- Đến xã Cổ Loa hỏi gia đình ông Thinh gần 10 năm chăm vợ nằm liệt giường thì hầu hết ai cũng biết: “Ông Thinh thì ai cũng biết, cháu cứ đi lối này, đến gần am thờ Mị Châu hỏi tiếp, nhà ông ấy gần đó lắm”- bác bán nước ven đường cho biết.

Tin bài khác:

Ông là Đào Duy Thinh (sinh năm 1936), là bộ đội nay đã nghỉ hưu gần 30 năm, ở thôn Chợ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Mời khách cốc nước chè xanh, ông bắt đầu kể về câu chuyện tình của mình với người vợ ông luôn hết mực yêu thương và quý trọng.

Lấy vợ mà không biết nhà vợ

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Gái (sinh năm 1938). Ông Thinh cười xòa đầy hóm hỉnh: “Bà kém tôi 2 tuổi nhưng đúng ra thì tôi kém bà 2 tuổi mới đúng”. Bà là người con gái đầu tiên bước vào cuộc đời ông. Thường nói tình đầu thường đẹp và tình yêu của ông bà cũng vậy, bà là mối tình đầu tiên, cũng là người vợ duy nhất của ông: “Khi lấy bà ấy tôi cũng chẳng biết nhà bà ở đâu mặc dù cùng làng với nhau, chúng tôi đến với nhau cũng bởi cha mẹ mai mối. Bà ấy chịu đồng ý lấy tôi và thế là chúng tôi thành vợ, thành chồng của nhau đến tận bây giờ”- ông Thinh bồi hồi nhớ lại.

Cưới nhau chưa đầy 3 tháng ông lên đường đi nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, để lại vợ trẻ nơi quê nhà ngày đêm mong ngóng chờ chồng. Nhưng chính điều đó đã làm nên chất keo dính kết tình yêu bền đẹp giữa hai ông bà: “Thương nhớ vợ nơi quê nhà, chúng tôi thường gửi cho nhau những dòng thư tha thiết, chia sẻ nỗi khó khăn trong cuộc sống cả những lời tình tứ, những câu thơ mang nỗi nhớ thương da diết”- ông Thinh cười chia sẻ.

Vợ chồng ông Thinh ở Cổ Loa
Ngày thứ 7 và chủ nhật được nghỉ ông đều tranh thủ về thăm vợ mà không quản ngại đường xa, vất vả: “Sức lính trẻ tôi thường đạp xe hơn 60 km về thăm vợ, sau xe còn đèo bao gạo về đỡ đần vợ con. Khổ nhất là lúc ngược gió, chỉ còn cách khóc cho xong, nhưng nghĩ sắp được về nhà gặp vợ thì lại quyết tâm không nản bước. Được ở nhà tối thứ 7 và sáng chủ nhật, đến trưa là phải mau mau lên đường cho kịp trở về đơn vị”- ông Thinh tự hào kể lại. Cũng bởi tháng ngày gian khổ ấy mà nay đã bồi đắp lên một tình yêu bền chặt giữa hai ông bà.

“Con chăm cha không bằng bà chăm ông”

Hết nghĩa vụ chưa lâu, năm 2002 bà Gái mắc căn bệnh tai biến mạch máu não, từ đó đến nay bà vĩnh viễn không thể đi lại, căn bệnh đã làm bà bị liệt nửa người bên phải. Mọi sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt, vệ sinh đều do một tay ông Thinh đảm đang hết, bởi bà không còn khả năng làm chủ bản thân mình.

Thấy ông đã già mà ngày ngày vẫn chăm sóc bà khi bà đại, tiểu tiện, hàng xóm láng giềng có khuyên ông nên để con gái làm cho, “đẻ con gái ra để làm gì mà những việc thế này cũng phải nhúng tay vào”. Nhưng ông một mực muốn được tự tay mình chăm sóc vợ: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, làm sao các con hiểu rõ bệnh tình của vợ tôi bằng tôi. Ngày xưa bà ấy đã vì tôi mà khổ nhiều rồi, nay coi như tôi được cơ hội để chăm sóc bà ấy”.

Ông bắt đầu tâm sự về người vợ đã một đời tần tảo nuôi dạy đàn con thơ nên người: “Bà ấy sinh cho tôi được 6 người con nhưng tôi chưa từng một lần nào được bên cạnh để chăm sóc lúc bụng mang dạ chửa. Chưa bao giờ có được cảm giác ôm ấp đứa con bé bỏng của mình trong vòng tay và chưa bao giờ giúp vợ tôi giặt cho chúng dù chỉ là một cái tã. Tôi rất thương bà ấy”, cặp mắt tràn đầy tình yêu thương của ông đã ngân ngấn nước. Đôi mắt ấy đủ để chúng tôi hiểu được tình yêu và sự biết ơn mà ông dành cho vợ nhiều đến thế nào.

Gần 10 năm trôi qua, ông vẫn bên cạnh chăm sóc bà như thế. Không quản vất vả vì bệnh tật của vợ, ông còn học hỏi rất nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc bà. Ông chăm sóc bà ân cần và dịu dàng như với một đứa trẻ vậy: “Tôi luôn phải cho bà ăn đúng giờ, cứ 4 tiếng ăn 1 lần. Tôi còn tập cho bà ăn tỏi để giúp tiêu hóa tốt hơn nữa”.

Chỉ vào tủ gừng để gầm tủ ông Thinh nói tiếp: “Đống gừng kia cộng với tóc và rượu dùng để đánh gió mỗi bà mỗi khi bị cảm hay nóng sốt”. Ông cũng không quên mua về một máy đo huyết áp để thường xuyên theo dõi tình trạng của vợ và kịp thời xử lý khi trường hợp xấu xảy ra.

Anh Hưng, con rể ông kể lại: “30 tết năm ngoái mẹ tôi tưởng không thể qua khỏi vì một tuần không thể mở mắt và ăn uống được. Bố tôi vô cùng lo lắng, gọi toàn bộ con cháu, anh em giao nhiệm vụ đề phòng điều xấu xảy ra. Bố sợ lúc ấy sẽ đau khổ mà không nghĩ ngợi được gì nữa. Nhưng qua một tuần miệt mài chăm sóc của bố, mẹ tôi đã tỉnh lại. Chẳng phải nói, bố tôi mừng lắm”.

Căn nhà lợp ngói nhỏ bé, nơi in dấu hình ảnh người chồng sớm hôm tần tảo chăm sóc người vợ bệnh tật nằm liệt giường suốt 10 năm qua. Căn nhà ấy có cảm giác ấm áp và tràn ngập tình yêu thương chứ không hề khó chịu như những gì chúng ta có thể tưởng tượng, điều ấy đủ thấy rằng bàn tay ông đã chăm sóc bà cẩn thận, chu đáo đến thế nào.

Tình vợ chồng = Tình yêu + Trách nhiệm

Không quản vất vả, nỗi sợ hãi lớn nhất trong ông là sợ cô đơn nếu một ngày phải xa bà: “Ở xóm tôi góa chồng thì nhiều chứ góa vợ thì ít lắm. Dù có mệt mỏi tôi cũng không muốn vợ mất, vợ mất thì tôi cô đơn, tôi chơi với ai, ai là người nghe tôi tâm sự, …sẽ buồn lắm. Vì thế tôi phải chăm sóc bà cho thật tốt để bà được mãi bên tôi”- ông Thinh xúc động nói.

Tôi thắc mắc “đã bao giờ ông nghĩ mình sẽ lấy vợ khác nếu bà không còn nữa”. Ông thẳng thắn: “Cái đức phải để lên hàng đầu. Không chỉ có tình yêu mà phải có trách nhiệm giữa hai con người. Vợ là người khổ nhất, tôi xem như đây là cơ hội để tôi được bù đắp cho bà ấy những ngày tháng vất vả trước kia”.

Lấy lại bình tĩnh, ông Thinh kể tiếp: “Có khá nhiều người thích tôi, tôi biết chứ. Nhưng tôi cũng trả lời thẳng thắn rằng tôi đã có vợ và con cái. Tôi còn phải chăm sóc cho vợ tôi”. Đã gần 10 năm trôi qua và ông vẫn ở bên chăm sóc bà ân cần như thế.

“Tôi thấy cảm phục chú ấy. Nếu là tôi có thể tôi đã không làm được như vậy. Chú ấy chăm sóc vợ thật quá chu đáo. Tối nào cũng ngủ bên vợ để kịp theo dõi bệnh tình và xoa bóp chân tay cho bà. Thật đáng quý”- anh Đáng, cháu ruột ông Thinh chia sẻ.

Anh con rể cũng không khỏi kính nể người bố vợ của mình: “Bố tôi chả rượu chè, thuốc lá hay cờ bạc gì, lúc nào cũng chỉ biết thuốc thang, chăm sóc vợ sao cho thật chu đáo. Nếu không có bố chắc mẹ tôi mất lâu rồi. Đến mẹ đẻ tôi, là thông gia với bố tôi lúc nào cũng nói: cả làng này chả ai chăm sóc vợ được như ông Thinh”- anh Hưng nói trong niềm xúc động.

Xin phép vào thăm bà, tôi tình cờ bắt gặp cuộc trò chuyện hết sức “đáng yêu” giữa hai ông bà:

Ông ghé sát vào tai bà nói lớn: _Bà có yêu tôi không?
Bà tuy mệt mỏi và không còn minh mẫn nhưng dường như hiểu ý, bà ngước nhìn ông bằng ánh mắt ngây thơ, cố gắng sức nói lớn: _Có…
_ Bà có hạnh phúc không?
Vẫn cử chỉ ban đầu bà trả lời: _Có….
_Bà đã chết chưa?
_Chưa…
Ông tự hào nói tiếp: _Chết làm sao được, đã có bác sỹ Thinh này luôn bên cạnh rồi mà.

Ông nhìn bà mỉm cười một nụ cười mãn nguyện. Bà nhìn ông âu yếm với cảm giác thật bình yên. Với ông, bà không chỉ là một người vợ mà còn là một người bạn thân, người tri kỷ  sát cánh bên ông đi hết cuộc đời này.

Nguyễn Yến