Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Nghệ An có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm có 47 dân tộc cùng sinh sống xen kẽ ở 12 huyện, thị xã, trong đó, có 05 dân tộc chính (Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu) cư trú tập trung tại 252 xã/12 huyện, thị xã/ 1.339 thôn, bản.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS chưa đồng bộ; kinh tế phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; chưa xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS; tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp; nguồn vốn hỗ trợ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi nghề phát huy hiệu quả còn hạn chế; số lao động đi làm tại các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng của dịch Covid trở về nhiều, gây áp lực lớn trong việc hỗ trợ ổn định cuộc sống và tạo việc làm mới gặp khó khăn... Hoạt động của các loại tội phạm mua bán chất ma túy, buôn bán người; di dịch cư tự do, truyền đạo trái phép diễn biến phức tạp, tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, miền núi.  

Trước tình hình đó, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ban Dân vận các huyện, thị ủy tập trung tuyên truyền đồng bào các DTTS, miền núi triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, đề án của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận, công tác dân tộc và miền núi; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

W-nghe an.png
 Kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển rộng khắp, góp phần mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Nghệ An.

Nghệ An đã chỉ đạo các cấp ủy đảng tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vùng đồng bào DTTS. Tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án 02-ĐA/TU; giám sát việc triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; giám sát việc thực hiện chính sách tại vùng dân tộc, miền núi. Quan tâm công tác thi đua khen thưởng, kịp thời cổ vũ, động viên và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác dân vận, công tác dân tộc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. 

Chính quyền các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện thực hiện tốt việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; gắn kết giáo dục kiến thức với hướng nghiệp dạy nghề. Các trường PTDT nội trú huyện, tỉnh đã gắn kết với doanh nghiệp, hợp tác xã đào tạo hướng nghiệp, tuyên truyền cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các công ty trong nước đảm bảo đáp ứng tay nghề, phù hợp với thị trường lao động trong điều kiện mới.

Năm 2023, đã tổ chức bồi dưỡng, hỗ trợ kiến thức dân tộc 07 lớp/357 người, tổ chức đào tạo sơ cấp nghề cho 2.627 người. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển mỗi xã xây dựng ít nhất 01 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; phong trào thi đua Dân vận khéo, xây dựng các mô hình điển hình, nhiều sản phẩm có chất lượng mang giá trị hàng hóa đã hình thành, phát triển, được lưu thông trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Đến ngày 30/11/2023, trên địa bàn 11 huyện miền núi có 94 xã/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 47,96%; bình quân tiêu chí của vùng là 14,56 tiêu chí/xã. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tích cực công tác xây dựng thôn, xóm, bản đạt chuẩn NTM.

Đến nay, đã có 198 thôn, bản được công nhận NTM, dự kiến đến hết năm 2023 toàn tỉnh sẽ có tổng số 212 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các huyện miền núi có 150 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên (có 11 sản phẩm đạt 4 sao; có 139 sản phẩm đạt 3 sao). Tỷ lệ hộ nghèo các huyện vùng DTTS và miền núi đặc biệt khó khăn tỉnh giảm từ 24,04% đầu năm 2016 xuống còn gần 8,18% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020); các huyện nghèo 30a giảm bình quân 5,97%/năm.

Nhiều chính sách xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS đã triển khai thực hiện có hiệu quả. Quan tâm phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ, hình thành các điểm giao dịch, mở rộng giao lưu thương mại, tạo điều kiện cho đồng bào hình thành và phát triển những mặt hàng có giá trị trao đổi, mua bán. Hệ thống giao thông đã đến trung tâm 100% xã trong toàn tỉnh; đường giao thông đến các thôn, bản vùng sâu, vùng DTTS đã được cứng hóa; 100% hộ đã có điện lưới quốc gia sử dụng và dùng nước hợp vệ sinh; Các dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cũng được quan tâm xây dựng, bảo tồn và phát triển.

UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, giải quyết nhu cầu, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho Nhân dân (hỗ trợ đất sản xuất cho 31 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 494 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 7020 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 2865 hộ). Ngoài ra, thực hiện cuộc vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" 03 cấp đạt hơn 148,3 tỷ đồng, Ủy ban MTTQ các cấp đã kịp thời hỗ trợ xây mới 1.358 nhà và sửa chữa 339 nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo với số tiền hơn 69,2 tỷ đồng; hỗ trợ 697 triệu đồng cho 799 hộ nghèo chữa bệnh, hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng phương tiện sản xuất cho 266 hộ nghèo,  6,1 tỷ đồng cho 2.470 học sinh nghèo...

Công tác định canh, định cư và di dân xây dựng vùng kinh tế mới, tái định cư để xây dựng thủy điện, thủy lợi và các công trình trọng điểm đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, cơ bản hoàn thành công tác di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện lớn như Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố, dự án Hồ chứa nước Bản Mồng... Nhìn chung, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Nghệ An cơ bản đạt mục tiêu đề ra, các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực về tập quán sản xuất của người dân, phát huy và xây dựng được nhiều mô hình, điển hình về phát triển du lịch, dịch vụ và nuôi trồng thủy sản, phát huy lợi thế từ nguồn nước để sản xuất, chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được triển khai, thực hiện có hiệu quả. Bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm gìn giữ và phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình được các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả, trở thành phong trào lớn, thực sự đi sâu vào đời sống của Nhân dân. Nhiều địa phương đã tập trung xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng về văn hóa, bảo tồn các lễ hội dân gian, như: lễ hội săng khan, văn hóa cồng chiêng, nhảy sạp, múa lăm vông, hát nhuôn, hát xuối; các nghề dệt vải, thêu váy áo truyền thống, đan lát mây tre; khôi phục và học tiếng Thái, tiếng Mông được khơi dậy và có xu hướng phát triển tích cực… Hàng năm các hoạt động giao lưu văn hóa các DTTS diễn ra sôi nổi, góp phần gắn kết và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.

Tới nay, hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú dành cho con em các DTTS, miền núi học tập được đồng bộ và hoạt động ngày càng hiệu quả, không ngừng nâng cao số lượng học sinh theo học và chất lượng dạy - học; chất lượng phổ cập giáo dục tiếp tục được nâng cao.

Trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân các DTTS, miền núi được quan tâm cả về chất lượng, số lượng; hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp; trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại. Công tác phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm được triển khai rộng khắp từ tuyến tỉnh đến xã; đến nay, 100% người dân tộc thiểu số được thụ hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, mở tủ sách pháp luật, hỗ trợ các phương tiện nghe nhìn, phương tiện thông tin đại ngày càng được nâng cấp và hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nâng cao, mở rộng kiến thức cho đồng bào các DTTS, miền núi.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hòa giải ở cơ sở được tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, tiếp tục duy trì 89 Tủ sách pháp luật tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; 371 Tủ sách pháp luật cấp xã đã được sáp nhập vào các thiết chế văn hóa- xã hội đang hoạt động có hiệu quả tại địa phương  

Các lực lượng chức năng luôn tcích cực đấu tranh, phá các chuyên án về ma túy, buôn bán người, di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật lên địa bàn miền núi và vùng đồng bào DTTS. Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “ Dân vận khéo”; Chú trọng triển khai Đề án Xây dựng "Xã biên giới sạch về ma túy" được Bộ Công an biểu dương và nhân rộng toàn quốc, đã có 27/27 xã biên giới đạt các tiêu chí xã sạch ma túy; 196/460 xã, phường, thị trấn sạch ma túy, 03 đơn vị cấp huyện có 100% địa bàn cấp xã đạt các tiêu chí sạch về ma túy. Phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở, gắn thực hiện các nội dung phối hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới.

Đến nay, toàn tỉnh có 4.281 tổ tự quản phát huy dân chủ, mục đích tuyên truyền vận động các hộ gia đình thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong 05 năm qua, lực lượng vũ trang đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho Nhân dân được 1.573 buổi/27.965 lượt người; vận động 236 hộ/853 khẩu là người dân tộc Mông ở các huyện (Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong) ổn định cuộc sống không di cư trái pháp luật; phát hiện, ngăn chặn 53 vụ truyền đạo trái pháp luật, 63 vụ xâm canh, xâm cư; kiên trì vận động, thuyết phục 14 hộ/74 khẩu không theo đạo Tin lành; tham gia hoà giải 4.231 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong tuyên truyền, tập hợp bà con các DTTS thi đua thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” vùng đồng bào DTTS. Trong năm 2023, đã tổ chức được 25 lớp tập huấn/4.500 lượt cán bộ MTTQ các cấp và tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Tạo điều kiện để đồng bào được giao lưu, học tập kinh nghiệm về bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, động viên, khích lệ và biểu dương, ghi nhận những đóng góp của già làng, trưởng bản, người có uy tín kịp thời.

Nhờ đó, tới nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS toàn tỉnh giảm còn 3,44%. Số xã khu vực 3 giảm còn 76 xã, số thôn bản đặc biệt khó khăn còn 588 thôn bản; cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, trường học, thủy lợi, chợ nông thôn, trạm y tế... được tăng cường đầu tư; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV