Với Aubrey, sống tại Thâm Quyến (Trung Quốc), 25 tuổi vẫn là quá sớm để kết hôn. Tuy nhiên, gia đình cô không nghĩ vậy.
"Bằng tuổi con bây giờ cha mẹ đã lập gia đình và sinh con" là những gì các bậc phụ huynh vẫn nói với Aubrey thời gian gần đây.
"Sau khi du học trở về và bước sang tuổi 25, tôi thường xuyên bị cha mẹ ép đi xem mặt tập thể", Aubrey, người từ chối tiết lộ họ tên đầy đủ, nói với That's Mags.
Một sự kiện mai mối tại Thượng Hải ngày 27/7/2018. |
Trong xã hội truyền thống Trung Quốc, việc lấy chồng sớm là điều phổ biến và được hầu hết gia đình khuyến khích. Những phụ nữ độc thân và ở độ tuổi cuối hai mươi trở lên thường bị gọi là "phụ nữ còn sót lại" hoặc shengnu.
Giống Aubrey, nhiều người chịu áp lực lớn từ gia đình và thường phải tìm đến các dịch vụ mai mối hoặc tham gia những buổi "xem mặt thần tốc" - nơi có hàng chục người độc thân cùng tham gia với hy vọng tìm được một nửa của riêng mình.
Không khác gì một cuộc họp
Buổi xem mặt của Aubrey diễn ra tại nhà hàng dim sum ở quận Luohu vào buổi chiều thứ 7.
"Khi mở cửa bước vào, ngay lập tức, tôi nhìn thấy một người người phụ nữ lớn tuổi đang phát biểu một cách say mê. Tôi hơi bối rối vì nó giống một cuộc họp hơn là sự kiện xem mặt", cô gái 25 tuổi kể.
Thay vì một chiếc bàn dài, ban tổ chức lại kê một số bàn tròn. Có khoảng 20 người tham gia và các cô gái được xếp ngồi cách xa những chàng trai.
Những người tham dự sự kiện mai mối thu thập thông tin về nhau. |
"Ngay từ cái nhìn đầu tiên, chẳng có ai mà tôi thấy hấp dẫn, ít nhất là đối với tiêu chuẩn của tôi. Tuy nhiên, họ chắc chắn có thể đủ điều kiện theo tiêu chuẩn của nhiều ông bố bà mẹ Trung Quốc: công việc tuyệt vời, xe hơi, nhà ở", Aubrey nói.
Ban đầu, mọi người đều tỏ ra dè dặt và có phần xấu hổ. Các ứng viên lần lượt giới thiệu về bản thân.
Về cơ bản, đa số chỉ nói những thông tin cơ bản nhất như họ tên, tốt nghiệp trường nào. Một số cố gắng làm dịu không khí bằng một vài câu nói hài hước song cũng không có tác dụng. Mọi thứ vẫn vô cùng ngượng nghịu.
"Một trò chơi được tổ chức để giúp mọi người thoải mái tương tác hơn, trong đó các chàng trai thổi bóng bay và những cô gái cố gắng làm nổ chúng. Tuy nhiên, chẳng có ai thực sự hứng thú. Mọi người chỉ đứng dậy để không phải khó xử".
Độc thân không phải vì kém cỏi
Từ khi bước sang tuổi 30, June đã tham gia nhiều buổi xem mặt tập thể dưới sự thúc ép của người thân. Tuy nhiên, cô sớm nhận ra, những sự kiện chóng vánh này hoàn toàn không có tác dụng với mình.
"Tôi nghĩ rất nhiều phụ nữ trẻ ở Trung Quốc ngày nay coi trọng sự độc lập. Chúng tôi có thể kiếm tiền và không phụ thuộc hoàn toàn vào đàn ông. Một số bạn bè của tôi bị áp lực phải xem mặt và kết hôn song những cuộc hôn nhân này không kéo dài bao lâu", June kể.
Nhiều người tham gia các buổi xem mặt tập thể vì sự thúc ép của cha mẹ. |
Cai Yong, chuyên gia về nhân khẩu học và giáo sư xã hội học Trung Quốc tại Đại học North Carolina (UNC), lập luận rằng thuật ngữ "phụ nữ còn sót lại" đang gây hiểu lầm.
"Họ độc thân không phải vì kém cỏi mà thực tế đó là sự lựa chọn vì họ không tìm được người đàn ông phù hợp với tiêu chí của mình".
Các thuật ngữ như shengnu bắt nguồn từ những lo lắng về văn hóa của thế hệ cũ. "Ở Trung Quốc và các nước Đông Á khác, đàn ông và phụ nữ được kỳ vọng phải kết hôn vào một độ tuổi nhất định", Cai nói.
Thế nhưng, xã hội Trung Quốc cũng đang trong quá trình chuyển đổi.
"Thế hệ trẻ ngày nay thậm chí có thể không muốn tham gia vào những buổi xem mặt mà cha mẹ sắp xếp. Nhưng đồng thời, họ cũng có thể cảm thấy tội lỗi vì đã không làm theo ý muốn của cha mẹ. Những gì chúng ta đang thấy là kết quả của sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân chiến đấu với các giá trị truyền thống", Cai nhận định.
Buổi gặp mặt ở nhà hàng dim sum là lần xem mặt đầu tiên và cũng là cuối cùng của Aubrey. Bất kể sự thúc ép của cha mẹ, cô khẳng định bản thân muốn tìm kiếm hạnh phúc theo cách của riêng mình.
"Tôi muốn gặp gỡ mọi người một cách tự nhiên, tại quán bar, bữa ăn trưa, sự kiện. Bất kể nó có thể là gì nhưng chắc chắn không phải là một buổi xem mặt tập thể như vậy".
Theo Zing
Phụ nữ Nhật: 'Tôi trở về con số 0 sau khi lấy chồng'
Nhiều phụ nữ Nhật Bản cảm thấy mình đánh mất danh tính, sự nghiệp, các mối quan hệ vì phải theo họ chồng sau khi kết hôn.