số tiến hành chứng nhận sản xuất an toàn, có liên kết sản xuất, đầu tư bao bì, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc, công bố tiêu chuẩn chất lượng, từng bước quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua phân tích mẫu kiểm nghiệm định kỳ.