Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo nghiên cứu lịch sử Tòa án nhân dân chủ trì và có bài phát biểu tại Hội thảo.

Kính thưa đồng chí Trương Hoà Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao qua các thời kỳ;

Thưa toàn thể các đồng chí,

Thực hiện chương trình công tác toàn khóa, hôm nay Ban cán sự đảng, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị khoa học lịch sử để ra mắt Ban Chỉ đạo nghiên cứu lịch sử Tòa án nhân dân; kế hoạch nghiên cứu lịch sử và bàn về đề cương cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”. Thay mặt Ban cán sự đảng, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao qua các thời kỳ, các nhà khoa học lịch sử cùng toàn thể các đồng chí tham dự Hội thảo. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, gia đình hành phúc và thành công.

Thưa các đồng chí,

Trải qua hơn 75 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống Tòa án đã không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ cán bộ được củng cố, trình độ được nâng lên; chất lượng xét xử ngày càng cao; giải quyết ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Trong những năm qua, hệ thống Tòa án đã không ngừng đổi mới về tổ chức, hoạt động; đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, niềm tin của người dân đối với nền tư pháp tăng lên rõ rệt. Vai trò của Tòa án với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý ngày càng được khẳng định và đề cao. Để ghi nhận và ôn lại truyền thống vẻ vang của Tòa án nhân dân, chúng ta đã xây dựng và phát hành các tập kỷ yếu Tòa án nhân dân qua các giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, hệ thống Tòa án chưa có được một bộ sử chính thống về chặng đường hơn 75 năm xây dựng và trưởng thành. Các tài liệu này chỉ dừng lại là những ghi chép đơn lẻ, chủ yếu bằng hình ảnh, chưa phản ánh toàn diện quá trình xây dựng và phát triển của hệ thống Tòa án nhân dân. Vì vậy, việc tổ chức nghiên cứu lịch sử Tòa án nhân dân một cách bài bản là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn.

Thưa các đồng chí,

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Ngày 18/01/2018, Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị số 20-CT/TW về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, trong đó yêu cầu: Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng ở các cấp. Chỉ thị cũng nêu rõ: Làm tốt công tác này nhằm phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng, là cội nguồn sức mạnh, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 102-HD/BTGTW ngày 30/9/2019 về việc triển khai Chỉ thị số 20-CT/TW. Hiện nay, nhiều Bộ, Ngành, địa phương cũng đã khẩn trương hoàn thành việc xây dựng lịch sử của mình.

Quá trình xây dựng và phát triển của Tòa án nhân dân luôn gắn với công cuộc đấu tranh cách mạng và sự nghiệp của Đảng. Lịch sử của Tòa án là một phần của lịch sử Đảng, lịch sử đất nước. Do vậy, việc nghiên cứu, làm rõ và ghi nhận lịch sử Tòa án có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với nền tư pháp mà còn góp phần hoàn thiện các công trình lịch sử đảng đã và đang được nghiên cứu.

Bộ lịch sử Tòa án nhân dân sẽ là một công trình nghiên cứu khoa học có nhiều ý nghĩa quan trọng. Qua đó tổng kết quá trình xây dựng và trưởng thành của nền tư pháp nước nhà; khẳng định những cống hiến của Tòa án cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Đảng; đánh giá sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của hệ thống Tòa án; đúc kết bài học kinh nghiệm lịch sử qua các giai đoạn phát triển; giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ Tòa án tương lai học tập, noi gương, yêu nghề và tự hào về sứ mệnh bảo vệ công lý rất trọng trách nhưng cũng rất vinh quang; góp phần khẳng định độc lập, chủ quyền quốc gia của một dân tộc không chỉ có nền văn hiến lâu đời, hệ thống chính quyền riêng biệt từ trung ương đến cơ sở, mà còn có một nền tư pháp độc lập đã từ ngàn xưa, xét xử theo pháp luật thành văn chứ không phải chỉ theo ý Vua, lệ làng.

Với tinh thần đó, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định chủ trương nghiên cứu biên soạn cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thành công trình này trong thời gian sớm nhất; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo nghiên cứu, liên hệ với Viện Sử học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các nhà khoa học lịch sử, huy động toàn hệ thống tham gia… Bước đầu đã thu thập được nhiều tư liệu quí, xây dựng đề cương và dự kiến công trình gồm 8 chương tương ứng với các giai đoạn lịch sử của đất nước và tổ chức của hệ thống Tòa án.

Trong phạm vi thời gian một buổi, Hội thảo sẽ ra mắt Ban Chỉ đạo nghiên cứu Lịch sử Tòa án nhân dân; thảo luận và thông qua kế hoạch nghiên cứu; góp ý vào dự thảo đề cương. Trên cơ sở các góp ý tại Hội thảo, Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Đề cương cuốn sách để sớm triển khai việc biên soạn.

Để việc nghiên cứu, xây dựng cuốn sách đảm bảo tính khoa học, đánh giá khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử, Tòa án nhân dân tối cao rất mong nhận được sự tham gia tích cực, tâm huyết, cung cấp thông tin tư liệu, đóng góp ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, các nhân chứng lịch sử, các chuyên gia, nhà sử học và các đồng chí đại biểu để cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam” được biên soạn có chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Trên tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học Lịch sử Tòa án nhân dân.

Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chúc quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Hội thảo thành công và nhận được nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết, chất lượng của các đồng chí cho việc xây dựng cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”.

Xin trân trọng cảm ơn!