- Trước mặt tôi là một người đàn bà dáng vóc nhỏ nhắn, gầy gò, nhưng ánh mắt toát lên đầy vẻ thông minh và nhân hậu. Ôi! Chị Sở! Hoa khôi làng Cốc ngày nào! Tôi cố gắng hình dung ra bóng dáng và vẻ đẹp của gương mặt một thời khiến nhiều chàng trai từng mơ ước, mặc dù cô Sở ngày đó bị tật nguyền, mắc chứng bệnh điếc dẫn đến nói ngọng...

Tin liên quan:

Chị tìm đến nhà tôi đưa cho tôi một quyển vở mỏng, giấy đã chuyển màu vàng xám. Đó là những bức thư của người yêu cũ, những bức thư chưa gửi của chị và những trang nhật ký, ghi chép ngày còn trẻ, từ năm 1967 thời chiến tranh chống Mỹ. Chữ viết nắn nót khá đẹp và cẩn thận từ cả cách trình bày. Kèm theo còn có những tấm ảnh đen trắng cất giữ rất công phu. Phải lắng tai nghe và ra hiệu nói đi nói lại nhiều lần tôi mới thông tỏ ý định của chị muốn nhờ tôi đánh vi tính những trang sách này để chị lưu giữ những kỷ niệm của mình ngày xa ấy...

Ảnh minh họa

Ngày xa ấy, không chỉ là một cô gái xinh đẹp, đảm đang trong làng, Sở còn là một thanh niên nhiệt tình tham gia các phong trào Đoàn xã, đắp đê, làm thuỷ lợi... Nhà Sở ở xóm Thượng, xã Phong Cốc (Yên Hưng, Quảng Ninh). Cuộc sống của cô bé ngỡ sẽ vô tư lớn lên. Nhưng không ngờ khi nhận biết được cái đẹp, cái xấu cùng những tình cảm thì bỗng dưng Sở mắc một căn bệnh biến chứng về tai: không nghe được tiếng động, tiếng nói xung quanh. Cô phải chăm chú nhìn vào miệng người nói để luận ra điều họ nói là gì. Thêm nữa giọng nói của cô cũng không bình thường. Méo mó và khê đặc. Phải nén hơi lấy sức, cô mới thốt được nên lời, nhưng không tròn vành rõ tiếng. Tuổi còn niên thiếu, mẹ Sở qua đời để lại hai đứa em trai nhỏ dại. Bố làm cán bộ xã, còn trẻ, nên đã lấy dì hai. Tất nhiên, dì hai không thể bằng mẹ. Dì sinh được hai em trai nữa. Bố lại qua đời. Sở lâm thêm vào cảnh đau thương, buồn khổ, tưởng không đứng dậy được. Cô lại làm phận sự thay bố mẹ nuôi em khôn lớn. Ngày ngày cô đi làm đồng, trồng rau, lấy củi chăm sóc các em. Cứ thế bao mùa xuân đi qua. Sở lớn dần lên như một mầm non, theo năm tháng thành cái cây, cái cây lại rủ bóng che chở những mầm non.

Cùng xóm (và cùng học với Sở tới lớp 7) có anh Nguyễn Văn An (sinh năm 1944), một thanh niên trắng trẻo, đẹp trai, có giọng nói nam trầm cùng sự hiểu biết, lý lẽ rộng rãi. An học giỏi và biết làm thơ, nhất là thơ lục bát... Anh hay đọc sách, xem truyện. Bất cứ đi đâu, lúc nào trong nách cũng cặp kè một quyển sách. Anh rất chịu khó thức khuya dậy sớm làm đồng, gánh nước, băm rau nấu cám nuôi gà chăn lợn như con gái. Lại có cô bé trong xóm cùng sở thích, nên tình bạn của hai người mỗi ngày thêm gắn bó. Các tác phẩm Thép đã tôi thế đấy, Người mẹ, Ruồi trâu, Rừng thẳm tuyết dày, Vỡ bờ… họ chuyền tay nhau đọc và bình luận, thường viết chen bên lề các trang sách.

An và Sở đã có những giờ phút bên nhau thật êm đềm. Từ miếng vải khâu buồm An để dành cho Sở làm mụn vá, từ tiếng đàn ghi ta An chơi cho Sở nghe bên đống lúa. Những buổi sáng đi cuốc ruộng, nhổ mạ, cấy lúa, những buổi chiều gánh nước tưới rau màu, những đêm trăng sáng trên cánh đồng làng… đã để lại trong lòng đôi trẻ bao kỷ niệm và ước mơ, hoài bão. An ngỏ lời yêu Sở, nguyện sẽ cùng Sở xây dựng hạnh phúc gia đình, yêu thương Sở mãi mãi. Không ít người đem những lời gièm pha, khuyên ngăn An về bệnh điếc và ngọng của người yêu. Nhưng An đã vượt qua. Anh đã quyết chí gắn bó cuộc đời với cô gái tật nguyền.

Tưởng chừng tình yêu sẽ kết quả, hạnh phúc lứa đôi. Nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng khốc liệt. Giặc Mỹ mở rộng chiến tranh, bắn phá miền Bắc. Miền Nam trong lửa đạn đau thương đang kêu gọi hậu phương miền Bắc chi viện. Phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" lan rộng khắp nơi, thúc giục những trái tim tuổi trẻ. An xung phong lên đường nhập ngũ. Chuyện tình yêu lứa đôi đành gác lại. Họ bịn rịn chia tay, người ra đi, kẻ ở lại quê hương trong lời thề hứa đợi chờ nhau. Sở không nói nên lời, chỉ biết tặng anh chiếc khăn tay thêu hình đôi chim bồ câu đan cánh vào nhau.

An được phiên chế vào một đơn vị bộ đội đóng quân, huấn luyện cấp tốc ở Vũ Oai (Hoành Bồ). Hai người vẫn thư từ cho nhau. Một chiều mùa đông năm 1967, được nghỉ phép, An tranh thủ về thăm nhà, thăm Sở: Đợi ngày kết thúc chiến tranh, anh trở về, chúng mình sẽ làm lễ cưới! Họ chưa nói được gì nhiều với nhau… Rồi đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến lớn. An viết thư về: Cuộc kháng chiến chống Mỹ rất nhiều gian khổ và mất mát. Chiến tranh sẽ còn kéo dài. Giáp mặt với kẻ thù, anh có thể ngã xuống nơi chiến trường. Không biết ngày nào về được. Anh khuyên Sở đừng chờ đợi nữa. Nếu có ai thương yêu, Sở hãy nhận lời và cùng họ xây dựng hạnh phúc gia đình. An sẽ không bao giờ trách cứ Sở đâu!

Đọc thư An, Sở đã khóc rất nhiều. Cô càng thương An, vẫn quyết tâm một lòng hướng về An, chờ đợi An. Sở mường tượng ra không khí hân hoan ngày chiến thắng, An trở về trong rực rỡ cờ hoa…

Thế rồi, giữa một ngày tháng 5 năm 1968, một tin sét đánh bất ngờ đến với gia đình và với Sở. Anh Nguyễn Văn An đã hy sinh tại mặt trận phía Nam ngày 24-4-1968! Trước cái tin đau thương ấy, Sở tê dại như người mất hồn. Hàng tháng trời chị không ngủ, bơ bải vì thương nhớ An.

Bởi quá nặng lòng về người mình yêu, có thời gian Sở như người mộng du, cứ tưởng mộ An nằm trong nghĩa trang liệt sĩ Hà Nam. Chị thơ thẩn vào đó, thắp hương, cầu nguyện, chợt tỉnh chợt mê…

Đây là một đoạn trích những dòng nhật ký của Sở: "Tin anh hy sinh như sét đánh ngang tai, đầu óc tôi muốn vỡ ra. Nén chặt lòng thương nhớ anh khôn nguôi, lại cộng thêm cha mẹ lần lượt mất đi, tôi vẫn cố làm lụng nuôi các em… Rồi ai cũng khuyên nhủ: con gái lớn không thể ở vậy một mình. Sau ba năm tôi đành nghe lời mọi người và lấy chồng. Tôi đã lấy một người chồng câm, ít hơn tôi 7 tuổi! Nhà anh ở xóm Hồ Cày xã Phong Cốc. Nhưng rất may, tuy bị câm, nhưng anh là người ăn ở hiền lành, rất chịu khó và thương quý vợ. Tuy vậy tôi vẫn không thể quên được hình bóng của An. Trong những giấc mơ, tôi luôn thấy An hiện về báo mộng. Khắc khoải và day dứt, tôi đã vận động chồng lên nhà anh thắp hương trước bàn thờ liệt sĩ cho vong linh anh khỏi tủi. Tôi mặc quần áo cô dâu chụp ảnh trước bàn thờ có ảnh của anh ấy. Tôi muốn tưởng nhớ tới người chồng chưa cưới của tôi đã mất, đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc và đất nước. Làm thế, tôi thấy lòng mình thanh thản hẳn ra. Tuần rằm, giỗ tết hằng năm, chúng tôi thường xuyên lên thăm viếng anh. Tôi coi gia đình anh như gia đình tôi. Chồng tôi cũng vậy và luôn tỏ ý thông cảm, chia sẻ với tôi…".

Chồng Sở hiện nay là anh Nguyễn Văn Thái. Thái cao to, khỏe mạnh, ánh mắt lúc nào cũng như cười thay cho lời nói. Ai có dịp gặp và tiếp xúc cũng cảm thấy anh là người phong độ, đàng hoàng. Anh luôn yêu chiều Sở một cách thầm lặng. Hai vợ chồng tuy kẻ điếc người câm, nhưng hạnh phúc vẫn đến trong ngọt ngào với những tháng năm gian nan, vất vả, vượt qua đói kém để xây dựng, ổn định một gia đình. Thái ra sông biển làm thuê nghề vận tải, kéo lưới đánh bắt hải sản. Sở nhận ruộng về làm, cày cấy gieo ươm, chăn nuôi lợn gà… mùa nào thức ấy.

Họ đã có với nhau 3 mặt con: hai trai, một gái. Vợ chồng rất chú trọng nuôi dạy và dành dụm cho con học hành đến nơi đến chốn. Song, Sở vẫn không quên được An, người liệt sĩ mà chị hằng yêu thương không chỉ bằng tình yêu thiết tha, cháy bỏng mà còn bằng lòng kính trọng! Cũng đã có một thời gian, gia đình nhà chồng của Sở hiểu lầm, không thông cảm cho Sở. Bà mẹ chồng từng mặc cảm, từ ngấm ngầm xúi giục đến tỏ rõ hành vi bắt con trai từ bỏ Sở, đuổi chị khỏi nhà. Chị vô cùng đau khổ.

Không thể mất Thái, nhưng cũng không thể bỏ An hương lạnh khói tàn trong lãng quên. Như thấu tỏ được tâm can Sở, với ánh mắt, nụ cười và hành động, Thái đã ra hiệu thuyết phục mẹ và mọi người hiểu và thông cảm cho Sở. Đi làm nghề ngoài sông biển về, anh vẫn không quên an ủi, yêu thương, động viên vợ yên tâm bằng nụ cười đầy độ lượng. Rồi sóng gió cũng nhanh chóng đi qua. Bây giờ, cuộc sống của gia đình họ ngày một trở nên êm ấm, nhà cửa đầy đủ, đời sống cải thiện, kinh tế đã có bát ăn bát để. Các con của họ đều chăm ngoan, thương cha thương mẹ và học giỏi, theo được hết cấp ba. Cháu lớn đã đi làm công nhân ở một công ty.

Cầm quyển sổ cũ trên tay, đọc đi đọc lại, tôi bâng khuâng trong cảm xúc quý trọng và khâm phục người đàn bà đã 62 tuổi. Tôi ngắm đi ngắm lại những tấm ảnh. Có những tấm giống nhau do được phục chế, in phóng lại. Đây là tấm chân dung liệt sĩ An, Sở còn lồng ảnh mình vào khuôn ngực anh, như từ đó chị cảm giác được hơi thở và nhịp đập rộn ràng của trái tim người chiến sĩ trẻ. Đây là tấm ảnh cả gia đình hiện tại. Tôi chợt rưng rưng xúc động. Để có ngày hôm nay, chị đã vượt qua những chuỗi thời gian khó nhọc, mất mát, đau khổ và cả những hạnh phúc.

Trong những tháng năm đó, chị đã đặt lòng yêu thương cùng niềm tin son sắt vào một tình yêu lý tưởng. Khi mất đi niềm hy vọng của tình yêu, chị vẫn khôn nguôi nhớ tới hình ảnh người yêu cũ với tấm lòng chung thủy, chân thành nhưng vẫn đoan trang xây dựng một gia đình hạnh phúc với thành quả mới. Không chỉ trọn vẹn trong hạnh phúc gia đình, chị còn dành cả tâm tư tình cảm trong sáng, kính trọng, biết ơn đối với người liệt sĩ, mong được bù đắp cho anh an lành trong cõi tâm linh. Trong tâm hồn chị luôn tồn tại hai người đàn ông, một người thực thể, một người trong cõi tâm linh. Không thể được bên này hoặc để mất bên kia. Được như vậy, chị đã phải thể hiện hết mình thiên chức người phụ nữ, cùng chồng trụ vững như con thuyền neo chặt vào cuộc đời và thực sự là người đàn bà can đảm, trọng tình trọng nghĩa.

  • Theo báo Quảng Ninh điện tử