Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí đã đặt ra câu hỏi "Có phải cần chạy thể dục đến như vậy không?" trong một bài chia sẻ rất thú vị trên VietNamNet. Tôi - đứng ở góc nhìn của một người đam mê môn thể thao này, tin rằng đây là chủ đề rất thú vị để nhiều người cùng theo dõi, chia sẻ quan điểm riêng.
Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu, các chuyên gia y tế đưa ra lời khuyên "Stay home" và tôi nhanh chóng chấp hành. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, tôi bắt đầu thấy cuồng chân. Tôi cố gắng tập thêm một số bài tập, chủ động đi bộ trong căn chung cư bé xíu của mình. Tôi cũng kết hợp dọn nhà để tăng các bước đi trong nhà, lên kế hoạch đi chợ/siêu thị để đảm bảo đời sống của gia đình và cũng tranh thủ đi thêm vào bước... Tuy nhiên, với "con nghiện" chạy như tôi, ngần đó dường như không ăn thua.
Tôi nghiên cứu khá nhiều thông tin và rút ra được một điều: Trong khi chờ tiêm chủng mở rộng phòng Covid-19, việc bồi bổ tăng sức đề kháng cho bản thân thì luyện tập thể dục thể thao cũng là cách rất tốt để thêm "lá chắn thép". Tuy nhiên, phải luyện tập một cách bài bản và có "chiến lược" rõ ràng.
Với các runner, chạy đồng nghĩa với việc chúng ta phải ra ngoài hít thở không khí trong lành và hoà mình vào thiên nhiên tươi đẹp chứ không phải chạy trên những chiếc máy cồng kềnh trong nhà. Trong những ngày hè nóng bức này, "làm một vòng" Hồ Tây là mơ ước của bao người: vừa "đã chân" vừa thoáng đãng. Nhưng mùa dịch, Hồ Tây lại là "worst choice" vì lượng người tập chạy quanh đây quá đông. Thế nên, tôi chọn cung đường an toàn là quanh chiếc sân bóng đá nhỏ hoặc đoạn đường vòng quanh khu đô thị đang trong giai đoạn hoàn thiện ở gần chung cư.
Một vòng chạy quanh sân bóng này chỉ khoảng 800m - chẳng thể "đủ đô" với "con nghiện" và tất nhiên, không có quang cảnh đẹp đẽ gì mà ngắm nhìn. Tuy nhiên, nó đảm bảo nhiều yếu tố an toàn: Ít người qua lại (mùa dịch, sân bóng bỗng trở thành "hoang vu" khi các chú nhóc không được tự do tụ tập chơi đùa). Còn con đường nội bộ trong khu đô thị kia thì phù hợp nhất vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, khi thời tiết không quá oi bức.
Vì chỉ là phương án luyện tập tạm thời, tôi chạy khá chậm, chủ yếu chỉ để giữ thói quen luyện tập. Tôi không muốn gắng sức. Nếu xảy ra chấn thương, tới bệnh viện lúc này không phải chuyện thú vị gì cả!
Tôi cũng chọn quy tắc "một chiều" như một độc giả đã còm trong chia sẻ của bác sĩ Trí. Nếu có người cùng xuất hiện trên cung đường chạy của mình, tôi sẽ chủ động giữ cự ly cùng một chiều giãn cách tối thiểu 2m trở lên và luôn luôn giãn cách trên cùng 1 chiều. Tất nhiên, khi có thêm nhiều người cùng tham gia vận động ở đây, tôi sẽ chọn cách... rút lui nhanh chóng. Tôi không mạo hiểm sức khoẻ của bản thân và gia đình cho đam mê luyện tập.
Tôi nghĩ, một khi đảm bảo được các điều kiện tối thiểu, bản thân có ý thức về sự an nguy, biết điểm dừng phù hợp, lý do gì bạn phải ngưng luyện tập?
Độc giả Nguyễn Hà Minh (Hà Nội)
Mọi ý kiến độc giả xin gửi về bansuckhoe@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn.
Có phải cần chạy thể dục đến như vậy không?
"Ngày mai bạn phải dự thi Olympic rồi sao? Sao bạn phải cố làm trái với các quy định phòng dịch, gây nguy hiểm cho xã hội đến vậy?", Giáo sư Nguyễn Anh Trí chia sẻ.