Nhiều ông bố bà mẹ coi TV là cứu cánh cho việc khỏi phải trông con, chăm con mà không hề nghĩ đến tác hại của nó.
“Bật TV cho con để trẻ ăn nhanh, bật TV cho con để con ngồi ngoan”…, thậm chí, tôi còn từng “được” nghe một chị hàng xóm khuyên bảo “Phải chịu khó bật TV để trẻ con nó xem, nó mới biết được nhiều thứ”.
Nhiều ông bố bà mẹ coi TV, quảng cáo là cứu cánh cho việc khỏi phải trông con, chăm con mà không hề nghĩ đến tác hại của nó. Riêng tôi, tôi khẳng định: Con dưới 3 tuổi, chẳng “dại” cho xem TV.
1.
2 năm đầu tiên là thời điểm quan trọng cho sự phát triển não bộ. Khi trẻ con vui chơi cũng đồng thời có nghĩa bé đang tích cực học tập về cách thế giới xung quanh hoạt động như thế nào. Bé sẽ biết vận động trí não của mình để thử nghiệm và tự rút ra nguyên nhân, hậu quả. Xem TV đánh cắp thời gian khám phá và học tập mọi thứ xung quanh của trẻ. Trong khi đây mới là những hoạt động giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết về trí tuệ, xã hội và tình cảm.
2.
2 năm đời cũng là thời điểm quan trọng cho việc học ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ được học thông qua sự tương tác với con người, không phải bằng cách lắng nghe thụ động qua TV. Một đứa trẻ học cách nói chuyện bằng cách bắt chước ngôn ngữ của người lớn. Các bé sẽ học cách bắt chước, nhại lại và phát âm chính xác những từ đơn giản trong lời nói của người lớn. Nếu con cứ mải miết ngồi nghe TV nói, đây chỉ là giao tiếp một chiều và bé cảm thấy mình nghe thôi đã đủ, miệng không có nhu cầu phát ra lời nói.
3.
Cần lưu ý rằng khi em bé mỉm cười với TV, TV không mỉm cười lại. Điều này có thể ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội và cảm xúc, tâm lý của trẻ.
4.
Tôi đã từng đọc một tài liệu nước ngoài nói rằng trong vòng 20 năm gần đây, một số lượng trẻ em 9 tháng tuổi chậm nói ngày càng nhiều. Điều này một phần nguyên nhân chính là do sự phát triền của truyền hình.
Nhiều ông bố bà mẹ coi TV là cứu cánh cho việc khỏi phải trông con, chăm con mà không hề nghĩ đến tác hại của nó. (ảnh minh họa) |
5.
Khi cha mẹ đã tự tạo cho con thói quen cứ phải có TV mới ăn, việc ăn uống của trẻ sẽ ngày càng trở nên khó khăn vì phụ thuộc vào TV. Chưa kể, trẻ vừa ăn vừa xem TV không thực sự chuyên tâm vào việc ăn uống, đây chỉ là một hình thức “lừa” để nhét thìa vào miệng con. Bé sẽ không thấy việc ăn là thú vị, đồng thời ăn như vậy rất hại dạ dày.
6.
Dimitri Christakis, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Seattle, cho biết trẻ sơ sinh hay xem TV sẽ có khả năng chú ý ngắn, gặp vấn đề về việc tập trung và hay mất kiên nhẫn khi được khoảng 7 tuổi. Não trẻ sơ sinh vẫn đang phát triển nếu phải thích nghi với tốc độ quá nhanh và quá kích thích của TV sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu.
7.
Ngoài ra, trong nghiên cứu của mình, Christakis nhận thấy rằng khả năng nhận biết chữ cái và số ở trẻ sơ sinh nghiện TV khi đến tuổi đi học sẽ chậm hơn các bạn.
8.
Nhiều chương trình truyền hình và TV đang dạy cho trẻ những điều sai trái, phạm pháp như: bỏ học, hút thuốc lá, đánh lộn cùng những màn biểu diễn nguy hiểm khác. Điều này là không tốt cho sự phát triển suy nghĩ của trẻ, dễ khiến con có định hướng lệch lạc.
(Theo khampha.vn)