Ngày 1/10, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý 1 năm 2017.

Chúng tôi xin điểm lại cụ thể 6 vụ án được đưa ra xét xử lần này.

1- Thiệt hại 90 tỷ đồng tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank

Ông Phạm Ngọc Ngoạn, nguyên Ủy viên HĐTV Agribank, nguyên Giám đốc, Chủ tịch HĐTV Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank bị cơ quan công an về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank và CTCP đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo quốc tế (INED).

Ông Phạm Ngọc Ngoạn bị cơ quan công an tình nghi gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 90 tỉ đồng thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) để xây dựng nhà máy in ngân hàng.

Cụ thể, ông Ngoạn được cho là đã chỉ đạo chuyển hơn 90 tỉ đồng cho INED để nhận chuyển nhượng nhà xưởng và diện tích đất gần 20.4000m2 đất do công ty này đứng tên thuê đất. Thời điểm thực hiện giao dịch, Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank chưa xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này nhưng ông Ngoạn vẫn ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng để hợp thức hoá thủ tục chuyển nhượng tài sản thuê trên đất với giá 4,6 triệu đồng/m2.

Khoản tiền đã chuyển cho công ty INED cho đến nay không có khả năng thu hồi.

Cơ quan chức năng cũng đã có kết luận thanh tra về những sai phạm tại công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank: Sai phạm trong việc dùng quyền sử dụng đất tại số 10 phố Chùa Bộc để góp vốn vào CTCP bất động sản Agribank; sai phạm trong việc đầu tư vào dự án đấy giá quyền sử dụng đất tại Lô C, khu D1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội và sai phạm trong việc đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại Nha Trang, Khánh Hoà.

2- Đưa hối lộ, nhận hối lộ Vinawaco

Ngày 27/7/2016, Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco).

Ngày 28/7/2016, HĐXX sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung sau khi một số bị cáo trong vụ án bị chuyển tội danh sang tội “Nhận hối lộ”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 279-BLHS với mức hình phạt cao nhất lên đến tử hình nhưng các bị cáo này không có luật sư tham gia ở giai đoạn điều tra.

HĐXX còn cho rằng quá trình thẩm vấn các bị cáo trong ngày đầu xét xử đã bộc lộ một số mâu thuẫn mà không thể làm rõ ngay tại phiên tòa. Cụ thể, cáo trạng truy tố Phạm Đình Hòa đã nhận tổng cộng 1,1 tỷ đồng do các nhà thầu thi công hối lộ, song lời khai của bị cáo lại thể hiện chỉ nhận tổng cộng khoảng 800 triệu đồng

Theo hồ sơ vụ án, để thực hiện Dự án Nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân năm 2013, CTCP Tân Việt đã đưa hối lộ cho lãnh đạo Vinawaco.

{keywords}

Các bị cáo trong vụ đưa nhận hối lộ tại Vinawaco

Trong quá trình đàm phán ký kết và thực hiện hợp đồng thi công công trình nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai-Cái Lân, Hồ Thành Nghĩa (nguyên giám đốc Ban điều hành dự án nạo vét phía bắc) và Phạm Đình Hòa (nguyên trưởng phòng Kế hoạch thị trường, Vinawaco) đã thỏa thuận để công ty Tân Việt được tham gia đấu thầu và ký hợp đồng thi công, phía công ty phải chi cho ông Nghĩa và ông Hòa số tiền bằng 50% giá trị hợp đồng.

Vũ Thanh Huyền (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tân Việt) và Trịnh Văn Thắng (nguyên Giám đốc Công ty Tân Việt) đã trực tiếp đưa cho Nghĩa 1,2 tỷ đồng, trong đó Nghĩa đưa lại Hòa 1,1 tỷ đồng, Nghĩa giữ lại 100 triệu đồng để chi tiêu cá nhân.

Trong quá trình thi công công trình nạo vét, duy tu luồng Hòn Gai - Cái Lân, Huyền và Thắng tổ chức thi công không đúng theo hợp đồng đã ký (thanh toán khống về vị trí đổ thải, cự ly vận chuyển để được thanh toán theo đơn giá hợp đồng đã ký với Tổng Công ty Xây dựng đường thủy) để gian dối chiếm đoạt hơn 7,8 tỉđồng.

3- Lừa đảo chiếm đoạt 66 tỷ đồng tại Dệt Quế Võ

Ngày 9/11/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất hồ sơ vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Dệt Quế Võ và Phòng giao dịch Bắc Ninh thuộc Sở giao dịch I, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Đồng thời đề nghị truy tố 6 bị can gồm: Nguyễn Việt Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Dệt Quế Võ; Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Dệt may xuất khẩu Chương Dương về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Thế Thư, nguyên Giám đốc Chi nhánh Quỹ hộ trợ Phát triển Bắc Ninh (nay là Phòng giao dịch Bắc Ninh, thuộc Sở giao dịch I Ngân hàng Phát triển Việt Nam) và Nguyễn Thế Tài, cán bộ Ngân hàng An Bình (Hội sở phía Bắc) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Trần Đức Lực, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh và Nguyễn Huy Bình, nguyên Phó trưởng phòng tín dụng Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chủ mưu trong vụ chiếm đoạt này là vợ chồng bị can Doãn Ngọc Giang, Kiều Thị Thanh Hương.

Kết luận điều tra nêu rõ, năm 2005, vợ chồng Giang – Hương thành lập 2 công ty cổ phần Dệt Quế Võ và Công ty cổ phần Dệt may xuất khẩu Chương Dương nhờ anh em và người thân trong gia đình đứng tên làm giám đốc (Nguyễn Việt Hoàng là cháu gọi Giang là cậu ruột, còn Nguyễn Quốc Hùng là em họ của Hương) để lập hồ sơ vay 45 tỷ đồng vốn tín dụng đầu tư tại Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh nay là Phòng giao dịch Bắc Ninh thuộc Sở giao dịch I, ngân hàng phát triển Việt Nam để đầu tư nhập thiết bị máy Dệt tại Khu công nghiệp Quế Võ.

Sau đó, vợ chồng Giang – Hương chỉ đạo các bị can lập khống các hồ sơ về việc nhập khẩu máy móc thiết bị để làm căn cứ giải ngân cho khoản vay. Sau khi ngân hàng giải ngân số tiền trên, Giang – Hương không đầu tư vào dự án như cam kết ban đầu mà sử dụng vào mục đích khác.

Cơ quan CSĐT, Bộ Công an xác định cặp vợ chồng Giang – Hương đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 66 tỷ đồng của ngân hàng (cả gốc lẫn lãi). Sau khi chiếm đoạt số tiền này, vợ chồng Giang – Hương đã bỏ trốn. Ngoài ra vợ chồng Giang - Hương còn thành lập 2 công ty tư nhân khác để vay vốn, hiện còn chiếm đoạt gần 2,4 tỷ đồng của Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển.

4- Tham ô tài sản, rửa tiền tại Vinashin Lines

Ngày 24/6/2016, cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (gọi tắt là Vinashin Lines).

Ba bị can bị đề nghị truy tố về tội Tham ô tài sản gồm Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc công ty Vinashin Lines; Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashin Lines; Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng công ty này. Bị can thứ 4 trong vụ án là Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt), bị đề nghị truy tố về tội Rửa tiền

{keywords}

Giang Kim Đạt trong vụ án tại Vinashin Lines

Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, công ty Vinashin Lines lập các dự án đầu tư mua tàu biển cũ không đảm bảo chất lượng về cho thuê lại.

Theo cơ quan điều tra, các bị can đã nâng giá mua tàu cũ của công ty nước ngoài và hưởng tiền chiết khấu khi cho thuê 9 con tàu thuộc sở hữu của Vinashin Lines. Xác minh các giao dịch, Bộ Công an phát hiện Giang Kim Đạt được đối tác chuyển khoản gần 16 triệu USD sau các thương vụ mua tàu biển cũ.

Giang Kim Đạt nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiền mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, sau đó đem gửi tiết kiệm, mua ôtô và 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai ở vị trí "vàng" khắp cả nước.

Cơ quan tố tụng cho biết, ngoài tài sản bị thu giữ, Giang Kim Đạt phải bồi thường cho công ty Vinashin Lines số tiền gần 249 tỷ đồng.

Theo tài liệu thu thập, cơ quan điều tra xác định nguyên Tổng giám đốc công ty Vinashin Lines Trần Văn Liêm chiếm đoạt hơn 3,2 tỷ đồng, còn Trần Văn Khương chiếm đoạt số tiền 120.000 USD, khi ký và quyết toán các hợp đồng liên quan.

5- Thất thoát 1.085 tỷ đồng VietinBank chi nhánh TPHCM

Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP.HCM là đại án tham nhũng thứ 5 được đưa ra xét xử lần này.

Ngày 24/12/2014, Hội đồng xét xử phiên tòa đại án Huyền Như tuyên buộc VietinBank phải bồi thường 1.085 tỉ đồng đồng thời tuyên án chung thân đối với Huyền Như.

Số tiền trên được xác định là của 5 đơn vị mở tài khoản hợp pháp tại VietinBank, được bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng (Phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM) duyệt gồm: CTCP chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS, 210 tỷ), Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu (125 tỉ đồng), Công ty An Lộc (170 tỉ đồng), CTCP chứng khoán Phương Đông (380 tỉ đồng) và Công ty Hưng Yên (hơn 200 tỉ đồng).

{keywords}

Huyền Như chiếm đoạt 1085 tỷ đồng của khách hàng gửi tại Vietinbank

Ngày 7/1/2015, Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao TP.HCM đã hủy án để điều tra xét xử lại phần này với lý do Tòa cấp sơ thẩm xác định bị cáo Huyền Như lừa đảo 5 doanh nghiệp này và xác định 5 doanh nghiệp là nguyên đơn dân sự (bị hại, bị Như chiếm đoạt) là sai nghiêm trọng về tội danh, không đúng bản chất vụ việc, xác định sai tư cách người tham gia tố tụng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của 5 công ty.

Tuy nhiên, cấp phúc thẩm không thể khắc phục sai sót này để buộc VietinBank phải bồi thường ngay cho 5 doanh nghiệp nói trên trong bản án, vì như vậy là vi phạm tố tụng, tước quyền kháng cáo của VietinBank.

Vụ việc để thất thoát 1.085 tỷ đồng tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM sẽ được đưa ra xét xử trong các đại án tham nhũng kinh tế lần này, dự kiến cuối năm 2016, đầu năm 2017.

6 - Vi phạm cho vay và thất thoát vốn Nhà nước tại Ocean Bank

Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (này là Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương - Ocean Bank) là đại án tham nhũng thứ 6.

{keywords}

Ông Hà Văn Thắm sắp được đưa ra xét xử

Trước đó, ngày 24/10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công An đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, quy định tại Điều 179 Bộ Luật Hình sự.

Trong quá trình thanh tra tại OceanBank, thanh tra Ngân hàng Nhà nước phát hiện có một số khoản vay có dấu hiệu gây mất vốn của ngân hàng. Trong đó có việc cho vay sai quy định, cho vay các khoản tiền lớn không có thế chấp tài sản.

Cơ quan điều tra xác định ông Hà Văn Thắm ký các quyết định cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung vay khoảng 500 tỉ đồng nhưng không đảm bảo các khoản thế chấp và sai quy định.

Cho đến nay, Công ty Trung Dung chưa thanh toán được tiền cho OceanBank theo quy định, có dấu hiệu mất khả năng thanh toán.

PVN đầu tư vào Ocean Bank 800 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn điều lệ của Ocean Bank (4.000 tỷ đồng). Sau khi Ocean Bank được Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng, PVN trắng tay với khoản đầu tư này.

Liên quan đến khoản đầu tư bị thất thoát của PVN và những sai phạm ở Ocean Bank, ông Nguyên Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch PVN, nguyên Tổng Giám đốc Ocean Bank bị cơ quan Công an khởi tố bắt tạm giam điều tra.

Cùng với ông Hà Văn Thắm, ông Nguyễn Xuân Sơn, một số lãnh đạo của Ocean Bank cũng bị bắt. Đó là bà Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc; Nguyễn Văn Hoàn, nguyên phó Tổng giám đốc; Nguyễn Xuân Thắng, phó giám đốc khối khách hàng lớn.

(Theo Người đồng hành)