Xây dựng xã kiểu mẫu về tổ chức sản xuất

Có thế mạnh về phát triển nông nghiệp nên ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, xã Bình Kiều (huyện Khoái Châu) đã lựa chọn tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế làm tiêu chí nổi trội nhất trong chương trình xây dựng NTM.

Theo đó, xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP; thường xuyên phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, thường xuyên tổ chức nạo vét kênh mương bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, đầu tư hệ thống giao thông nội đồng bảo đảm phục vụ sản xuất. 

Đến nay, 100% diện tích sản xuất của xã đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau màu; diện tích đất nông nghiệp được tưới chủ động đạt tỷ lệ trên 98%; 3 vùng trồng nhãn với tổng diện tích là 31,5ha đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu; có 10/12km đường trục chính nội đồng của xã đã được bê tông hóa… 

Hiện nay, xã có 6 HTX đang hoạt động, thu hút gần 100 thành viên tham gia. Các HTX hoạt động hiệu quả đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập. Năm 2023, thu nhập bình quân 1ha trồng cây ăn quả đạt 250- 300 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Kiều, cho biết, với thế mạnh về cây ăn quả, thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng thương hiệu cho nông sản của địa phương, Bình Kiều đã đẩy mạnh triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP. Hiện xã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; các sản phẩm này được liên kết sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, Bình Kiều được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao. 

W-nhãn Hưng Yên.jpg
Phát triển cây ăn quả, trong có có cây nhãn là một trong những thế mạnh về phát triển nông nghiệp ở xã Bình Kiều (huyện Khoái Châu). 

Cũng như Bình Kiều, từ một xã thuần nông, Xuân Quan đã vươn mình trở thành một vùng trồng hoa nổi tiếng và được công nhận làng nghề từ năm 2017. Năm 2020, Xuân Quan (huyện Văn Giang) đã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao, và đến cuối năm 2023 Xuân Quan tiếp tục được công nhận là xã NTM kiểu mẫu. 

Ông Lê Qúy Đôn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Quan có khoảng 200ha với 1.300 hộ gia đình tham gia trồng hoa để phát triển kinh tế. Trong đó, diện tích hoa, cây cảnh được sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, chiếm trên 80% tổng diện tích sản xuất hoa, cây cảnh toàn xã. 

Điểm khác biệt ở Xuân Quan đó chính là là các hộ gia đình đã không chọn hoa cành để sản xuất như nhiều làng hoa khác, mà chọn hướng đi riêng như: Hoa chậu, hoa giỏ treo, hoa thảm, cây trang trí nội ngoại thất mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người trồng, kinh doanh.

Năm 2022, tổng doanh thu từ sản xuất hoa, cây cảnh, cây công trình trên địa bàn xã đạt gần 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 3 nghìn lao động ở trong và ngoài huyện với thu nhập trung bình từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng.

Báo cáo của UBND xã Xuân Quang cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn xã đã huy động tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trên địa bàn xã là trên 248,3 tỷ đồng. Đến nay, 100% các tuyến đường trục xã, thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa, trải nhựa; hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, hiện đại; giá trị thu trung bình mỗi 1 ha canh tác đạt trên 700 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt gần 90 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1%; đặc biệt, xã có 1 sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, xã duy trì hiệu quả hoạt động của 3 HTX nông nghiệp và 10 tổ hợp tác sản xuất hoa, cây cảnh. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác của xã ngày càng đi lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập

Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, tỉnh Hưng Yên đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí số 13) nhằm định hướng, hỗ trợ cho người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất, từ đó giúp nâng cao thu nhập của người dân.

Hiện nay, Hưng Yên có 102/139 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 73,4%; có 36 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 26%; trong đó, TP Hưng Yên, huyện Văn Giang và thị xã Mỹ Hào đã hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 

Năm 2024, UBND tỉnh Hưng Yên đề ra mục tiêu phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; từ 1 đến 2 huyện đạt huyện NTM nâng cao. 

Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, trong đó chú trọng về tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

Xác định tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí số 13) là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội, làm nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM như bố trí nguồn lực lớn để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP;  đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế nông thôn hiệu quả… 

Các cơ chế, chính sách đã góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn toàn diện và đúng hướng. Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 2,4% so với năm 2022. Năm 2024, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt hơn 14,3 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 2%. Tính đến quý 1/2024, khu vực nông nghiệp và thủy sản tỉnh tăng 2,70%.

Hiện, toàn tỉnh có 252 sản phẩm OCOP, gồm 206 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao; có khoảng 180 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích hơn 3.790 ha; có 480 HTX và 556 tổ hợp tác đang hoạt động sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, các địa phương tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từ đó giúp kinh tế - xã hội tại các địa phương ngày thêm khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 120/139 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.